Trong quá trình bị thẩm vấn do bị tình nghi dính líu đến vụ bê bối chính trị của Tổng thống hàn Quốc Park Geun-hye, người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae-yong bị tạm giam trong một nhà tù nổi tiếng từng giam giữ nhiều tỷ phú. Tuy nhiên, việc bị giam không đồng nghĩa với việc ông Lee không thể điều hành Samsung.

Người thừa kế Samsung điều hành công ty từ trong tù

Theo VnEconomy | 23/02/2017, 18:08

Trong quá trình bị thẩm vấn do bị tình nghi dính líu đến vụ bê bối chính trị của Tổng thống hàn Quốc Park Geun-hye, người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae-yong bị tạm giam trong một nhà tù nổi tiếng từng giam giữ nhiều tỷ phú. Tuy nhiên, việc bị giam không đồng nghĩa với việc ông Lee không thể điều hành Samsung.

Theo hãng tin Bloomberg, trong tù, ông Lee không có điện thoại hay máy tính, và phải ở trong phòng giam gần như cả ngày, nhưng ông được phép gặp luật sư của mình ở một phòng riêng bao lâu tùy thích. Giáo sư Kwon Young-june thuộc Đại học Kyung Hee cho rằng ông Lee có thể thông qua luật sư để liên lạc với cấp dưới tại công ty và duy trì tham gia vào quy trình ra quyết định.

“Đây là một văn hóa lạc hậu ở một quốc gia như Hàn Quốc. Các nhà điều hành vẫn có thể giữ chức vụ cho dù họ đang ngồi tù vì họ vẫn sở hữu công ty”, ông Kwon nói.

Tiền lệ đứng về phía ông Lee. Chủ tịch tập đoàn Hanwha, ông Kim Seung-youn và Chủ tịch SK Group, ông Chey Tae-won đều tiếp tục điều hành công ty sau khi bị kết án và ngồi tù. Không chỉ giữ nguyên chức vụ dù ngồi sau song sắt, các sếp doanh nghiệp này vẫn chỉ đạo công việc kinh doanh trong công ty họ.

Cơ quan công tố Hàn Quốc cáo buộc Lee đưa hối lộ, khai man, và các tội danh khác liên quan đến bà Park và cấp dưới của bà. Các điều tra viên cho rằng động cơ của ông Lee là để được Chính phủ hỗ trợ cho một vụ sáp nhập doanh nghiệp nhằm giúp ông dễ giành quyền kiểm soát Samsung hơn. Nếu bị kết án với tất cả các tội danh này, Lee có thể lĩnh án hơn 10 năm tù giam.

Đến nay, cả ông Lee và Samsung vẫn phủ nhận có bất kỳ hành vi nào sai trái liên quan đến vụ bê bối tham nhũng gây chấn động.

Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, trong tù, vị doanh nhân tỷ phú, Phó chủ tịch Samsung mặc một bộ đồng phục tù nhân màu xanh, chỉ được phép ra ngoài tập thể dục một giờ mỗi ngày và không được vào mạng Internet. Trong phòng giam của ông Lee có một TV, nhưng do hãng LG, đối thủ của Samsung, sản xuất và chỉ phát một vài chương trình nhất định.

Nhà tù nơi ông Lee bị tạm giam là Trung tâm Giam giữ Seoul, nằm ở ngoại ô thành phố công nghiệp Anyang thuộc phía Nam thủ đô Seoul. Trong số bạn tù của ông Lee có cựu chánh thư ký của Tổng thống Park, ông Kim Ki-choon, và một kẻ giết người hàng loạt có tên Yoo Young-chul.

Ông Park Nam-gyoo, giảng viên Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng dù ông Lee tiếp tục điều hành Samsung, thì việc ngồi tù chắc chắn cản trở ảnh hưởng của ông đối với tập đoàn khổng lồ này. Dù vẫn chỉ đạo một số vấn đề ở Samsung, ông Lee khó có thể thúc đẩy được những cải tổ cần thiết để Samsung vượt lên các đối thủ - ông Park nhận định.

“Nhà tù không phải là nơi để một người có thể đưa ra những quyết định chiến lược đòi hỏi những khoản đầu tư lớn và chỉ đạo sự dịch chuyển lớn của công ty”, ông Park nói. “Đó không phải là những việc có thể làm được bằng cách nói qua luật sư”.

Trong tù, ông Lee sẽ được ăn uống như những tù nhân bình thường khác, nguồn tin thân cận cho biết. Mỗi bữa ăn đều có cơm, canh, và ba món ăn kèm. Thực đơn thay đổi hàng ngày, có thịt thăn lợn, canh rong biển, và kim chi. Ông Lee phải tự mình rửa khay đựng đồ ăn sau mỗi bữa.

Khi mới vào, mỗi tù nhân trong nhà tù này đều được cấp xà phòng, giấy vệ sinh, kem và bàn chải đánh răng, khăn tắm, chăn và gối. Phòng giam của ông Lee có đệm trải trên sàn nhà, một chiếc bàn nhỏ để viết lách, phòng vệ sinh và bồn rửa tay.

Cuộc sống trong tù chắc chắn trái ngược với cuộc sống bình thường của ông Lee. Người thừa kế Samsung sở hữu một căn nhà rộng hơn 1.200 mét vuông với 3 tầng hầm ở quận Hannam của Seoul, nơi hàng xóm toàn là các chủ doanh nghiệp lớn.

Khu nhà giàu này nhìn ra sông Hàn và có một bảo tàng do Samsung tài trợ. Khách sạn Grand Hyatt ở gần đó là nơi nhiều lãnh đạo nước ngoài thường nghỉ lại.

Đến nay, ông Lee chưa bị tước bất kỳ chức vụ nào ở Samsung, bao gồm ghế thành viên Hội đồng Quản trị hãng điện tử Samsung Electronics. Điều này không phải là chuyện lạ ở Hàn Quốc.

Chủ tịch tập đoàn Hyundai Chung Mong-koo vẫn giữ nguyên chức vụ này dù bị kết án tham nhũng. Chủ tịch Hanwa, ông Kim, không rời cương vị dù lĩnh án 4 năm tù giam và bị phạt vì tham nhũng. Chủ tịch Chey của SK bị tù 4 năm vì tham nhũng, nhưng năm 2015 vẫn chỉ đạo một vụ sáp nhập công ty từ trong nhà tù.

Ông Lee đã dành toàn bộ thời gian trong đời để chuẩn bị cho việc tiếp quản Samsung, tập đoàn do ông nội của ông sáng lập và được cha của ông là ông Lee Kun-hee phát triển thành một chaebol thống trị kinh tế Hàn Quốc. Samsung hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ điện tử, đóng tàu cho tới bảo hiểm, với tổng doanh thu tương đương khoảng 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc.

Ông Lee Kun-hee đã tránh được cảnh phải ngồi tù dù bị kết án 2 lần trong thời gian lãnh đạo Samsung. Ông Lee cha, người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản khoảng 15,7 tỉUSD, hiện vẫn đang nằm viện sau khi bị một cơn đau tim nặng.

An Huy - VnEconomy
Bài liên quan
Galaxy S25 Slim siêu mỏng là điều bất ngờ của Samsung ở sự kiện Unpacked nhưng vẫn dày hơn iPhone 17 Air?
Rộ tin Samsung sẽ ra mắt không chỉ 3 mà 4 mẫu smartphone Galaxy S25 tại sự kiện Unpacked sắp tới. Samsung sẽ bổ sung phiên bản Galaxy S25 Slim, dự kiến có giá sẽ nằm giữa Galaxy S25+ và S25 Ultra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người thừa kế Samsung điều hành công ty từ trong tù