Ngân hàng số đang là xu hướng mới trong ngành ngân hàng, được ưa chuộng tại các nước phát triển. Đây cũng được xem là giải pháp phù hợp giúp các tổ chức tài chính cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Tuy nhiên, khái niệm ngân hàng số đối với người Việt vẫn còn xa lạ. Vậy ngân hàng số là gì và đem lại những lợi ích gì cho khách hàng so với ngân hàng truyền thống là vấn đề mọi người quan tâm hiện nay.
Giải thích về sự khác biệt giữa ngân hàng số và ví điện tử tại buổi tọa đàm Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù diễn ra ngày 14.6, ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Ngân hàng Số TPBank cho biết, ví điện tử là mô hình kinh doanh mới xuất hiện khoảng 7-8 năm trở lại đây, sử dụng công nghệ và nền tảng trung gian thanh toán để giải quyết các bài toán về thanh toán nhanh gọn online. Ví điện tử có thể giúp khách hàng có 1 tài khoản online với số tiền được đối ứng 1:1 với số dư của họ tại 1 tài khoản ngân hàng.
Khái niệm ví điện tử sẽ giống với khái niệm ngân hàng số phần nhiều về cách áp dụng các công nghệ để giúp khách hàng có trải nghiệm trên các kênh số tốt hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt là ví điện tử đang xoay quanh nhiều dịch vụ trong hệ sinh thái thanh toán như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn...
Còn ngân hàng số ngoài khả năng có thể cung cấp các dịch vụ thanh toán tương tự như ví điện tử, còn có nền tảng của ngân hàng truyền thống khác để làm các dịch vụ tài chính khác như tín dụng, huy động, đầu tư, bảo hiểm... và các dịch vụ khác.
"Cũng có thể thấy một số ví điện tử cũng dần tiếp cận với một số các dịch vụ ngoài thanh toán. Tuy nhiên điều đó cần sự hậu thuẫn của các cơ quan quản lý và cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt", ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, pháp lý và tiền mặt đang là rào cản lớn của ngân hàng số khi 90% thị trường vẫn sử dụng tiền mặt. Vậy khi so sánh với mô hình truyền thống, ngân hàng số đem lại lợi gì? Ông Nam lấy ví dụ về việc huy động vốn, mô hình online hiệu quả gấp 6 lần tại quầy. Việc mở thêm các LiveBank cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn với tốc độ gấp 50 lần mô hình truyền thống.
Về kiểm soát chi phí, tại thời điểm này thì khó có thể so sánh giữa truyền thống và số. Tuy nhiên theo nhìn nhận của ông Nam thì chi phí giao dịch và vận hành thấp hơn, ví dụ chi phí vận hành của 1 ki-ốt LiveBank chỉ bằng 1/5 so với 1 phòng giao dịch, chi phí giao dịch bằng một nửa so với truyền thống. Rõ ràng về mặt chi phí thì kênh LiveBank hiệu quả hơn. Ngoài ra, những ứng dụng như Chatbot còn giảm tải 30% cho Call Center...
Bên cạnh đó, ông Nam cũng chỉ ra ngân hàng số có thể giúp khách hàng giao dịch 24/7, không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Trước kia khách hàng mở tài khoản và nhận thẻ ATM thời gian tính theo tuần. Nếu như sử dụng LiveBank, chỉ trong 8 phút là giải quyết công việc trên. Trong vòng 3 tháng, dịch vụ LiveBank đã có tới 10.000 khách hàng mở thẻ ATM lấy ngay thành công.
Giám đốc Ngân hàng Số TPBank cho rằng định nghĩa "ngân hàng số" rất rộng. Theo cách nhìn nhận của ông, ngân hàng số không phải là Internet Banking hay Online Banking, không phải là công nghệ ngân hàng, cũng không phải là kênh thay thế. Ngân hàng số là mô hình kinh doanh ngân hàng, bao gồm 4 trụ cột là sản phẩm mới, cách thức bán, kênh tiếp cận, cơ chế vận hành, phục vụ khách hàng và cơ chế kiểm soát rủi ro. Tất cả đều được trợ giúp bởi các nền tảng công nghệ mới.
"Ngân hàng số được cấu thành bởi ngân hàng và số, giúp phục vụ tất cả các mong muốn giao dịch trên kênh số để khách hàng không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và có thể giao dịch trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể", ông Nam cho hay.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ là một trong những thách thức lớn với các ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, nếu đi đầu trong ngân hàng số, ngân hàng sẽ có cơ hội gia tăng doanh thu, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, tham khảo nghiên cứu của các định chế tài chính lớn trên thế giới, khi áp dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể tiết giảm được 30-80% chi phí. Việc đầu tư công nghệ thông tin đối với các doanh nghiệp trong đó có ngân hàng, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 25-28% trong khi doanh thu tăng 35-48% dẫn đến lợi nhuận ròng có thể tăng khoảng 10-15%.
Tuyết Nhung