Shoko Sakuma gặp khó khăn khi làm việc trong lĩnh vực kế toán do mắc chứng tự kỷ. Nhưng giờ đây cô được sống với niềm đam mê vẽ tranh thời thơ ấu nhờ làm việc tại xưởng phim Shake Hands.
Xưởng phim hoạt hình đặc biệt này ra đời nhằm mục đích đào tạo nghề và khuyến khích người tự kỷ trở nên tự tin hơn. Người tự kỷ rất khó thích nghi với môi trường làm việc nhiều giờ đầy căng thẳng truyền thống ở Nhật.
Sakuma chia sẻ: “Tôi thực sự rất tệ về các con số, chúng khiến tôi gặp rắc rối. Tôi sẽ làm mất nhiều thứ quan trọng của khách hàng mà bạn không bao giờ nên mất”.
Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn phổ tự kỷ (ASD) khiến cô khó tập trung vào công việc sổ sách, thậm chí làm cho người phụ nữ này bắt đầu phát triển chứng rối loạn lưỡng cực. Đôi lúc Sakuma không thể rời khỏi nhà.
Hiện tại Sakuma dành cả ngày thực hiện công việc thêm hiệu ứng cho phim hoạt hình tại một chiếc bàn có vách ngăn nhằm tăng khả năng tập trung. Cô cho biết: “Người hướng dẫn ở đây chấp nhận tình trạng của tôi và chỉ dạy tôi rất nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy thoải mái, tôi vô cùng hạnh phúc”.
Lâu nay Nhật xem các bệnh như ASD như vấn đề nhân cách, nhưng giới khoa học đã giúp nâng cao nhận thức công chúng và góp phần thay đổi chính sách. Năm 2004, nước này thông qua luật công nhận ASD, ADHD cùng chứng khó học là bệnh, yêu cầu trường học phát hiện và hỗ trợ trẻ em cần được chăm sóc đặc biệt.
Ra mắt năm 2003, Shake Hands tạo cơ hội cho người tự kỷ tiếp cận ngành công nghiệp hoạt hình. Người hướng dẫn Yuki Kawai (mắc ADHD) cho biết: “Một bộ phim hoạt hình được xây dựng dựa trên bảng ghi thời gian quy định chi tiết chuyển động của nhân vật. Không có quy tắc trừu tượng nào trong việc tạo hình ảnh nên rất dễ hiểu với người như chúng tôi”.
Sau khi tốt nghiệp trường thiết kế và nghệ thuật, Kawai chọn công việc bán hàng: “Tôi không thể thức dậy vào buổi sáng hay đến chỗ làm đúng giờ. Tôi không thể xử lý các cuộc gọi vì nhiều khi tôi chẳng thể nhớ đúng tên người”.
Trải nghiệm như vậy có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần với trường hợp mắc ASD, theo giáo sư Yuji Umenaga (Đại học Waseda). Ông cho biết: “Nhiều bệnh nhân tìm đến tôi có dấu hiệu trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm chẳng hiệu quả”.
Shake Hands đã góp sức tạo ra một số phim bom tấn. Họ vừa giành được đơn đặt hàng sản xuất hoạt hình quảng cáo từ một công ty Malaysia.
Trong xưởng phim, nhạc vui nhộn được bật để giúp nhân viên cảm thấy thoải mái. Theo nhân viên Momoka Tsuji: “Môi trường yên tĩnh dễ làm một số người trở nên nhạy cảm khi người khác trò chuyện. Họ nghĩ bản thân bị lấy ra làm chủ đề”. Shake Hands nhắc nhở tất cả nhân viên nghỉ giải lao hàng giờ. Nhân viên tùy ý vào làm lẫn tan ca bất cứ lúc nào họ muốn (thậm chí tận nửa đêm). Xưởng còn dùng cách trò chuyện qua mạng nội bộ do vài trường hợp cảm thấy không thoải mái khi giao tiếp trực tiếp.
Giáo sư Umenaga hy vọng Shake Hands sẽ truyền cảm hứng đến nhiều sáng kiến khác, chẳng hạn như xưởng phim Exceptional Minds ở Mỹ chuyên đào tạo nghề cho học sinh tự kỷ.