Dù quả thận trái đang có một nang nhỏ, chỉ thận phải là bình thường, bác sĩ khuyên nên hiến quả thận trái cho con, để lại quả thận phải cho mình, nhưng người mẹ nhất quyết không chịu, hiến quả thận phải tốt nhất cho con, để lại cho mình quả thận "tật nguyền”.
Bệnh viện T.Ư Huế lập kỷ lục về ghép tạng
Ca ghép thận chéo đầu tiên ở Việt Nam: Mở cơ hội tìm kiếm nguồn tạng
Việt Nam thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên ở trẻ từ người cho chết não
Một bệnh viện tư ghép thận thành công với sự hợp tác của Bv Chợ Rẫy
Cãi bác sĩ, người mẹ đánh cược với tính mạng của mình
Cách đây 2 năm, chị N.T.P.T (27 tuổi) thường xuyên ói mửa, đi tiểu nhiều, thỉnh thoảng chân bị sưng phù, không đi được. Sau khi đi khám tổng quát tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chị bất ngờ phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Các bác sĩ đã chỉ định chị T. sử dụng thuốc và chạy thận để duy trì sự sống.
Theo các bác sĩ, ghép thận là phương pháp tốt nhất trong các phương pháp điều trị thay thế thận bị suy giai đoạn cuối. Nếu như chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng là các phương pháp giúp duy trì sự sống cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối, thì ghép thận có ưu điểm là mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, giúp người bệnh có thể “tái hòa nhập” vào sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng xã hội, đồng thời trở lại làm việc gần như bình thường thay vì phải lệ thuộc vào máy lọc và các hệ thống lọc phức tạp.
Thương con gái chẳng may bị suy thận giai đoạn cuối, bà N.T.M.P (51 tuổi, mẹ chị T.) đã một đời tần tảo khi vừa làm mẹ, vừa làm cha đã không chút ngần ngại hiến thận để cứu sống con của mình. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ cho biết, bà P. có các chỉ số miễn dịch học và chỉ số sinh hóa phù hợp, có thể hiến thận cho con.
GS-TS-BS Trần Ngọc Sinh – Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, phẫu thuật viên chính của ca mổ này cho hay dù người mẹ có 2 thận với chức năng bình thường, nhưng thận trái có 1 nang nhỏ khoảng 20mm. Theo quan điểm nhân đạo trong y học, khi người hiến thận còn sống, thường lấy quả thận kém hơn về chức năng, thận có bệnh lý lành tính (như sỏi nhỏ, nang nhỏ) hoặc những bất thường nhỏ về giải phẫu học, để lại quả thận tốt nhất cho người hiến nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho họ.
“Chúng tôi đã khuyên bà P. nên hiến thận trái. Tuy nhiên, bà vẫn nhiều lần trình bày nguyện vọng hiến thận phải - quả thận tốt nhất cho con với Hội đồng ghép thận của bệnh viện. Sau khi cân nhắc nguyện vọng của người mẹ và phương án an toàn cho cả hai mẹ con, Hội đồng ghép thận của bệnh viện đã quyết định lấy thận tốt bên phải của người mẹ để ghép cho người con.
Vấn đề nang ở thận trái của người mẹ nếu có dấu hiệu bất ổn sẽ tiến hành can thiệp sau này. Đây cũng đồng thời là thử thách cho ê kíp mổ về mặt kỹ thuật vì việc lấy và ghép thận bên phải phức tạp hơn so với bên trái. Tĩnh mạch thận phải rất ngắn, cần phải dùng một đoạn tĩnh mạch lấy từ nơi khác tạo hình làm dài tĩnh mạch thận thì mới ghép được. Thời gian qua chúng tôi có nhiều nghiên cứu giải pháp đơn giản và an toàn hơn cho vấn đề trên, đó là áp dụng kỹ thuật chuyển vị mạch máu khi ghép thận phải vào hốc chậu phải. Thực hiện kỹ thuật này đòi hỏi sự tinh tế, phức tạp hơn về phẫu thuật, nhưng tỷ lệ biến chứng hậu phẫu ít hơn so với các phương pháp khác”, GS Sinh cho biết.
Sau phẫu thuật, sức khỏe của hai mẹ con chị T. đều ổn định. Sau ca ghép 5 ngày, bà P. được xuất viện trở về quê nhà với chỉ số creatinin – huyết thanh (chỉ số đánh giá chức năng thận) ở mức bình thường, còn chị T. vẫn được tiếp tục theo dõi tại phòng cách ly tuyệt đối. Tại đây, chị được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc đặc biệt, được sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép. Sau đó 5 ngày, chị T. được chuyển sang phòng cách ly với tình trạng sức khỏe ngày càng ổn định.
Mẹ đã sinh ra em lần thứ 2
Tại phòng cách ly sau ghép, chị T. nghẹn ngào nói lên nguyện vọng của mình ngay sau khi vừa cùng mẹ trải qua một cuộc phẫu thuật lớn. “Em muốn ôm mẹ thật chặt và cảm ơn mẹ đã sinh ra em thêm một lần nữa. Nghĩ đến mẹ, em thường không cầm được nước mắt. Hơn 1 năm ròng rã chạy thận, em đã suy kiệt lắm rồi, không nghĩ rằng mình lại có thể được sống khỏe mạnh như ngày hôm nay", chị T. nghẹn ngào nói.
Khi được hỏi về quyết định hiến thận cho con gái của mình, bà P. ngậm ngùi: “Đối với một người mẹ, chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau chứng kiến những cơn đau của con. Lúc biết T. bị bệnh nặng, trong tôi chỉ có suy nghĩ duy nhất đó là làm sao có thể cứu con. Dù bệnh tật làm con bé ngày một xanh xao, nhưng T. vẫn luôn lạc quan, động viên tôi đừng quá lo lắng. Thật may mắn khi tôi có thể hiến thận cho con, chỉ cần con được sống khỏe mạnh thì dù nỗi đau hay sự mất mát nào tôi cũng có thể chịu đựng được. Chỉ mong sau này con quý trọng sức khỏe, sống tiếp một cuộc đời hạnh phúc, có ích cho gia đình và xã hội”.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ: “Mặc dù đã được chuẩn bị kỹ càng về mọi phương diện kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhưng chúng tôi không khỏi hồi hộp theo dõi từng diễn tiến của ca ghép này. Xúc động trước nghĩa cử lớn lao của người mẹ cũng như mong muốn mang lại cho người bệnh chất lượng sống tốt nhất, chúng tôi luôn trăn trở, bàn bạc cùng ê kíp sao cho cả hai mẹ con được an toàn và có chức năng thận tốt nhất có thể. Chúng tôi tự nhủ không cho phép có một sai lầm nhỏ nào”.
Theo GS-TS-BS Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, ghép tạng là một hoạt động có tính chuyên môn và nhân văn cao nhất. Thành công của những ca ghép như thế này không chỉ mang lại niềm vui cho người bệnh, người nhà người bệnh mà còn là động lực cho đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện tiếp tục nỗ lực, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, hướng đến việc thành lập Trung tâm ghép tạng trong khoảng 2 – 3 năm tới.
Hồ Quang