“Lúc trong bụng mẹ thì “chạy” chỗ sinh đẻ; chập chững đi là “chạy” trường, lớp; được tuyển dụng thì “chạy” chỗ, “chạy” chức, “chạy” luân chuyển; khi vi phạm pháp luật thì “chạy” án, thậm chí chạy khỏi tổ quốc khi đến những nơi chưa có hiệp định dẫn độ để yên thân”, Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho hay.

Quốc hội thảo luận: 'Đừng vì tăng trưởng tức thì mà không chú ý đến tương lai dân tộc'

Trí Lâm | 09/06/2017, 11:34

“Lúc trong bụng mẹ thì “chạy” chỗ sinh đẻ; chập chững đi là “chạy” trường, lớp; được tuyển dụng thì “chạy” chỗ, “chạy” chức, “chạy” luân chuyển; khi vi phạm pháp luật thì “chạy” án, thậm chí chạy khỏi tổ quốc khi đến những nơi chưa có hiệp định dẫn độ để yên thân”, Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho hay.

          

Sáng 9.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Chính phủ “đau đầu” chuyện trả nợ

Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, Báo cáo của Uỷ ban kinh tế Quốc hội nhận định, tăng trưởng chưa thực sự bền vững, quý 1/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% của cả năm 2017, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.

Bên cạnh đó, UB này cho rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng chi thường xuyên quá lớn

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, để ổn định, không nên chú trọng vào khai thác dầu mỏ, tài nguyên thiên nhiên mà hãy để dành cho con cháu mai sau.

Còn theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), những năm qua, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN tăng dần trong khi tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển lại giảm. Trong cơ cấu NSNN năm 2016, cơ cấu chi đầu tư phát triển chỉ chiếm còn 19,72%, chi thường xuyên chiếm 61,15% và chi trả nợ, viện trợ chiếm 12%.

Bên cạnh đó, năm 2017, dự toán vay cho cân đối NSNN mà Chính phủ đặt ra là 316.300 tỉ đồng, trong đó, vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỉ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỉ đồng.

“Chính phủ đã phải dành một phần không nhỏ NSNN để trả nợ nhưng vẫn không đủ mà phải đi vay để đảo nợ. Điều này cho thấy Chính phủ đang gặp "trục trặc" về khả năng trả nợ. Trong khi, về nguyên lý thì các khoản nợ vay chỉ được chi cho đầu tư phát triển để sinh lợi và lan tỏa tới nền kinh tế”, bà Thơ nói.

Theo đó, vị này cho rằng Chính phủ cần có giải pháp để cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng cho đầu tư phát triển và hạn chế, thắt chặt chi thường xuyên, chi cho tiêu dùng… Để làm được điều này cần phải mạnh mẽ tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, thu gọn bộ máy hành chính…

Đề cập đến tình trạng thanh tra triền miên, chồng chéo gây khó cho doanh nghiêp, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho biết doanh nghiệp vẫn còn bị phiền hà, sách nhiễu vì phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra.

Vị này nêu ví dụ về một doanh nghiệp chế biến mủ cao su ở Bình Phước bị đóng cửa 3 tháng chỉ vì tự ý thay đổi dây truyền xử lý chất thải… hiện đại hơn nhưng không đúng với thiết kế. Thậm chí, một đại biểu quốc hội làm kinh doanh cũng than phiền vì phải tiếp quá nhiều đoàn thành tra, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, kinh doanh.

“Thời gian qua chứng kiến số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục, tuy nhiên, cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì 9 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu doanh nghiệp, đảm bảo môi trường tốt cho nhà đầu tư”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Hàng loạt bất an

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chia sẻ, hơn 1 năm nhận nhiệm vụ và chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã tập trung xử lý nút thắt của nền kinh tế như: hoàn thiện thể chế; hạn chế đầu tư dàn trải; tính ổn định, bền vững của nền kinh tế có nhiều điều đáng lo nhưng vẫn duy trì được tăng trưởng…

Tuy nhiên, vị này cho rằng sức ép trong điều hành tài chính khi dấu hiệu mất cân đối đã hiện hữu là thách thức; chuyển dịch cơ cấu chưa rõ nét, vai trò kiến tạo của các bộ, ngành, địa phương và cán bộ công chức chưa đáp ứng kịp yêu cầu của Chính phủ; các nguồn thu chính chưa đạt (chủ yếu từ đất đai);  nợ công, nợ xấu đã đến mức báo động, lãng phí trong đầu tư còn lớn…

Bên cạnh đó, vị này cũng chia sẻ hàng loạt bất an từ kinh tế đến xã hội mà cử tri phản ánh. “Đó là tại sao chỉ một mình Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị?”

“Tham nhũng quá lớn là bước đưa quốc gia đến bờ vực sa sút lòng tin. Tiền của dân là mồ hôi nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn hiện nay rất đáng báo động”, đại biểu này nhấn mạnh.

Về kinh tế, vị này cho rằng đã xuất hiện dấu hiệu bất ổn kinh tế vĩ mô. Các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, nợ công cao và xu hướng còn tăng, áp lực trả nợ lớn, chi thường xuyên gần 70%. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ kết quả GDP chưa được như mong muốn.

“Làm một đồng tiêu tới 3 đồng”, ông Đặng Thuần Phong nói.

Nghiêm trong hơn, vị này cho rằng tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội là dấu hiệu đáng lo ngại. “Đồng tiền chi phối tính công tâm của nhiều cơ quan công quyền, làm suy thoái đạo đức, đâm thủng pháp luật. Minh chứng là việc “chạy” ở Việt Nam”.

“Lúc trong bụng mẹ thì “chạy” chỗ sinh đẻ, chập chững đi là “chạy” trường, lớp được tuyển dụng thì “chạy” chỗ, “chạy” chức, “chạy” luân chuyển, khi vi phạm pháp luật thì “chạy” án, thậm chí chạy khỏi tổ quốc khi đến những nơi chưa có hiệp định dẫn độ để yên thân”, Đại biểu Đặng Thuần Phong cho hay.

Bên cạnh đó, vị này cũng cho biết dân cũng không yên tâm khi rừng đã hết và biển dần chết, tài nguyên cho các đời sau chỉ còn trong lịch sử.  Chính sách kêu gọi đầu tư, hời hợt thậm định đã biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ và rất nhiều hệ lụy môi trường khi sông chết, đất chết, biển chết.

“Đừng vì tăng trưởng tức thì mà không chú ý đến tương lại dân tộc, tiền bao nhiêu đi nữa cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp”, ông Phong nói.

Đại biểu này cũng chia sẻ bất an khi bữa cơm trong nhà cũng lo về an toàn thực phẩm, ra ngoài lo an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình không dám can thiệp vì sợ vạ lây. Do dó, vô cảm trở thành vấn đề phổ biến trong ứng xử với con người.

“Chính phủ cần cân nhắc trong chỉ đạo điều hành để tạo sự chuyển biến trong thời gian tới”, ông Phong nói.

Hoài Phong

   
Bài liên quan
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc hội thảo luận: 'Đừng vì tăng trưởng tức thì mà không chú ý đến tương lai dân tộc'