Nhiều người Thái Lan đã chuyển sang ăn thịt cá sấu khi giá thịt lợn tại nước này tăng cao đột biến.
Kể từ khi giá thịt lợn tăng lên mức kỷ lục 200 baht (6 USD)/kg, điện thoại của Wichai Rungtaweechai đã không ngừng đổ chuông với các đơn đặt hàng cho món đặc sản thịt cá sấu của mình trong bối cảnh người Thái đang tìm kiếm nguồn thực phẩm chất lượng với giá thành rẻ hơn.
Đây là tin mừng cho những người muốn tìm kiếm nguồn protein giá rẻ thay thế thịt lợn, song lại là "tin buồn" cho 10.000 con cá sấu trong trang trại của ông Wichai ở thành phố Nakhon Pathom, cách thủ đô Bangkok (Thái Lan) một giờ lái xe.
"Đơn đặt hàng đến từ mọi miền đất nước. Các nhà hàng và người buôn thịt đặt hàng số lượng lớn trong khi khách hàng lẻ đặt giao về nhà để ăn thử", ông Wichai cho biết.
Theo ông Wichai, lý do mọi người chuộng thịt cá sấu là do loại thịt này nạc hơn và chứa nhiều protein hơn thịt lợn.
Sau nhiều tháng phủ nhận, cuối cùng các nhà chức trách Thái Lan đã xác nhận dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào nước này. Căn bệnh này đã giết chết hàng triệu con lợn ở châu Âu và châu Á trong vài năm qua, gây ra tình trạng khan hiếm và giá cả tăng cao trên diện rộng.
Thái Lan đã tiêu hủy hàng trăm nghìn con lợn để kiểm soát sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, trong khi Đài Loan và Campuchia cấm nhập khẩu thịt lợn từ Thái Lan.
Sự bùng phát dịch tả lợn châu Phi đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn tại Thái Lan và ngay trước Tết truyền thống 2022, nhu cầu thịt lợn tăng cao đã khiến giá cả tăng vọt.
Năm 2021, Thái Lan nuôi 18 triệu con lợn để phục vụ nhu cầu trong nước và Thủ tướng Prayuth Chan -ocha cho biết nước này từng có rất nhiều lợn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Song hôm 17.1, ông cho rằng đã có sự can thiệp nhằm thao túng giá thịt lợn khi Tết truyền thống đến gần.
“Sự bùng phát không lan rộng trên toàn quốc, chỉ có 20% số lợn bị chết. Vậy tại sao chúng ta vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Có ai đó đang cố gắng can thiệp vào chuỗi cung ứng?”, Thủ tướng Prayuth Chan -ocha nói.
Trong những lúc bình thường, hầu hết người Thái Lan không mặn mà với thịt cá sấu, song với tình trạng hiện tại ông Wichai đã phải kêu gọi sự giúp đỡ để đáp ứng cho nhu cầu tăng đột biến.
“Tôi đang cần sự giúp đỡ từ các khu chăn nuôi khác. Tôi cần 500kg thịt để cung cấp cho khách hàng, tôi không thể làm điều đó một mình”, Wichai chia sẻ.
Tại một nhà hàng, vợ ông Utaiporn đã chế biến các món ăn truyền thống của Thái Lan từ món súp pad kaprao và tom sap ( súp chua cay) cho đến các món như hầm, xào, om bằng thịt cá sấu thay thế cho thịt lợn.
“Thịt cá sấu khó nấu hơn thịt gà và thịt lợn. Có một phương pháp đặc biệt để chế biến thịt cá sấu và nếu bạn không nắm được thì nó sẽ có vị hơi tanh”, Utaiporn nói.
Đối với những người bán cá sấu tại Thái Lan, đây là cơ hội giúp bù đắp cho hai năm kinh doanh thua lỗ vì dịch bệnh. Trang trại nuôi cá sấu Hia Sak đã sử dụng mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của mọi người đến loại thịt này.
Trang trại này thường xuất khẩu thịt cá sấu sang Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhưng đại dịch COVID-19 đã đè bẹp mọi hoạt động kinh doanh.
Sarawut Charoenwatsasuk cho biết anh đã thử ăn thịt cá sấu vào một ngày trước đó và cảm thấy vô cùng ưng ý.
“Tôi sẵn sàng đặt cược thịt cá sấu sẽ thay thế thịt lợn nếu giá cả tiếp tục tăng", Sarawut Charoenwatsasuk chia sẻ.