SEA Games 28 sắp đến gần, Công Phượng là một trong những niềm hy vọng lớn nhất của bóng đá Việt Nam. Vẫn biết Công Phượng đổi đời là nhờ bầu Đức, nhờ Học viện HAGL.., nhưng hẳn không nhiều người thấu tỏ, có được Công Phượng ngày hôm nay, trước hết là nhờ nghị lực từ người mẹ.

Người mẹ cả đời rơm rớm nước mắt của Công Phượng

Một Thế Giới | 20/05/2015, 08:49

SEA Games 28 sắp đến gần, Công Phượng là một trong những niềm hy vọng lớn nhất của bóng đá Việt Nam. Vẫn biết Công Phượng đổi đời là nhờ bầu Đức, nhờ Học viện HAGL.., nhưng hẳn không nhiều người thấu tỏ, có được Công Phượng ngày hôm nay, trước hết là nhờ nghị lực từ người mẹ.

Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ Công Phượng, là một người phụ nữ mà chỉ thoáng qua cũng toát lên tất cả sự lam lũ, tảo tần. Nhìn bà Hoa là nhìn thấy khô cằn sỏi đá. Gương mặt bà không ủ ê, rầu rĩ, bà cũng thỉnh thoảng cười, nhưng mỗi lẩn cười là các nếp nhăn lại đua nhau đổ xô về khoé mắt, khoé miệng. Bàn tay bà Hoa khi cầm chén nước, nó gầy guộc, khô khốc và ám một màu nâu đỏ của bùn đất, của phân gió.
Nhà cắm cây quạt điện, nhưng bà Hoa vẫn phành phạch cái mo cau. Bà quệt mồ hôi, bảo: "Cái gió điện hấn không có mát như gió mình tự quạt". Trên cổ áo, vạt áo bà vẫn còn dính nguyên vài hạt lúa, bùn đóng cứng ở gấu quần.
Bà Hoa mới lội ruộng về. Đô Lương, huyện miền núi phía Tây Nghệ An đang vào vụ gặt. "Mùa màng năm nay được, vợ chồng tui ra hè chắc cũng lo được món tiền nhỏ để lát nốt cái sân phơi ở bên tê".
Vợ chồng bà Hoa, ông Bảy được ở ngôi nhà mới cũng đến nửa năm nay. Nhưng xoay tiền đến đâu làm đến đó, thực ra ông bà mới xong cái xác nhà, đồ đạc vẫn chưa sắm sửa gì, mà sân, giếng, bếp, tất cả vẫn còn ngổn ngang lắm.
Trong nhà bà Hoa mới chỉ có chiếc tivi cũ, cái tủ lạnh bắt đầu bong sơn, đôi chiếc giường đóng vội. Và ở một góc sáng sủa nhất của bức tường là chiếc khung ảnh lớn, bên trong lồng rất nhiều ảnh kỷ niệm gia đình, từ đám cưới của các con trai, con gái, cho đến hồi Công Phượng mới nhập học ở Học viện trên Gia Lai.
"Tui làm cái nhà ni đúng lúc thằng Phượng hấn đá bóng nổi trên tivi, ai cũng tưởng hấn cho tui nhiều tiền. Kỳ thực, cũng có tiền của hấn, nhưng mà không nhiều. Tui với ông Bảy tự làm cả đấy. Cát thì xúc dưới sông lên, gỗ đặt ngay trên đổi kia, công xá thì họ hàng, rồi người làng họ giúp.Chứ như vợ chồng tui, nỏ dám mơ xâỵ cái nhà mấy trăm triệu đồng như ở dưới xuôi"!
Cứ như lời bà Hoa thì không thuê thợ nên nhà bà xây đơn giản nhưng cũng mất đến 4 tháng giời, ở cái nhà mới cũng khang trang, thoáng mát, nhưng từ bận phá cái nhà cũ đi, bà cứ thấy nhơ nhớ thế nào. Chẳng gì thì từng ấy đứa con của ông bà (6 lần sinh nở, giờ còn 5) đều gắn liền với nhà cũ.
Bố Công Phượng là ông Nguyễn Công Bảy, mẹ là bà Nguyễn Thị Hoa. Cả hai ông bà cùng quê, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ông bà cùng một tuổi, đều sinh năm 1956. Họ cưới nhau năm 1978, có 6 đứa con, Công Phượng là thứ 4. Ngoại trừ Nguyễn Công Khoa mất sớm vì đuối nước, cả 5 đứa con của ông bà đều được ăn học trưởng thành. Các anh chị lớn đều đã lập gia đình, chỉ còn lại Công Phượng và em gái út vẫn chưa tính chuyện tương lai.
Công Phượng là con thứ 4 trong nhà. Hồi sinh Công Phượng, tuy cuộc sống đã gọi là đỡ chật vật hơn, nhưng trong ký ức của bà Hoa thì vẫn còn nhọc lắm.
"Thằng Phượng hấn đẻ vào đận giáp Tết, mưa suốt, rét suốt, đường đất khắp nơi nhão ra như cháo hoa, bế hấn từ trạm xá về mà mấy đầu ngón chân tui cứng ngắc cả lại vì bấm xuống bùn. Mẹ con đều run cầm cập vì lấy mô ra nhiều chăn chiếu cho đủ ấm".
Ông Bảy thì băn khoăn không biết thời tiết giờ thay đổi ra sao, chứ hồi xưa rét đậm hơn nhiều. Nhà cũ của ông bà lại nằm ở trên... nóc quả đồi, nghĩa là bao nhiêu mưa phùn gió bấc, các chiều các hướng nó đều thốc vào đấy hết.
Căn nhà mái ngói lợp kiểu vẩy cá từ thời các cụ ngày xưa để lại chỉ chống được mưa rào chứ không chịu nổi mưa dầm. Nước mưa thấm qua các kẽ giọt gianh, rỏ tong tỏng ngay bên thành giường bà đẻ. Xoong, chảo, chậu mang ra hứng cũng chẳng ăn thua. Nền nhà đất gặp mưa ướt nhoen nhoét, bà phải nạt mấy đứa lớn đừng có sán lại gần xem em bé, chẳng may mà trượt chân thì khổ.
Để chống rét và hong tã lót, ông Bảy phải nhóm lửa cho vợ sưởi ngay trong nhà. Củi rác thì ẩm, thổi mãi mới lên, lửa chẳng thấy đâu mà sặc khói. Bà Hoa cứ thế ôm thằng Phượng trong cái chăn bông, ngồi sát đống lửa, con đủ ấm không ọ oẹ nữa thì mẹ nẻ toác cả mặt mày lẫn các đầu ngón tay ngón chân.
Những ngày ấy, cả xã Mỹ Sơn nghèo, có khi cả huyện Đô Lương cũng chung cảnh nheo nhóc vì làm ăn kiểu hợp tác phất phơ. Như bà Hoa tả lại thì một hộ gia đình như nhà bà, cứ 6 tháng có 6 cân thóc. 3 đứa con, 2 vợ chồng, thêm thằng Phượng nữa là 6 miệng ăn, từng ấy gạo thì trông vào đâu? "Đến gạo còn chẳng đủ mà ăn thì nói chi thịt cá tẩm bổ".
Nhiều lúc bà Hoa chỉ ao ước có được bát cơm chan nước mắm, mà kiếm không ra. Bà phải chưng mật mía thành nước hàng, rồi đun lên kiếm tí vị mặn để nuốt hết bát cơm một phần gạo thì hai, ba phần độn khoai độn sắn.
Nhà lại đông con, cứ đến bữa nhìn 3 đứa trẻ trứng gà trứng vịt đang tuổi ăn tuổi nhớn khoanh chân xếp bằng ngồi trước mâm cơm, hau háu chực chan chực gắp mà bà Hoa chỉ biết ngậm nước mắt vào trong. Đến mấy quả cà dấm tương hai vợ chồng cũng nhường hết cho đám trẻ.
"Hồi đó khó khăn chung, nhà nào cũng như nhà nào cả nên nỏ có thấy chi, bây chừ nhìn lại mới thấy rứa là cực khổ. Chắc tại tui ăn uống thiếu chất nên tội thằng Phượng nhỏ quá, nhìn con đứng đến tai, đến ngực người ta mà thương hấn. Chứ được như cha hấn thì đâu có đến nỗi nào".
Ông Bảy kể ra so với tuýp người ngày trước thì cũng là dạng cao to, có da có thịt. Ông được trên 1m70, làm đồng cả ngày không biết mệt, chưa kể còn có nghề phụ hồ, thợ nề lúc nông nhàn. Bà Hoa cũng không phải là thấp bé nhẹ cân, dáng bà dong dỏng cao là đằng khác. Nhưng vất vả, đói nghèo, mấy chục năm, cộng thêm 6 lần sinh đẻ nên nó phá sức bà. 60 tuổi, mỗi lần trở trời là bà đã thấy đau lưng, ê mỏi các khớp xương, chân tay đau như dãn.
Sau Công Phượng, ông bà Hoa Bảy còn "nhỡ" thêm một em gái út nữa rồi mới chịu thôi. Để có tiền nuôi đám con bằng cả một đội bóng đá mini lóc nhóc, bà Hoa gắn như phải một tay lo hết việc nhà, trong lúc chồng đi làm thuê cho thiên hạ. Bà ra đồng từ mờ sáng, nắng lên thì tranh thủ vể nhà lợn gà cám bã, chiều lại làm quần quật đến nhọ mặt người. Đấy là lúc vụ mùa. Những lúc không lúa má, bà lại gánh chuối, gánh khoai thong thả suốt từ nhà xuống chợ huyện, đi hai chục cây, về hai chục cây là chuyện bình thường.
Không nhớ nổi là mất bao nhiêu năm tích cóp, bà Hoa mới đủ tiền mua một chiếc xe đạp cà tàng. Đấy cũng chính là chiếc xe sau này ròng rã chở Công Phượng đi 18km mỗi ngày để "tu nghiệp" ở lò luyện đá bóng của thầy Vinh Đô Lương.
Anh Đức / Người giữ lửa
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người mẹ cả đời rơm rớm nước mắt của Công Phượng