Một cuộc tọa đàm bàn về tác phẩm “Đêm mún sen” của nhà văn, nhà thơ Trần Dần sẽ được tổ chức vào ngày 24.8 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, ở Hà Nội.

Bàn về ‘Đêm núm sen’ của nhà thơ, nhà văn Trần Dần

22/08/2017, 07:08

Một cuộc tọa đàm bàn về tác phẩm “Đêm mún sen” của nhà văn, nhà thơ Trần Dần sẽ được tổ chức vào ngày 24.8 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, ở Hà Nội.

Hai mươi năm, sau ngày nhà thơ Trần Dần qua đời, những người con của ông đã tìm được bản thảo vàng ố của Đêm núm sen nằm ngủ quên suốt hơn nửa thế kỷ. Từ những trang giấy rời rạc, những phần bản thảo được lưu giữ ở nơi này nơi kia, con trai của ông đã cẩn thận dùng kính lúp soi dò từng chữ để sắp xếp lại thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Đêm núm sen đã chính thức ra mắt độc giả cách đây vài tháng trong niềm vui của rất nhiều người yêu văn chương.

Nhà thơ, nhà văn Trần Dần (1926-1997)

“Trăng sáng một nghìn bạch lạp: hai cái bóng của chúng tôi ngả dài mặt đường… Tôi đi thoai thoải. Tôi xích cái bóng của tôi lại. Cô ta nhìn thấy. Cô né ra… Chúng tôi ngồi ở một ghế đá, dưới cây xà cừ. Vầng trăng bị mắc trong vòm lá đen. Cả một vầng trăng, nõn như thịt sò. Quanh tôi là mông-mênh-quảng-trường. Một thứ mông mênh bù dục. Chúng tôi thành một bộ phận của im lặng đêm trăng.” - Đó là những câu văn mang một nét rất riêng, rất Trần Dần bằng cách vận dụng ngôn ngữ tiếng Việt một cách độc đáo và đầy sáng tạo.

Khi đọc tác phẩm của Trần Dần nhà văn Dương Tường phải thốt lên: “Đêm núm sen… Một cocktail của trữ tình, bi tráng và u-mua, của các bề chiều chữ: màu chữ, mùi chữ, vị chữ, nhịp chữ, biến tấu chữ. Tôi không ngần ngại xếp Đêm núm sen vào dòng ngụ ngôn đen, giống như những ngụ ngôn đen của Gunter Grass “thể hiện gương mặt bị lãng quên của lịch sử”.

Bạn đọc nhạy cảm hẳn sẽ thấy ánh lên dư vang của Kinh Thánh (sách Xuất Ai Cập Xứ) trong những luân lạc của làng Mật của Kiến Gầy trên hành trình từ khai lập đến hình thành trọn vẹn. Cuốn tiểu thuyết này về tình yêu trong xoáy lốc chiến tranh cũng là một sử thi về thân phận của kiếp Người-Kiến – Kiến-Người trên một bề chiều vừa bi tráng vừa trữ tình của nhân loại.”

Nhà văn, nhà thơ Trần Dần sinh ngày 23.8.1926 trong một gia đình khá giả tại phố Năng Tĩnh, thành phố Nam Định. Ông học trung học tại Hà Nội, đậu tú tài Pháp và bắt đầu làm thơ. Năm 1946, Trần Dần lập nhóm thi sĩ tượng trưng cùng Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương… Cũng trong năm này, tạp chí Dạ đài ra số 1, đăng bản tuyên ngôn của phái Tượng trưng do Trần Dần chấp bút.

Năm 1954, Trần Dần viết Người người lớp lớp, cuốn tiểu thuyết duy nhất của văn học Việt Nam thời kỳ đó về Điện Biên Phủ. Sau đó Trần Dần viết Nhất định thắng (thơ, 1955); Đi! Đây Việt Bắc (trường ca, 1957); Cổng tỉnh (thơ, 1960); Đêm núm sen (tiểu thuyết, 1961); Jờ Joạcx (thơ, 1963); Mùa sạch (thơ, 1964); Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết, 1964- Chưa xuất bản)… Năm 1976, Trần Dần và Dương Tường thử nghiệm Thơ thị giác. Năm 1980, Trần Dần viết bộ tam 36 thở dài - Tư Mã dâng sao, năm 1987 viết Thơ mini…

Tác phẩm Đêm núm sen được Trần Dần viết vào những năm 1961, nhưng vì hoàn cảnh éo le nên bản thảo vẫn nằm im trong ngăn kéo. Gần 30 năm nhà thơ Trần Dần xem lại những trang mình đã viết và thấy “chuột bọ gặm hết một số chương” ông phải xót xa: “Người ta có thể trách tôi đủ thứ! Kém trách nhiệm? Vô ý thức bảo quản tác phẩm? Cẩu thả? Buông lung? Không dạy được vợ con ý thức bảo tàng? Những điều kể ra cũng có cơ sở? Cũng đáng trách đấy? Lại những người khác có thể nghĩ tới những văn cảnh xã-sử? Những biểu hiện ăn – ở – ngủ – đ* – ỉa Việtnamit? Tư Mã ắt cũng không thoát những vòng cảm nghĩ xót xa ý? Song chậc? Tư Mã thở dài… “Mất rồi thì thôi…”

Sau đó ông mất vào năm 1997 khi chưa được nhìn Đêm núm sen chính thức xuất bản. Mãi đến năm 2013, gia đình ông mới tìm được bản thảo, dù sao Đêm mún sen đã có một cuộc hành trình khá gian nan vất vả trước khi đến với bạn đọc vào năm 2017.

Đọc Đêm núm sen của Trần Dần chúng ta sẽ thấy hơn cả một cuộc phiêu lưu vào một thế giới giả tưởng, nơi mà cuộc sống cá nhân, bị nghiền nát và cuốn đi bởi chiến tranh, bởi đời sống tập thể, trước hết, là một cuộc trình diễn ngôn ngữ của một tác giả mà từ vựng là của thi ca và cảm xúc là của thi sĩ.

Ai có thể tả những phấp phỏng, thẹn thùng, nhớ nhung, đay khổ, say đắm như Trần Dần? Ai có thể tả đêm núm sen phập phồng cảm xúc và sexy như Trần Dần? Với Đêm núm sen, sự viết của Trần Dần một lần nữa khẳng định rằng tiếng Việt đẹp thế nào và vì sao ông vẫn là một thành lũy vời vợi... Chẳng phải vậy ư, khi những trang bản thảo ố vàng, tìm được đường trở lại sau hơn nửa thế kỷ bị cất giấu, bị gián nhấm và thất lạc, vẫn tỏa nguyên một “quyền lực man mác” lên chúng ta hôm nay.

Tọa đàm Bàn về Đêm núm sen

Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace t tổ chức tọa đàm "Bàn về Đêm núm sen" của nhà văn, nhà thơ Trần Dần.

Thời gian: 18 giờ ngày 24 tháng 8 năm 2017

Địa điểm: Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền

Diễn giả:

  • Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
  • Tiến sĩ Ngữ văn Trần Ngọc Hiếu
  • Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn
  • Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

Tiểu Vũ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bàn về ‘Đêm núm sen’ của nhà thơ, nhà văn Trần Dần