Theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá gây sốc liên tục trong 3 ngày ngoài việc có thể tạo hiệu ứng tâm lý và làm tăng lạm phát trong nước, còn tạo hiệu ứng phản ứng dây chuyền khi các nước khác cùng điều chỉnh tỷ giá để duy trì lợi thế cạnh tranh. Do vậy, nó không có tác động tích cực đáng kể nào lên xuất khẩu của chính Trung Quốc.

Thế giới không “rung rinh” khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá

Một Thế Giới | 17/08/2015, 15:06

Theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá gây sốc liên tục trong 3 ngày ngoài việc có thể tạo hiệu ứng tâm lý và làm tăng lạm phát trong nước, còn tạo hiệu ứng phản ứng dây chuyền khi các nước khác cùng điều chỉnh tỷ giá để duy trì lợi thế cạnh tranh. Do vậy, nó không có tác động tích cực đáng kể nào lên xuất khẩu của chính Trung Quốc.

Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước VN) vừa đưa ra nhận định về thị trường sau động thái điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (NHNDTQ).
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, việc điều chỉnh tỷ giá và thay đổi cơ chế tỷ giá của NHNDTQ đã có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường của Trung Quốc, quốc tế và Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường đang tự điều tiết để làm quen với cơ chế này và đang dần có sự ổn trở lại.
Trung Quốc tăng lạm phát
Chỉ trong 3 ngày, đồng nhân dân tệ (CNY) đã mất giá tổng cộng 4,6%, làm dấy lên lo ngại rằng tỷ giá đồng tiền này sắp tới sẽ rơi tự do. Tuy nhiên, trong 4,6% mất giá của nhân dân tệ trong 3 ngày vừa qua thì chỉ có 1,9% là do NHNDTQ chủ động điều chỉnh hạ giá, còn lại là do thị trường tự phản ứng và có phần quá đà khi chưa kịp thích nghi với cơ chế tỷ giá mới.
Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng đây là diễn biến bình thường vì khi NHNDTQ thay đổi cơ chế công bố tỷ giá, thị trường cần có thời gian điều chỉnh để đạt đến điểm cân bằng và trong ngắn hạn tỷ giá CNY/USD sẽ có những biến động nhất định.
Theo đánh giá của chuyên gia Christy Tan (Ngân hàng National Australia Bank), mục tiêu NHNDTQ là thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá cố định và tỷ giá trên thị trường, tuy nhiên tỷ giá vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những lực phi thị trường làm cho biến động tăng lên quá cao trước khi dần ổn định trở lại.
Về mặt lý thuyết, điều này hoàn toàn phù hợp bởi lẽ nếu đồng CNY giảm giá quá mạnh sẽ làm các dòng vốn tháo chạy, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn.
Việc Trung Quốc phá giá gây sốc liên tục trong 3 ngày có thể tạo hiệu ứng tâm lý và làm tăng lạm phát trong nước, trung hòa tác động của lần phá giá lên tỷ giá thực. Đồng thời, việc này còn tạo hiệu ứng phản ứng dây chuyền của các nước khác cùng điều chỉnh tỷ giá để duy trì lợi thế cạnh tranh, do đó sẽ nhanh chóng làm mất đi tác động của việc phá giá và không có tác động tích cực đáng kể nào lên xuất khẩu.
Thị trường ngoại hối ổn định trở lại
Trên thị trường tài chính quốc tế, việc đồng CNY giảm giá có những tác động tiêu cực do Trung Quốc là nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới và là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của nhiều nước.
Ngay sau khi NHNDTQ điều chỉnh 1,9% tỷ giá tham chiếu trong ngày 11.8, các đồng tiền châu Á đã đồng loạt giảm giá, khoảng 0,5-2% so với USD.
Tuy nhiên, từ ngày 12.8 đến nay, mức độ giảm giá của các đồng tiền này đã chậm lại và đến chiều ngày 13.8, một số đồng tiền chủ chốt khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng giá trở lại so với đồng USD.
Thị trường chứng khoán các nước cũng có những diễn biến tích cực, sau ngày hai ngày giảm thì đến ngày 13.8, các khu vực cả châu Âu và châu Á tăng điểm trở lại, như Nhật Bản tăng 0,99%, Mỹ tăng 0,15%, Hồng Kông tăng 0,43%, Singapore tăng 1,03%, Indonesia tăng 2,5%, Hàn Quốc tăng 0,4%, đặc biệt Trung Quốc tăng 1,76%.
Như vậy, việc thay đổi cơ chế tỷ giá của Trung Quốc bước đầu đã có tác động khá mạnh nhưng thị trường ngoại hối của Trung Quốc và thị trường tài chính quốc tế đều đã có sự điều chỉnh từng bước để thích ứng với có chế mới.
Cùng xu hướng này, tỷ giá và thị trường ngoại hối Việt Nam cũng sẽ dần thích nghi với biến động hàng ngày của tỷ giá USD/CNY. Vì vậy, việc nới biên độ tỷ giá thêm 1% vừa qua của NHNN là đủ lớn để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước diễn biến mới của thị trường tài chính – tiền tệ thế giới, trong khi vẫn đảm bảo sự nhất quán, ổn định trong điều hành, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.
Phan Diệu

Bài liên quan
Chuyên gia tự tin Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nước đầu tiên lấy mẫu từ sao Hỏa về Trái đất
Wu Weiren, nhà thiết kế chính của Chinese Lunar Exploration Programme (Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc), dự đoán nước này có thể đánh bại Mỹ trong cuộc đua đưa đá từ sao Hỏa về Trái đất. Đây là gợi ý đầu tiên như vậy từ các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thế giới không “rung rinh” khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá