Lee Jae-yong (Chủ tịch điều hành Samsung Electronics) đã gặp Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) hôm 10.5 để thảo luận về cách hợp tác ở các ngành công nghệ cao trong tương lai. Samsung Electronics vừa tiết lộ thông tin này ngày 14.5.
Theo trang Yonhap, Lee Jae-yong đã tổ chức cuộc gặp với Elon Musk hôm 10.5 tại trung tâm nghiên cứu chất bán dẫn của Samsung Electronics ở Thung lũng Silicon, bang California, Mỹ. Đây là lần đầu tiên Lee Jae-yong và Elon Musk tổ chức một cuộc họp riêng dù họ từng gặp nhau tại các sự kiện khác.
Các nguồn tin trong ngành cho biết Samsung Electronics và Tesla đang tìm kiếm sự hợp tác trong việc phát triển các công nghệ CNTT thế hệ tiếp theo, gồm cả chip cho ô tô tự lái hoàn toàn.
Các nhà quan sát trong ngành cho biết cuộc gặp mới nhất có thể mở đường cho hai công ty mở rộng quan hệ đối tác trong lĩnh vực chip ô tô. Thị trường chip ô tô toàn cầu dự kiến sẽ đạt 400 tỉ USD vào năm 2024 và đạt 700 tỉ USD vào năm 2028.
Lee Jae-yong, người thừa kế Samsung Electronics, đã trở về Hàn Quốc hôm 12.5 sau chuyến đi 22 ngày tới Mỹ.
Trong thời gian ở Mỹ, Lee Jae-yong đã tổ chức một loạt cuộc họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác, gồm cả Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella và Giám đốc điều hành Alphabet - Sundar Pichai, theo các nguồn tin.
Hồi tháng 11.2022, Nhật báo Kinh tế Đài Loan đưa tin Tesla đang thay thế Samsung Electronics bằng TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.
Công ty Đài Loan đã giành được một đơn đặt hàng lớn cho chip hỗ trợ lái xe (FSD) của Tesla. Chúng sẽ được sản xuất theo quy trình 4 nanomet và 5 nanomet.
TSMC từ chối bình luận, nhưng điều này cho thấy một tổn thất khác với bộ phận chipset của Samsung Electronics.
Theo các báo cáo, nhà sản xuất ô tô điện Tesla có thể trở thành 1 trong 7 khách hàng hàng đầu của TSMC vào năm 2023 và là cột mốc quan trọng. Trên thực tế, đây là lần đầu tiên một khách hàng từ công ty ô tô năng lượng mới xuất hiện trong số khách hàng chính của TSMC.
Samsung Electronics luôn đánh giá cao Tesla với tư cách là một khách hàng, đặc biệt là sau khi mất đơn đặt hàng sản xuất chip cao cấp cho Qualcomm.
Tesla đang bận rộn với việc phát triển hệ thống lái xe hoàn toàn tự động. Công ty của tỷ phú Elon Musk sử dụng chip và tích hợp vào đó tính toán tốc độ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) cùng các chức năng khác.
Trước đó, Tesla đã đặt cược vào chiến lược đa nhà cung cấp, đặt hàng tại cả Samsung Electronics và TSMC. Chip FSD thế hệ trước được sản xuất theo quy trình 14 nanomet, chủ yếu tại nhà máy Samsung Electronics thuộc thành phố Austin (bang Texas, Mỹ).
Chip này mang tên Hardware 3.0, sau đó được nâng cấp lên tiến trình 7 nanomet. Bây giờ, Tesla sẽ đi tiến tới quy trình 4 hay 5 nanomet và sẽ chỉ đặt hàng chip từ TSMC.
Tốc độ xử lý hình ảnh của Hardware 3.0 cao gấp 21 lần so với phiên bản 2.5. Ngoài ra, chi phí của chip này thấp hơn 20% và chủ sở hữu ô tô điện cũ có thể nâng cấp miễn phí.
Chip FSD do Tesla tự phát triển có khả năng tính toán lên tới 144 TOP, 8 camera hỗ trợ hệ thống và hoàn tất việc xử lý hình ảnh. Thế hệ chip FSD tiếp theo sắp ra mắt (3.5 hay 4.0), do TSMC sản xuất, sẽ cung cấp sức mạnh gấp ba lần mô hình hiện tại.
Samsung Electronics từng mất đơn đặt hàng sản xuất chip cao cấp từ Qualcomm vào tay TSMC và phải tạm dừng loạt sản phẩm hàng đầu Exynos của mình. Mọi thứ dường như bắt đầu với Snapdragon 8 Gen 1 của Qualcomm do Samsung Electronics sản xuất. SoC 4 nanomet có vấn đề về nhiệt độ và hiệu suất năng lượng thấp, còn GPU đã đi sau đối thủ.
Thất vọng với Samsung Electronics, Qualcomm đã vội vã chuyển sang TSMC sản xuất chip mới Snapdragon 8+ Gen 1.
Bây giờ, Qualcomm tiếp tục ký hợp đồng với TSMC sản xuất chip Snapdragon 8 Gen 2.
Theo một số báo cáo, Qualcomm đang rời bỏ Samsung Electronics ngay cả với các dòng sản phẩm tầm trung. Snapdragon 7 Gen 2 cũng do TSMC sản xuất.
Hiện tại, có vẻ như vi xử lý Tensor do Google phát triển sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai kinh doanh chipset của Samsung Electronics.
Công ty Hàn Quốc đã sản xuất chip Tensor thế hệ thứ hai cho Google trên quy trình 4 nanomet.
Samsung ghi nhận khoản lỗ hàng quý kỷ lục tại bộ phận chip
Hôm 27.4 vừa qua, Samsung Electronics đã báo cáo lợi nhuận hàng quý tồi tệ nhất trong 14 năm (4,58 ngàn tỉ won), đổ lỗi cho việc người tiêu dùng mua sắm thiết bị điện tử chậm lại và tình trạng dư thừa chip toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bộ nhớ cốt lõi của hãng.
Samsung Electronics cho biết trong một tuyên bố rằng lợi nhuận hoạt động quý 1/2023 giảm còn 640 tỉ won (478,6 triệu USD), giảm 95% so với một năm trước đó.
Công ty lớn nhất Hàn Quốc đã báo cáo thu nhập ròng quý 1/2023 là 1,4 ngàn tỉ won (1,05 tỉ USD), thấp hơn so với ước tính trung bình của các nhà phân tích là 1,45 ngàn tỉ won. Doanh thu của Samsung Electronics ở quý 1/2023 giảm 18% xuống còn 63,75 ngàn tỉ won.
Bộ phận chip của Samsung Electronics, thường là lớn nhất công ty, đã lỗ 4,58 ngàn tỉ won ở ba tháng đầu năm 2023. Đây là khoản lỗ hoạt động đầu tiên trong bộ phận chip của Samsung Electronics kể từ năm 2009.
Samsung Electronics cho biết "chi tiêu chung của người tiêu dùng chậm lại trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu không chắc chắn". Ngoài ra, Samsung Electronics cũng đổ lỗi cho nhu cầu về chip nhớ suy yếu, vốn thường mang lại khoảng một nửa lợi nhuận cho công ty, và giá chip giảm.
Dù vậy, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới nhận thấy nhu cầu về các thành phần lưu trữ đang dần phục hồi, như các quan chức của SK Hynix (hãng chip nhớ lớn thứ hai thế giới cũng của Hàn Quốc) bày tỏ trước đó.
Samsung Electronics cho biết giá tiếp tục giảm và tổn thất định giá tăng lên trong bối cảnh tâm lý suy yếu cùng tác động liên tục từ việc điều chỉnh hàng tồn kho của khách hàng do những bất ổn bên ngoài kéo dài. Nhu cầu về bộ nhớ dự kiến sẽ dần phục hồi vào nửa cuối năm 2023 trong bối cảnh mức tồn kho của khách hàng có thể sẽ giảm.
Công ty cũng kỳ vọng sự phục hồi của smartphone và màn hình trong nửa cuối năm 2023, nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc.
Khoản lỗ trong bộ phận chip của Samsung Electronics làm nổi bật những lo ngại về suy thoái công nghệ rộng hơn mà Apple và Intel cũng đang phải đối mặt. Samsung Electronics cung cấp chip nhớ và màn hình cho iPhone của Apple, đối thủ cạnh tranh trên thị trường smartphone của họ.
Samsung Electronics là trung tâm sự suy giảm trong ngành công nghiệp bộ nhớ trị giá 160 tỉ USD toàn cầu, đại diện cho sự suy thoái công nghệ rộng lớn hơn sau sự bùng nổ của hoạt động internet và doanh số bán thiết bị trong đại dịch. Lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về chi tiêu của người tiêu dùng cùng doanh nghiệp vào năm 2022, kéo theo đó là sự sụt giảm doanh số bán hàng điện tử trên toàn thế giới.
Để đảo ngược tình trạng trượt giá chip, Samsung Electronics đã thông báo trong tháng 4 rằng đang bắt đầu cắt giảm sản xuất chất bán dẫn “có ý nghĩa”. Bất chấp điều đó, Samsung Electronics cho biết việc đầu tư vào chip nhớ trong năm 2023 sẽ tương tự như 2022 khi hãng tìm cách bảo vệ khả năng cạnh tranh lâu dài của mình.
Động thái bất thường trên, cùng với những dự đoán lạc quan hơn về nhu cầu PC và smartphone, dự kiến sẽ đưa ngành công nghiệp này thoát khỏi tình trạng suy thoái trong năm 2023.
Hôm 26.4, SK Hynix đã thêm vào tâm lý đó sau khi báo cáo doanh thu giảm không tệ như lo ngại và nói rằng họ thấy giá bộ nhớ giảm trong quý 2/2023. Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Mỹ, nói rằng hàng tồn kho của khách hàng đang giảm.
Bất kỳ sự phục hồi nào ở Trung Quốc, thị trường PC và smartphone lớn nhất thế giới, có thể phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế. Sự phục hồi này không đồng đều nhưng đang được tăng tốc.
Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, dẫn đầu là Samsung Electronics, đã đạt được mức lợi nhuận kỷ lục những năm gần đây khi giá sản phẩm của họ tăng vọt, nhưng suy thoái kinh tế toàn cầu đã giáng một đòn mạnh vào doanh số bộ nhớ.
Nhu cầu tăng cao vào đại dịch khi người tiêu dùng mua máy tính và smartphone mới trong thời gian phong tỏa khiến các nhà sản xuất chip tăng cường sản xuất. Thế nhưng, nhu cầu nhanh chóng giảm đi khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ và suy yếu hơn nữa vì đối mặt với lạm phát tăng vọt, lãi suất tăng.
Không chỉ Samsung Electronics, SK Hynix và Micron Technology cũng giảm sản lượng.
Doanh số bán hàng tốt của dòng smartphone hàng đầu Galaxy 23 giúp Samsung Electronics bù đắp thâm hụt trong lĩnh vực chip ở quý 1/2023. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán tình hình trong quý 2/2023 sẽ trở nên tồi tệ hơn và thậm chí dẫn đến khoản lỗ lợi nhuận đầu tiên của Samsung Electronics kể từ năm 2008.
Hwang Min-seong, nhà phân tích tại Samsung Securities, nói với hãng tin Yonhap: “Chúng ta không thể loại trừ khả năng Samsung chuyển sang sắc đỏ khi hiệu ứng của smartphone mới giảm đi”.
Sự sụt giảm lợi nhuận gần đây đã không ngăn cản Samsung Electronics thực hiện các khoản đầu tư táo bạo. Vào tháng 3, Samsung Electronics đã tiết lộ kế hoạch đầu tư 227 tỉ USD trong hai thập kỷ tới để xây dựng trung tâm chip lớn nhất thế giới ở Yongin, phía nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Kế hoạch xây dựng trung tâm chip lớn nhất thế giới nằm trong nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm đầu tư mạnh vào các ngành công nghệ mũi nhọn, bao gồm chip, màn hình và pin. Đây là các lĩnh vực mà những gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Phần lớn các chip tiên tiến nhất trên thế giới đều được sản xuất bởi Samsung Electronics và TSMC.
Lee Jae-yong được Tổng thống Hàn Quốc ân xá
Vào ngày 12.8.2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã ân xá cho Lee Jae-yong (sinh năm 1968). Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, Lee Jae-yong rất cần thiết để giúp quốc gia vượt qua "cuộc khủng hoảng kinh tế".
Động thái này chủ yếu mang tính biểu tượng vì Lee Jae-yong, người thừa kế Samsung Electronics, đã được ân xá sau khi ngồi tù 18 tháng vì tội hối lộ liên quan đến thời gian dẫn dắt nhà sản xuất chip nhớ và smartphone lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa Lee Jae-yong sẽ có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh một cách tự do hơn và dự kiến báo trước một số động thái lớn từ Samsung Electronics.
Ngay cả trước khi nhận được lệnh ân xá, Lee Jae-yong đã xuất hiện vào tháng 5.2022 cùng với Tổng thống Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ - Joe Biden khi họ đến thăm cơ sở sản xuất chip của Samsung Electronics ở thành phố Pyeongtaek (Hàn Quốc).
Lee Jae-yong đến châu Âu vào tháng 6.2022 để gặp Peter Wennink - Giám đốc điều hành ASML Holding NV và thảo luận về việc áp dụng các thiết bị chip cao cấp quan trọng.
Tháng 11.2021, Samsung Electronics đã quyết định chọn thành phố Taylor, bang Texas, Mỹ làm địa điểm xây dựng nhà máy chip mới trị giá 17 tỉ USD.
Từng bị kết tội hối lộ và tham ô nhưng Lee Jae-yong đã được phóng thích khỏi trại giam trước thời hạn hôm 13.8.2021.
Bị kết tội hối lộ người bạn của cựu Tổng thống Park Geun-hye, Lee Jae-yong đã phải chịu 18 tháng tù từ bản án 30 tháng được sửa đổi. Ban đầu Lee Jae-yong chấp hành một năm bản án 5 năm từ tháng 8.2017, sau đó được hưởng án treo. Quyết định của tòa án sau đó đã bị lật lại và trong khi bản án được rút ngắn, Lee Jae-yong bị đưa trở lại tù vào tháng 1.2021.
Lee Jae-yong là lãnh đạo trên thực tế của Samsung Electronics kể từ khi cha ông là Lee Kun-hee nhập viện vì đau tim vào năm 2014. Cố Chủ tịch Samsung Electronics, Lee Kun-hee đã qua đời ngày 25.10.2020 ở tuổi 78 sau nhiều năm nằm viện vì cơn đau tim, chấm dứt 33 năm trị vì của đế chế có danh mục đầu tư kinh doanh từ công nghệ, xây dựng đến bảo hiểm và một công viên giải trí.
Ngày 18.1.2021, Tòa án Cấp cao Seoul đã tuyên án Lee Jae-yong vì đã hối lộ cựu Tổng thống Park Geun-hye và người bạn lâu năm của bà, Choi Soon-sil.
Tòa án đã phán quyết rằng ông Lee Jae-yong đã tham gia vào hành vi hối lộ để giành được sự hỗ trợ từ Dịch vụ Hưu trí Quốc gia cho việc sáp nhập Cheil Industries (dệt may, thời trang, hóa chất, vật liệu hóa học điện tử) và Samsung C&T (xây dựng), hai chi nhánh chính của Samsung Electronics. Đây là vụ sáp nhập được cho là nhằm mục đích làm êm đẹp con đường để Lee Jae-yong nối nghiệp người cha ốm yếu của mình.
Hôm 24.8.2021, những người thừa kế Lee Kun-hee cho biết sẽ trả hơn 12.000 tỉ won thuế thừa kế, mức thuế lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử Hàn Quốc, nhưng không tiết lộ cách họ chia cổ phiếu thừa kế, một vấn đề then chốt trong việc định hình lại quyền sở hữu của tập đoàn số 1 đất nước.
Họ cho biết sẽ quyên góp 1.000 tỉ won để hỗ trợ cuộc chiến chống nCoV và nghiên cứu các bệnh hiếm gặp ở trẻ em, cùng khoảng 23.000 tác phẩm trong bộ sưu tập nghệ thuật của ông Lee Kun-hee, ước tính trị giá khoảng 2.000 tỉ won.
Những người thừa kế ông Lee Kun-hee là vợ ông, Hong Ra-hee, con trai duy nhất Lee Jae-yong và hai con gái Boo-jin, Seo-hyun.