Những ngày cuối tháng 8, trong cái thay đổi dễ chịu của hạ sang thu, bỗng nhiên tôi nhớ họa sĩ Thái Tuấn. Ông cũng đã ra đi vào một buổi chớm thu Sài Gòn cách đây đúng mười năm. Nhưng những bức tranh vẽ thiếu nữ thuần hậu, quý phái vẫn còn sống mãi. Đặc biệt hơn, trong tranh Thái Tuấn không bao giờ vẽ mũi của người đẹp. Vì sao?

Người họa sĩ không bao giờ vẽ mũi phụ nữ

24/08/2017, 06:01

Những ngày cuối tháng 8, trong cái thay đổi dễ chịu của hạ sang thu, bỗng nhiên tôi nhớ họa sĩ Thái Tuấn. Ông cũng đã ra đi vào một buổi chớm thu Sài Gòn cách đây đúng mười năm. Nhưng những bức tranh vẽ thiếu nữ thuần hậu, quý phái vẫn còn sống mãi. Đặc biệt hơn, trong tranh Thái Tuấn không bao giờ vẽ mũi của người đẹp. Vì sao?

Hoạ sĩ Thái Tuấn (1918 - 2007)

Họa sĩ Thái Tuấn sinh năm 1918 tại miền Bắc Việt Nam. Ông tự học hội họa và có một thời gian ngắn tham gia khóa dự thính trường mỹ thuật Đông Dương. Tranh của ông đã từng triển lãm Alliance Francaise 1958, Galerie Dolce Vita 1970, Continental Palace Saigon 1973… và ở các nước Brasil, Mỹ, Canada, Pháp. Tranh Thái Tuấn có trong các bộ sưu tập nổi tiếng ở VN và thế giới. Ông mất ngày 26.9.2007 tại Sài Gòn.

Thiếu nữ, 2003

Một cuộc đời khát khao tìm kiếm cái đẹp...

Có lẽ trong làng hội họa VN, họa sĩ Thái Tuấn chiếm một vị trí khiêm tốn nhưng đặc biệt. Cuộc đời ông chỉ toàn những cái cơ nhỡ: tuy được tiếng là họa sĩ từ trường mỹ thuật Đông Dương nhưng Thái Tuấn không tốt nghiệp chính quy mà chỉ ghi tên dự thính. Khi vào Nam, ông lưỡng lự, dằng co giữa cái sự viếtsự vẽ. Đi tiếp bằng ngòi bút, với những cảm nhận tinh tế ít người sánh kịp để trở thành một nhà phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp hay bay bổng tưng bừng cùng sắc màu, cây cọ để thành một họa sĩ chuyên nghiệp?

Đứng giữa hai ranh giới ấy mới thấy Thái Tuấn là một người hiếm có. Ông có khả năng quan sát tinh tế. Quan sát để ghi nhận, để nén vào trong. Sự ghi nhận phản biện. Từ đây biết mình, thấy người. Và khi viết, ông viết bằng một lối văn biết tiết chế đến tận cùng cảm xúc.

Tôi may mắn được đọc cuốn Câu chuyện hội họa của ông xuất bản từ những năm 60 ở Sài Gòn. Sau này, khi Thái Tuấn từ Pháp về, được chơi với ông, được ông xem như một người bạn trẻ tâm giao, ông đã tặng tôi cuốn sách này khi nhà xuất bản Văn Nghệ liên kết với Phương Nam Corp in lại sau gần 40 năm ra mắt người đọc.

Bìa cuốn "Câu chuyện hội hoạ" của Thái Tuấn. Tranh bìa cũng là chân dung và chữ ký ông

Nhắc đến những kỷ niệm với hoạ sĩ Thái Tuấn không thể quên quán cà phê cóc do con trai ông là anh Thái Kỳ đứng bán ở con đường nhỏ bên hông chợ Tân Định ồn ào. Khi từ Pháp chuyển hẳn về Sài Gòn, những lúc khoẻ, ông thường bảo anh Thái Kỳ chở ông ra ngồi ở quán ngắm phố sá và người qua lại.

Và hoạ sĩ đã viết như một lời tâm tình, mơ ước của mình cho một hành trình nghệ thuật, chẳng lời lẽ nào đao to búa lớn. Nhưng đọc bao giờ cũng tìm thấy trong đó một chữ Tình: “Dân tộc ta đã từng biết đến cái đẹp và cũng đã làm ra nhiều cái đẹp để xây dựng lấy một nền nghệ thuật rực rỡ phong phú; trước khi tiếp xúc với nền văn minh Tây phương, song không mấy khi luận bàn về cái đẹp. Âu cũng là một nét đặc biệt của chung con người Đông phương thực ra cái đẹp không chỉ giới hạn ở phạm vi hình sắc nhìn thấy, ở âm thanh nghe được, mà con do sự cảm thấy qua các tác phẩm văn chương và thi ca…”.

Rồi ông nói lên ý nguyện khiêm tốn của mình: “Có đôi lúc tạm rời cây cọ đổi lấy cây viết “câu chuyện hội họa” không ngoài mục đích đóng góp những kinh nghiệm trong công việc làm nghệ thuật và để chia sẻ những tư tưởng về nghệ thuật, về cái đẹp từ những phương trời xa lạ mà tôi đã góp nhặt được…”.

Họa sĩ Thái Tuấn và Nguyễn Hữu Hồng Minh. Sài Gòn 2006 - Ảnh: Thái Kỳ

Thái Tuấn theo con cái qua Pháp định cư ở Orléans một thời gian dài. Tại đây ông có điều kiện tiếp xúc, đối mặt với các trào lưu, trường phái hội họa thế giới nhưng tuyệt nhiên tất cả không thay đổi được tâm hồn, phong cách ông. Dường như ông hiểu ông chỉ thuộc về quá khứ, một chân trời hoài niệm đã mất. Và những ngày tháng còn lại, ông chỉ muốn có cơ hội “phục hưng” trong tác phẩm những ký ức xưa cũ vương vấn suốt đời hun đúc lên thế giới nghệ thuật ông.

Cuối cuộc hành trình, ông chỉ muốn trở lại Việt Nam. Tôi may mắn được biết ông qua sự giới thiệu của cố nhà sưu tập Lê Thái Sơn. Không ngờ chỉ mấy năm sau, cả họa sĩ tên tuổi và nhà sưu tập trẻ tuổi đều qua đời. Cuộc đời đầy những bí ẩn chẳng biết nói trước chuyện gì. Thôi thì còn gặp nhau là vui, là duyên. Vậy là những cuộc tâm tình, trao đổi của chúng tôi thường xuyên diễn ra ở quán cà phê cuối đường Bà Lê Chân của anh Thái Kỳ, người con trai ông hoặc trên căn gác nhỏ, số nhà 150/31 Lý Chính Thắng - Quận 3, đường Yên Đỗ cũ.

Khăn quàng

Căn gác thiếu ánh sáng, bày biện ngăn nắp gọn gàng. Ở góc trái có một bàn thờ nhỏ, để hình người vợ vừa qua đời mà ông suốt một đời yêu dấu. Người vợ gốc Hà Nội đã bôn ba theo ông trên mọi nẻo cuộc đời và cũng là người mẫu của nhiều bức tranh vẽ Thiếu nữ khá nổi tiếng của ông. Bà mất tại Pháp. Giờ đây, trơ trọi nỗi cô đơn, giữa căn phòng người họa sĩ già với những tấm bố, toan căng sẵn. Hình như tuổi tác không còn là vấn đề của ông. Ông vẫn có thể vẽ và viết bất cứ khi nào khi cảm xúc hiện đến. Đó là hình ảnh đáng khâm phục và trân trọng mà tâm hồn tôi vẫn còn giữ mãi về một họa sĩ lớn.

Chợ chiều - Tranh họa sĩ Thái Tuấn

Thiếu nữ áo lục hay cái đẹp nguyên ủy

Nói về sự nghiệp Thái Tuấn, ngoài tranh, ông là người có công rất lớn trong việc tìm, hướng dẫn và khích lệ nhiều họa sĩ trẻ khi ông là ban giám khảo tại các cuộc thi triển lãm mỹ thuật Sài Gòn trước đây. Nhưng thú vị khi biết rằng, cho dù ông chia sẻ được nhiều ý tưởng, tìm tòi, phá cách táo bạo của các họa sĩ trẻ nhưng với bản thân mình, khi sáng tạo, ông vẫn giữ nguyên phong vị của một người có văn hóa sâu, hướng đến những “vẻ đẹp nguyên ủy”.

Cưỡi trâu

“Vẻ đẹp nguyên ủy” đó chính là tâm thế, thái độ mà họa sĩ Thái Tuấn đã chọn lựa khi đến với nghệ thuật: làm đẹp cho đời. Vẻ đẹp đó thể hiện qua bút pháp vẽ thiếu nữ của ông. Cái đẹp bao giờ và lúc nào cũng dựa trên những tiêu chuẩn “kinh điển”. Xem tranh vẽ thiếu nữ của ông, chúng ta như lạc trong thế giới thuần khiết của Tình và Mộng. Đó là những Áo lụa Hà Đông (Nguyên Sa), của “nắng có hồng bằng đôi môi em (Trịnh Công Sơn) hay dư âm chất ngất tiếc nuối sầu muộn của thơ Hàn Mặc Tử “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy / Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Thái Tuấn hoàn toàn làm chủ một thế giới nghệ thuật trong suốt, thế giới chưa bị vẩy đục vì dục vọng, tham vọng thấp hèn. Thế giới Chân – Thiện – Mỹ. Như những vẻ đẹp thanh cao thường mộc mạc, thuần chất. Cái đẹp hiển nhiên như đang có mặt, tồn tại hôm nay và muôn đời vẫn thế!

Bức tranh "Thiếu nữ cầm quạt" che khuất vị trí mũi

Thái Tuấn nói với tôi, ông không bao giờ muốn vẽ cái mũi của người phụ nữ. Vì theo ông, mũi dùng để đánh hơi. Mũi có thể nói lên nhân tướng, vận số của con người. Mà với ông khi vẽ ông không muốn, hay tạm chối từ phần thể hiện “quá rõ” đó. Dù thế, họa sĩ vẫn rất tài tình khi vẽ hàng loạt tranh về thiếu nữ mà không có bức nào lặp lại, không có bức nào giống nhau. Mỗi tác phẩm là một góc phát hiện, bổ túc cái nhìn toàn diện về quan điểm hội họa của chính ông.

Hình ảnh “thiếu nữ áo lục” tuy xuất hiện nhiều lần trong tranh ông như tượng trưng một mẫu số, một thẩm mỹ về cái đẹp của nghệ thuật cổ điển. Cho đến khi ông mất, anh Thái Kỳ con trai anh còn tìm thấy hàng chục mẫu phác thảo dang dở cùng đề tài “Thiếu nữ áo lục”. Và bây giờ chắc nàng thiếu nữ áo lục vẫn còn vương vấn theo ông đến một cõi thiên thai nào đó…

Sài Gòn, 23.8.2017

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người họa sĩ không bao giờ vẽ mũi phụ nữ