“Mùa bóng 2015, tôi chi ra 15 tỷ đồng cho HAGL đá V.League nhưng trong đó khoản tiền chi cho 2 ngoại binh đã chiếm 3 tỷ đồng. Do vậy cầu thủ ngoại đá phải xứng đáng đồng tiền tôi bỏ ra, còn không thì dẹp”, bầu Đức đã phát biểu hồi đầu năm 2015 nhân dịp ra mắt nhà tài trợ.
Ngoại binh 130 triệu/tháng: gấp 6 lương Công Phượng!
Chuyện ngoại binh HAGL đá kém, bầu Đức bức xúc rất nhiều nên có lần giữa hiệp trận HAGL – Thanh Hóa ở sân Pleiku, ông chủ của HAGL đã nhảy xuống sân để bộc bạch với các phóng viên: “Mấy ông Tây đá như vậy tức điên được. Mấy anh không biết đâu, riêng tiền lương của mỗi ông ngoại binh đã đến 6.000 USD, tức 130 triệu/tháng rồi chứ kể tiền phí chuyển nhượng nọ kia. Trong khi đó cầu thủ HAGL hiện giờ đám Công Phượng, Tuấn Anh tôi trả kịch kim có 20 triệu/tháng, có đứa có 15 triệu/tháng. Lương 2 cầu thủ ngoại gần bằng cả cầu thủ nội cộng lại”.
Tính đến thời điểm này, HAGL đã tuyển chọn rồi thải loại tổng cộng 6 ngoại binh chỉ sau 12 vòng đấu đầu tiên, gồm: tiền đạo Darko Lukanovic, trung vệ Morec Mtija, tiền đạo Drazko Dragicevic, trung vệ Cosmin Goia, tiền đạo Moussa Sanogo, trung vệ Frankin.
Thông tin mới nhất cho biết, HAGL đã thanh lý với tiền đạo Moussa Sanogo vì sợ tiền sử chấn thương của cầu thủ từng tốt nghiệp Học viện JMG Abidijan Bờ Biển Ngà. Riêng trung vệ Franklin chưa chắn được giữ lại nếu HAGL thử được ngoại binh khác khá hơn. Việc thay đổi ngoại binh đến chóng mặt của HAGL trong mùa giải 2015 xứng đáng được coi là kỷ lục ở V.League.
Tiền đạo Darko Lukanovic - chân sút sớm bị HAGL sa thải sau 2 vòng đấu đầu tiên (ảnh Nguyên Trương) |
Vậy lý do gì khiến CLB có danh tiếng, tài chính cùng mối quan hệ và kinh nghiệm lại tìm đỏ con mắt không ra được một tiền đạo hay trung vệ đá cho “ra hồn ra vía”? Trách nhiệm thuộc về ai?
Mảng khuất khó nói ở HAGL
Rất nhiều cây bút khi nói về chuyện HAGL không kiếm được ngoại binh giỏi đều dễ đi đến kết luận rằng với số tiền lương 6.000 USD/tháng mà bầu Đức chi trả thì rất khó kiếm được ngoại binh giỏi. Họ viện ra các trường hợp như Lee Nguyễn từng nhận 10.000 USD/tháng hay Thonglao nhận 7.000 USD/tháng trước đây hay trường hợp các ngoại binh “lương khủng” ở Becamex Bình Dương.
Thực ra so sánh như vậy chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” của những người không rành về thị trường chuyển nhượng (TTCN). Thứ nhất, việc áp giá một vài trường hợp ngoại binh “lương khủng” của giai đoạn 2009-2012 với hiện tại rất kiêng cưỡng vì 4 năm trước TTCN ở V.League phần lớn bị “bơm thổi” bởi sự kết hợp giữa các tay cò môi giới với các GĐĐH, HLV ở CLB.
Thứ hai, cần biết rằng con số trung bình 5.000 – 6.000 USD/tháng tiền lương mà bầu Đức chi trả cho 1 ngoại binh là số tiền rất khá chứ không phải dễ kiếm.
Ngay cả tiền vệ Lee Nguyễn ở mùa bóng 2013 cũng chỉ nhận được mức lương 80.000 USD/năm (6.600 USD/tháng) ở giải MLS và mùa giải 2014 được tăng lên nhiều hơn chỉ ở mức 193.000 USD/năm (16.000 USD/tháng) mà là tiền lương chưa phải đóng thuế (trả thuế ở Mỹ lên đến 32% cho thu nhập trên 100.000 USD/năm).
Cũng biết thêm, ngay cả ở V.League ở CLB Thanh Hóa, bầu Đệ từng đặt ra tiêu chuẩn là không trả lương hơn 6.000 USD/tháng và 30.000 phí lót tay cho mỗi ngoại binh. Tuy nhiên, CLB Thanh Hóa mấy năm qua vẫn có được ngoại binh tốt như tiền vệ Nastja Ceh (Slovenia) hay Danny van Bakel (Hà Lan).
Những cầu thủ trẻ như Tuấn Anh chơi không tệ nhưng họ đuối sức khi phải gồng thay cho các ngoại binh lớm mà lãnh đội HAGL tuyển về (ảnh Hà Ngọc Chính) |
Vấn đề ngoại binh của HAGL chính là nằm ở 2 điều kiện này. Đầu mối nào cung cấp ngoại binh cho HAGL và tại sao lại cung cấp toàn cầu thủ kém chất lượng? Tiền của bầu Đức rót xuống có đúng là chi trả cho các ngoại binh hay lại “rơi rớt” ở nơi nào?
Câu hỏi tế nhị này, chỉ có nội bộ những người điều hành ở HAGL là biết rõ hơn hết.
Đăng Khoa
Giới bóng đá VN cách đây nửa năm từng xôn xao về chuyện GĐĐH Trần Kim Nghĩa của CLB SXKT Lâm Đồng bị bắt giam vì bất minh trong việc sử dụng ngân quỹ khi tuyển chọn cầu thủ hay ở CLB Kienlongbank Kiên Giang, GĐĐH Võ Đồng Lập bị tố “ăn bẩn” tiền chuyển nhượng của cầu thủ. Tuy nhiên, đây chỉ phần nổi của là tảng băng chìm ở TTCN vốn nhập nhèm và đầy tiêu cực của BĐVN thời kỳ khoác tấm chuyên nghiệp