Việc ông Trump bị trục xuất khỏi mạng xã hội Mỹ vì kích động đám đông bạo lực tại Điện Capitol vào tuần trước đã gây thu hút trên Internet Trung Quốc
Sau khi Twitter và Facebook trục xuất Tổng thống Donald Trump khỏi nền tảng của họ, những người ủng hộ ông bắt đầu so sánh 2 mạng xã hội này với sự kiểm duyệt của Trung Quốc. Nhưng người Trung Quốc lại đang khuyên Trump sang dùng mạng xã hội của họ.
“Về mặt pháp lý, ông ấy vẫn là Tổng thống. Đây là một cuộc đảo chính”, một bình luận trên Weibo nhận được 21.000 lượt like. “Một quốc gia lớn như Mỹ mà không thể khoan dung cho cái miệng của Trump. Nước Mỹ, nền dân chủ đã chết” là bình luận phổ biến khác.
Thậm chí, mạng xã hội Trung Quốc còn có hashtag #BigUSappsunitedtosilenceTrump # (các nền tảng lớn của Mỹ đồng lòng bịt miệng Trump) được coi là từ khóa phổ biến. Từ khóa còn được Thời báo Hoàn cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) nhắc lại.
Ông Trump "mất quyền như một công dân Mỹ bình thường", Thời báo Hoàn cầu viết trong một bài xã luận. “Tất nhiên, điều này đi ngược lại với quyền tự do ngôn luận mà giới tinh hoa chính trị Mỹ đã ủng hộ”.
Việc ông Trump bị trục xuất khỏi mạng xã hội Mỹ vì kích động đám đông bạo lực tại Điện Capitol vào tuần trước đã gây thu hút trên Internet Trung Quốc, một trong những nơi bị kiểm duyệt gắt gao nhất trên trái đất. Thật đáng kinh ngạc, những người ở đây đang lên án những gì họ coi là kiểm duyệt ở nơi khác.
Bằng cách nêu bật các quyết định của Twitter và Facebook, truyền thông Trung Quốc tin rằng họ đang củng cố thông điệp của mình tới người dân Trung Quốc rằng không đâu trên thế giới thực sự được hưởng quyền tự do ngôn luận.
“Một số người có thể tin rằng quyết định khóa tài khoản của Tổng thống Mỹ trên Twitter là một dấu hiệu của nền dân chủ”, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, Hồ Tích Tiến viết trong một bài bình luận với tiêu đề “Việc Twitter đình chỉ tài khoản của Trump cho thấy quyền tự do ngôn luận bị kiểm soát trong mọi xã hội”.
Sẽ rất khó để Mỹ quay trở lại và đóng vai trò “ngọn hải đăng của nền dân chủ”, ông Tiến nói thêm trên Weibo.
Gần 2/3 trong số khoảng 2.700 người tham gia một cuộc thăm dò ý kiến trực tuyến của Trung Quốc đã bỏ phiếu rằng Twitter lẽ ra không nên đóng tài khoản của ông Trump. Nhà tài trợ cho cuộc thăm dò là một ấn phẩm thuộc sở hữu của Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ Trung Quốc.
Một tài khoản Weibo đã xác minh có tên “Su Jiande” viết: “Tôi vừa được biết rằng các mạng xã hội của Hoa Kỳ thường xuyên xóa các bài đăng và khóa tài khoản trong vài ngày qua. Tôi đã đánh mất sự tôn trọng cuối cùng dành cho họ".
Người dùng này cảm ơn Weibo vì đã cho phép người dùng nói bất cứ điều gì họ muốn để theo đuổi sự thật (nhà báo của New York Times đã đọc dòng thời gian Weibo của người dùng và không tìm thấy dấu hiệu của sự bông đùa nào). Nhiều người dùng Weibo kêu gọi ông Trump mở tài khoản Weibo.
Một người dùng Weibo có tên Xiangbanzhang bình luận: “Đây không phải là nước Mỹ như chúng ta biết. Đây là Iraq của Saddam và Libya của Gaddafi."
Những người bảo vệ Trump so sánh việc tổng thống bị trục xuất khỏi mạng xã hội với sự kiểm duyệt kiểu Trung Quốc. "Đây không phải là Trung Quốc, đây là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và chúng tôi là một quốc gia tự do", Sarah Huckabee Sanders, cựu thư ký báo chí của ông Trump, viết trên Twitter.
Những người điều hành Facebook và Twitter có quyền Tu chính án đầu tiên để chọn những gì có thể và không thể đưa trên nền tảng của họ, nhưng kiểm duyệt của Trung Quốc không hoạt động theo cách đó. Ở Trung Quốc, bài phát biểu về các nhà lãnh đạo cao nhất được giám sát chặt chẽ và kiểm duyệt gắt gao.
Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các trang tin điện tử dành tin hàng đầu của họ cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Chẳng hạn, hôm thứ ba vừa rồi, các tờ báo trực tuyến đã đồng loạt tán dương bài phát biểu của ông Tập tại một buổi hội thảo của đảng, trong khi một bài khác giải thích những điển cố văn học được sử dụng trong một bài báo của ông Tập trên tạp chí đảng.
Chính phủ Trung Quốc có những quy định nghiêm ngặt về việc các tài khoản và mạng xã hội nào có thể đăng các bài báo và hình ảnh của các nhà lãnh đạo như ông Tập. Các nhà kiểm duyệt dành phần lớn ngày làm việc của họ để chặn và xóa các liên kết có chứa ảnh của các nhà lãnh đạo, ngay cả khi nội dung đó ủng hộ chính phủ. Nói cách khác, những người Trung Quốc bình thường thậm chí không có quyền đăng ảnh của ông Tập chứ đừng nói đến việc viết nội dung ra sao
Những người dám chỉ trích ông Tập sau đó phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc. Nhậm Chí Cường, một doanh nhân đã nghỉ hưu và là một nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội, đã phải tắt tiếng trên các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc vào đầu năm 2016. Đó là thời điểm sau khi ông phê bình chỉ thị của ông Tập rằng các phương tiện truyền thông Trung Quốc phải phục vụ đảng. Năm ngoái, ông Nhậm bị kết án 18 năm tù sau khi viết một bài luận chỉ trích phản ứng của ông Tập đối với đợt bùng phát coronavirus.
Các công ty Internet của Trung Quốc tiến hành kiểm duyệt của riêng họ do lo sợ bị các quan chức trừng phạt. Tháng 2 năm ngoái, ifeng.com, một trang thông tin tổng hợp, đã bị trừng phạt vì tự ý đăng bài về sự bùng phát coronavirus. Theo quy định của Trung Quốc, những trang tin kiểu này không được tự xuất bản bài.
Theo cơ quan quản lý Internet quốc gia, các trang web và cơ quan quản lý trong tháng 12 đã xử lý hơn 13 triệu bài được cho là bất hợp pháp và không lành mạnh, tăng 8% so với năm trước. Trong số đó, 6 triệu bài do Weibo xử lý.
Vì những lý do đó, nhiều người Trung Quốc chết lặng khi nghĩ rằng các công ty tư nhân như Twitter và Facebook có quyền từ chối một tổng thống Mỹ đang tại vị.
“Khi Twitter cấm Trump, đó là một nền tảng tư nhân từ chối phục vụ tổng thống,” một người dùng Weibo có tên Xichuangsuiji viết khi cố gắng giải thích sự khác biệt. “Khi Weibo cấm bạn, điều đó chỉ đơn giản là thực hiện các nguyên tắc của chính phủ để kiểm duyệt bài phát biểu của một cá nhân”.
Ngay cả một số người được cho là bất đồng chính kiến ở Trung Quốc cũng phản đối lệnh cấm vì họ phải chịu sự kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc hoặc vì họ ủng hộ ông Trump, người mà họ cho là cứng rắn với Bắc Kinh.
“Twitter và Facebook cho phép tuyên truyền từ Hoàn cầu và Nhân dân nhật báo, nhưng hôm nay, họ đã gây chiến với Tổng thống của chính mình bằng cách kiểm duyệt cách diễn đạt của ông ta”, Ngải Vị Vị, một nghệ sĩ bất đồng chính kiến, đăng trên Twitter bằng tiếng Trung.
“Quyền tự do ngôn luận chỉ là một sự dối trá và không hơn thế nữa”,
ông Ngải nói thêm.
Quảng Biểu, một người vẽ tranh biếm họa ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc thường có các tác phẩm bị kiểm duyệt trên mạng Trung Quốc. Lần này, ông Biểu đã vẽ 2 bức tranh để bày tỏ sự bất mãn việc ông Trump bị cấm khẩu. Trong một tranh, miệng của Tổng thống Trump đã bị khâu lại một cách tàn nhẫn. Còn ở tranh còn lại, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg được miêu tả là Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, một bạo chúa đã đốt sách, chôn Nho hơn 2.000 năm trước.
Tính đến tối thứ ba, tác phẩm đầu tiên đã thu được hơn 170.000 lượt xem trên Douyin, ứng dụng chị em với TikTok.
Ông Biểu nói: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Đó là một quyền thiêng liêng của con người". Ông Biểu cho biết mình là một người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Trump, người mà ông ấy tin rằng là “một trượng phu hết lòng phục vụ nhân dân”.
Bên cạnh đó, một số người ở Trung Quốc nói rằng những người đang bảo vệ quyền tự do ngôn luận của ông Trump là nạn nhân của một kiểu kiểm duyệt tồi tệ hơn nhiều.
Chen Min, một cựu nhà báo thường dùng bút danh Xiao Shu, viết: “Những con cừu có thể bị hổ ăn thịt bất cứ lúc nào đang tức giận vì hổ bị nhốt vào lồng”.
Trên tài khoản của mình trên WeChat, mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc, ông Chen viết rằng một nhà lãnh đạo quyền lực như Tổng thống Trump có rất nhiều trách nhiệm, gồm cả hậu quả từ bài phát biểu của mình.
Nhà báo Zhao Jing, người có tên là Michael Anti, không hiểu tại sao những người ủng hộ Trump ở Trung Quốc lại nhiệt tình bảo vệ quyền tự do ngôn luận của ông. Cho rằng ông Trump có Nhà Trắng, các mệnh lệnh hành pháp và Fox News, Chen viết: "Bạn còn muốn gì nữa để cho ông ấy có quyền tự do ngôn luận?".
Điều ngạc nhiên là dường như các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc không đồng tình việc ủng hộ hạn chế Trump. He Weifang, giáo sư luật nổi tiếng tại Đại học Bắc Kinh, đã viết một bài đăng dài trên WeChat ủng hộ những hạn chế với ông Trump. Bài báo đã biến mất từ đó. “Nội dung này đã vi phạm các quy tắc”, một thông báo có dấu chấm than màu đỏ nơi bài viết đã được đăng “vì vậy không thể xem được”.