Đa phần các dự án trên thị trường đều đang hướng về phân khúc cao cấp cùng với việc tăng “nóng” và bội thực nguồn cung có thể gây nguy cơ bùng nổ bong bóng bất động sản vào năm 2017.
Đó là ý kiến được các chuyên gia tranh luận tại Hội nghị tổng kết thị trường bất động sản TP.HCM ( HoREA) do Hiệp hội Bất động sản tổ chức ngày 18.1.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: thời gian qua, phân khúc bất động sản cao cấp đã phát triển rất mạnh với nhiều dự án được khởi công xây dựng, chào bán trên thị trường. Ngoài khu đô thị Nam Sài Gòn đã phát triển nhiều năm trước đây, nay đang có xu thế phát triển sang phía đông thành phố, từ bờ tây sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4), qua quận 2 và một phần quận Thủ Đức, một phần quận 9 giáp ranh quận 2 (có thể coi đường cao tốc đi Long Thành hiện nay là ranh phía đông của vùng trọng điểm phát triển các dự án bất động sản cao cấp).
Theo ông Châu, năm 2016 thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng và chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên chủ quan, mà vẫn cần theo dõi sát diễn biến thị trường.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành cho rằng thị trường năm 2016 chưa xảy ra bong bóng bất động sản, song có nguy cơ gặp nhiều rủi ro vào cuối năm 2017 và trong năm 2018.
Ông Nghĩa cho biết kinh tế vĩ mô đang tốt lên, ngân hàng cho vay với lãi suất tốt, ổn định trong khi thị trường vàng và USD không còn hấp dẫn nên sẽ kéo nhà đầu tư vào thị trường bất động sản.
“Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, thị trường sẽ phát triển nóng. Tôi dự báo rủi ro rất lớn vào cuối năm 2017 và 2018”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, đa phần dự án trên thị trường đều đang hướng về phân khúc cao cấp, chiếm đến 70 % thị trường do phân khúc này lợi nhuận cao. Nhiều nhà đầu tư thứ cấp thấy có lãi nên sẽ mua ồ ạt khi chủ đầu tư cứ tăng giá đều đặn trong thời gian thi công. Một số dự án còn chưa rõ pháp lý kết hợp với việc chậm tiến độ, chậm trả tiền càng khiến số lượng nhà đầu tư thứ cấp ngày càng gia tăng. Chưa kể, hầu hết các dự án đang rao bán hiện nay chủ yếu sẽ bàn giao nhà vào năm 2017 và 2018. Khi đó, thị trường sẽ đón nhận một nguồn cung lớn, trong khi người mua ít lại sẽ khiến thị trường gặp nhiều rủi ro.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực- Phó chủ tịch HoREA kiêm Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng đưa ra một loạt yếu tố chứng tỏ thị trường đang tăng trưởng rất mong manh.
Cụ thể, trong 839 dự án hiện hữu tại TP.HCM thì chỉ có 228 dự án hoạt động, trong khi có đến 97 dự án ngưng, 405 chưa khởi công, 109 bị thu hồi và 500 dự án đang đắp chiếu. Đồng thời, thị trường hiện đang có từ 14.000 - 15.000 căn hộ có giá từ 1 - 2 tỉ đồng/căn. Nếu không tiêu thụ được từ 50 - 70% số lượng căn hộ đã tung ra, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Ông Đực cho hay năm 2017- 2018 các công ty sẽ đưa ra thị trường khoảng 60.000 căn hộ, trong khi dự báo chỉ bán được 30.000 căn. Chưa kể, thị trường đang chạy theo căn hộ cao cấp mà rất thiếu căn hộ dưới 1 tỉ đồng cho người có thu nhập trung bình và căn hộ 300 triệu cho người nghèo.
"Nguồn cung bất động sản đang đi theo hình kim tự tháp ngược, nên bất ổn", ông Đực nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh Corp cũng cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản cần cẩn trọng khi đưa hàng ra thị trường. Một số doanh nghiệp không nên cho dự án của mình của bất động sản cao cấp rồi tự đẩy giá thành lên cao. Việc này chỉ có doanh nghiệp này có lợi, song vô hình trung lại hại doanh nghiệp khác và đẩy thị trường tăng nóng.
Luật sư Trương Thị Hòa - Phó chủ tịch HoREA lại cho hay những quy định về bất động sản hình thành trong tương lai đang được mỗi nơi hiểu một cách. Do đó, cần đồng bộ các quy định và minh bạch để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững hơn.
Trước những lo ngại này, bà Đỗ Thị Loan - Phó chủ tịch HoREA đề xuất Sở Xây dựng TP.HCM cần có những thông tin để dự báo về những dự án đã, đang và sẽ đăng ký. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn khách quan và chính xác hơn để từ đó có thể điều chỉnh được chiến lược kinh doanh.
Phan Diệu