Sự tồn tại của người ngoài hành tinh vốn là đề tài được tranh luận trong nhiều thế kỷ qua. Khoa học kỹ thuật hiện đại càng phát triển thì vấn đề này càng được nhiều người quan tâm. Các cơ quan vũ trụ hàng đầu trên thế giới như NASA cũng đã dành nhiều thời gian để tìm kiếm người ngoài Trái đất.
Vũ trụ chứa hàng trăm tỉ thiên hà, mỗi thiên hà có hàng trăm tỉ ngôi sao, mỗi ngôi sao thường có các hành tinh đồng hành. Hệ Mặt trời trong đó có Trái đất cũng có ít nhất 8 hành tinh. Trong số những hành tinh quay xung quanh mỗi ngôi sao, một số hành tinh có thể có những điều kiện thiên nhiên thích hợp với sự sống, kể cả sự sống có khả năng hiểu biết như loài người trên Trái đất.
Vào tháng 7, Trung Quốc, Mỹ và UAE đã phóng các tàu vũ trụ thực hiện những sứ mệnh thăm dò sự sống hiện tại hoặc quá khứ trên sao Hỏa. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng có kế hoạch gửi tàu thăm dò mang tên Europa Clipper để khảo sát mặt trăng Europa của sao Mộc và thiết bị đổ bộ Dragonfly đến mặt trăng Titan của sao Thổ. Cả hai mặt trăng được giới khoa học cho là những nơi đầy hứa hẹn cho sự sống trong hệ Mặt trời.
Hành tinh thường không quá nóng, do đó thân thiện với sự sống và có thể là nơi sinh sống của sinh vật. Sự phát hiện hành tinh trong những hệ sao là điều kiện tiên quyết cho sự săn tìm cư dân trên những thế giới khác. Đa số hành tinh được phát hiện trong dải Ngân hà là những hành tinh cỡ lớn ở thể khí. Những loại hành tinh này không được coi là nơi cư trú của sinh vật. Sự tìm kiếm hành tinh trong những hệ sao như trong hệ Mặt trời vẫn được xúc tiến để phát hiện những hành tinh có vỏ rắn - tương tự như Trái đất - nằm trong những vùng có khả năng có nước ở thể lỏng, yếu tố cần thiết cho sự sống.
Bằng công nghệ tiên tiến và không ngừng được phát triển, cho tới nay, các nhà thiên văn đã phát hiện được hơn 4.000 hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời. Đa số là những hành tinh khí khổng lồ và siêu Trái đất có vỏ rắn. NASA hiện đang cố gắng xác định các sự sống bên ngoài Trái đất dựa theo Thuyết tiến hóa của Darwin.
Vấn đề xác định sự sống ngoài Trái đất đã ám ảnh các nhà khoa học kể từ khi tàu do thám Viking của NASA hạ cánh trên sao Hỏa vào năm 1976. Tuy nhiên, sau hàng chục năm khám phá hành tinh đỏ, hiện vẫn chưa tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống.
Một số nhà thiên văn học - những nhà khoa học nghiên cứu khả năng tồn tại sự sống ngoài Trái đất - cho rằng nếu áp các mô hình tiến hóa, hình thành sự sống trên Trái đất cho các hành tình khác để tìm kiếm những vật thể sống thì sẽ rất “kỳ lạ”.
Họ lập luận rằng tất cả các sinh vật sống trên Trái đất đều được tạo ra từ các tế bào thích nghi với môi trường nhiều nước, những tế bào này được xây dựng từ protein và được mã hóa dưới dạng gen trong DNA mang thông tin di truyền. Do đó, sự sống ngoài Trái đất - nếu có tồn tại - sẽ không thể tương tự do có quá nhiều khác biệt về cấu tạo.
Được biết, niềm tin vào người ngoài hành tinh có từ thời Ai Cập, Babylon và Sumer cổ xưa thông qua các lý thuyết về nguồn gốc vũ trụ, coi vũ trụ là siêu nhiên. Hình tượng sinh vật ngoài Trái đất khi đó khó phân biệt được với chúa, quỷ. Trong văn hóa nghệ thuật, người ngoài hành tinh được mô tả phong phú nhiều hình dáng khác nhau, như một sinh vật có chiều cao hơn hẳn con người, hình thụ kỳ dị với đôi mắt to và cằm nhọn.
Sự tiến hoá từ trạng thái vi sinh vật đến động vật và loài người là một quá trình phức tạp, lâu dài. Sự hiện diện của sinh vật trên những hệ sao có thể là rất hiếm. Tuổi thọ của những nền văn minh tiên tiến trong vũ trụ cũng có khả năng bị hạn chế bởi chiến tranh dùng những loại vũ khí có khả năng dẫn đến nạn diệt chủng. Thiên tai cũng là mối đe dọa tiềm tàng cho nhân loại. Sự tìm kiếm tín hiệu của những nền văn minh ngoài Trái đất, tuy chưa đạt được kết quả, nhưng không có nghĩa là chúng ta đơn độc trong vũ trụ bao la.
Trang Nhung (theo Guardian)