Trong khi các đại gia địa ốc đua nhau mở chiến dịch săn khách nước ngoài thì một số “ông lớn” khác lại chưa mặn mà với phân khúc khách hàng này. Điều mà một số doanh nghiệp hiện còn băn khoăn là chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc bán nhà cho người nước ngoài.
Cuộc đua của các “ông lớn”
Tập đoàn Bất động sản Novaland vừa ra mắt chương trình “100 căn hộ đầu tiên chào đón kiều bào và người nước ngoài” áp dụng cho 4 dự án mà tập đoàn này đang triển khai gồm The Sun Avenue, The Botanica, Lucky Palace và Sunrise City View. Để câu khách, chủ đầu tư không ngần ngại tung ra nhiều chương trình ưu đãi.
Trong khi đó, Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Vinhomes cùng với Công ty CBRE Việt Nam và 26 đại lý bất động sản cũng tổ chức lễ giới thiệu dự án Vinhomes Central Park của Tập đoàn Vingroup dành riêng cho khách hàng nước ngoài tại Hà Nội và TP.HCM. Tại buổi mở bán đầu tiên, dự án này đã bán được 112 căn hộ cho khách hàng nước ngoài.
Không kém cạnh, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long chuẩn bị tung ra một dự án căn hộ cao cấp mới, tương tự như dự án Dragon Hill (thuộc dự án khu đô thị Dragon City, Nhà Bè) mà doanh nghiệp này đã triển khai trước đây. Với dự án này, Phú Long nhắm đến đối tượng người nước ngoài bởi dự án Dragon Hill đang có 40% cư dân là người nước ngoài đang sinh sống.
Một đơn vị khác là Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam (Him Lam Land) cũng chuẩn bị cho nhân viên những kỹ năng tư vấn, giải thích pháp lý, soạn thảo hợp đồng với khách hàng nước ngoài.
Trong khi các doanh nghiệp địa ốc trên đã chuẩn bị đón “sóng ngoại” thì một số “ông lớn” khác lại thống nhất chính sách không phân biệt khách hàng trong nước hay người nước ngoài.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về chiến lược bán hàng dành cho người nước ngoài, ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia cho biết hiện doanh nghiệp này chưa có chính sách dành riêng cho người nước ngoài mua nhà bởi đa phần khách hàng của An Gia là người trong nước.
“Chính sách giá dành cho người nước ngoài và khách hàng trong nước của An Gia đều như nhau, không có sự khác biệt giữa các khách hàng. Tuy nhiên, khi luật và các chính sách quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thì An Gia sẽ có sự chuẩn bị và có phương án dành riêng cho phân khúc khách hàng này, nhất là Việt kiều.
Đối với sản phẩm, công ty đã có sự chuẩn bị từ trước. Các sản phẩm phải đạt chuẩn để người nước ngoài thích, tiện ích, tiện nghi đầy đủ thì mới đưa ra thị trường. Đội ngũ bán hàng cũng phải có sự chuẩn bị kỹ để tư vấn và giải thích minh bạch cho khách hàng. Hệ thống tiếp cận phải mở rộng kênh cho người nước ngoài tiếp cận dễ dàng, ví dụ như trang web phải có thêm tiếng Anh…”, ông Sáng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nam Hiền - Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cũng cho biết doanh nghiệp này nhất quán một chính sách dành cho tất cả các khách hàng, không phân biệt người nước ngoài hay người trong nước.
Theo ông Hiền, lượng khách hàng trong nước và khách nước ngoài có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam quá lệch nhau. Đáng lẽ phải dành chính sách ưu đãi cho người trong nước thay vì người nước ngoài bởi đây mới là lượng khách chủ yếu của thị trường.
Thủ tục còn rườm rà
Mặc dù chính sách đã được nới lỏng cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, nhưng thủ tục mua bán nhà ở hiện còn rườm rà.
Điều mà một số doanh nghiệp còn băn khoăn là chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc bán nhà cho người nước ngoài. Cụ thể, thủ tục để xin giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất chưa được quy định rõ.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi công văn góp ý về việc giảm bớt thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà.
Trong văn bản, HoREA đề nghị cho phép Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM và Hà Nội được xác nhận nguồn gốc người Việt ở nước ngoài. Theo HoREA, Luật Nhà ở 2014 đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước, thế nhưng vẫn còn một số chi tiết trong luật chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nên cần bổ sung thêm.
Về việc xác nhận gốc Việt của người Việt Nam ở nước ngoài, HoREA cho rằng nên kiến nghị bổ sung chế định giao cho Tòa Dân sự giải quyết hợp pháp hóa các trường hợp trên.
Về quy định người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại các dự án nhà ở thương mại, Hiệp hội đề nghị cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi mua lại nhà ở của người nước ngoài thì được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa 50 năm.
Đối với Việt kiều mua nhà thì được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Phan Diệu