Hàng triệu người dùng WhatsApp có thể muốn thay đổi một thiết lập để tránh vấn đề đáng lo ngại vừa được phát hiện.
Gần đây, người ta phát hiện WhatsApp - ứng dụng nhắn tin phổ biến của Meta Platforms có thể đang mắc một lỗi đáng lo ngại cho phép nó truy cập microphone trên một số thiết bị mà chủ sở hữu không hề hay biết. Tệ hơn nữa, vấn đề thậm chí xuất hiện khi WhatsApp không được mở.
Foad Dabiri, kỹ sư của Twitter từng làm tại Google, là người đầu tiên phát hiện vấn đề trên. Anh lo ngại rằng mình bị nghe lén hoặc giám sát bởi WhatsApp.
Foad Dabiri đã đăng lên Twitter hình ảnh cho thấy WhatsApp hoạt động trong khi anh đang ngủ say và không sử dụng smartphone của mình.
"WhatsApp đã sử dụng microphone ở chế độ nền khi tôi đang ngủ và khi tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng (đó chỉ là một phần của dòng thời gian!). Chuyện gì xảy ra vậy?”, Foad Dabiri đăng tweet kèm hình ảnh dòng thời gian để xác nhận cáo buộc của mình.
Không lâu sau đó, WhatsApp phản hồi tweet của Foad Dabiri trên Twitter: “Trong 24 giờ qua, chúng tôi đã liên lạc với một kỹ sư Twitter, người đã đăng vấn đề với điện thoại Pixel và WhatsApp của anh ấy. Chúng tôi tin rằng đây là một lỗi trên Android khiến thông tin bị ghi sai trong Privacy Dashboard (bảng điều khiển quyền riêng tư) của họ và đã yêu cầu Google điều tra, khắc phục".
"Người dùng có toàn quyền kiểm soát cài đặt microphone của họ. Sau khi được cấp quyền, WhatsApp chỉ truy cập microphone khi người dùng đang thực hiện cuộc gọi, ghi chú bằng giọng nói hoặc video. Thậm chí sau đó, những thông tin liên lạc này được bảo vệ bởi mã hóa đầu cuối để WhatsApp không thể nghe thấy chúng", WhatsApp cho biết thêm.
Vẫn chưa rõ chính xác ai là người có lỗi hoặc bao nhiêu smartphone bị ảnh hưởng, nhưng bất kỳ ai lo ngại về quyền riêng tư có thể tắt quyền truy cập microphone trong WhatsApp.
Để thực hiện, bạn làm theo các bước sau:
- Mở ứng dụng Cài đặt (Settings) trên thiết bị của bạn.
- Cuộn xuống và nhấn vào Quyền riêng tư (Privacy) rồi mở Trình quản lý quyền (Permission manager).
- Cuộn xuống và chọn Microphone, rồi tìm WhatsApp.
- Bạn sẽ thấy màn hình mới có nội dung Quyền truy cập microphone cho ứng dụng này (Microphone access for this app) với ba tùy chọn: Chỉ cho phép khi sử dụng ứng dụng (Allow only while using the app), Hỏi mọi lúc (Ask every time) và Không cho phép (Don't allow).
- Bạn chọn Hỏi mọi lúc hoặc Không cho phép, nhưng hãy nhớ rằng việc nhấp vào Không cho phép sẽ ngăn bạn gửi ghi chú bằng giọng nói và thực hiện cuộc gọi.
Foad Dabiri đang sử dụng Google Pixel khi phát hiện ra trục trặc và hiện vẫn chưa có thông tin về việc liệu sự cố chỉ ảnh hưởng đến các thiết bị do Google sản xuất hay cả các smartphone khác chạy Android.
Điểm đáng chú ý là dựa trên tweet của Foad Dabiri, Elon Musk ngay lập tức đưa ra lời cảnh giác với WhatsApp.
"Không thể tin tưởng được WhatsApp", Elon Musk viết trên Twitter. Tỷ phú ông nghệ đang tìm cách làm mất uy tín của ứng dụng nhắn tin của Meta Platforms bằng cách cho rằng nó không đáng tin cậy. Lời khẳng định này đi thẳng vào trọng tâm về quyền riêng tư, một trong những mối quan tâm của người dùng mạng xã hội.
Lời từ Elon Musk gợi lại ký ức về vụ bê bối đã ảnh hưởng đến Meta Platforms những năm gần đây và và liên quan đến một điểm nhạy cảm: Lòng tin. Facebook đã cho phép Cambridge Analytica, công ty tư vấn, hợp tác với đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, thu thập dữ liệu cá nhân từ hàng chục triệu người dùng để lập hồ sơ cử tri.
Bất chấp phản hồi của WhatsApp với Foad Dabiri, Elon Musk tiếp tục công kích Meta Platforms.
Khi nhà đầu tư Gannon Breslin bình luận về tweet của Elon Musk rằng: “Thật đáng kinh ngạc khi có nhiều người không nhận ra rằng WhatsApp thuộc sở hữu của Meta/Facebook”, tỷ phú giàu thứ hai thế giới đáp lại bằng lời châm biếm: “Ừ, hoặc là những người sáng lập WhatsApp đã bỏ Meta/Facebook vì phẫn nộ, bắt đầu chiến dịch #deletefacebook & đóng góp lớn trong việc xây dựng Signal”.
"Những gì họ học được về Facebook và những thay đổi với WhatsApp rõ ràng làm họ lo lắng rất nhiều", ông chủ Twitter lập luận.
Elon Musk đề cập đến việc Jan Koum và Brian Acton, hai người đồng sáng lập WhatsApp, đã rời công ty vài năm sau khi được Facebook (hiện là Meta Platforms) mua lại. Giống như những người sáng lập Instagram, Jan Koum và Brian Acton không tán thành các chính sách và quyết định của Facebook, đặc biệt là liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân. Đã có những xung đột nội bộ giữa họ và các lãnh đạo Facebook, công ty định hình lại phần lớn mô hình ứng dụng WhatsApp.
Brian Acton giải thích rằng rời đi vì không đồng tình với Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg và Giám đốc vận hành khi đó là Sheryl Sandberg, khi Meta Platforms đặt câu hỏi về tính thỏa đáng của giao thức mã hóa WhatsApp mà ông đã giúp phát triển. Brian Acton cho biết họ coi nó như một rào cản với việc phân phối quảng cáo được nhắm mục tiêu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhắn tin thương mại.
Khi rời Meta Platforms, Brian Acton khiến nhiều người ngạc nhiên khi tweet: "Đã đến lúc #deletefacebook (xóa tài khoản Facebook)".
Brian Acton ủng hộ phong trào kêu gọi xóa tài khoản Facebook qua #deletefacebook sau vụ bê bối Cambridge Analytica. Một động thái đáng chú ý khác từ Brian Acton là khoản đầu tư 50 triệu USD vào một quỹ để quản lý giao thức mã hóa của ứng dụng Signal.
Được thành lập vào năm 2009, WhatsApp đã sử dụng tính năng nhắn tin được mã hóa và nổi tiếng là ứng dụng tôn trọng quyền riêng tư, trước khi được Facebook mua lại với giá 19 tỉ USD hồi năm 2014.
Signal là ứng dụng liên lạc miễn phí hỗ trợ người dùng gửi và nhận tin nhắn tức thì hay gọi âm thanh hoặc gọi video với hình ảnh chất lượng cao. Signal còn cho phép bạn gửi tin nhắn riêng tư với tính năng bảo mật cao và đang được hàng triệu người trên thế giới lựa chọn.