Theo trang Bloomberg, gần 300 triệu người lao động Trung Quốc về quê đón Tết Nguyên đán khiến các nhà máy và chính quyền địa phương đối mặt với nguy cơ gián đoạn kéo dài trong thời gian nghỉ tết dài hơn so với nghỉ lễ bình thường.
Ông Liu Junde nghỉ việc ngay lập tức khi chủ thông báo không thể nghỉ tết đến 20 ngày. Giống hàng trăm triệu lao động trên khắp Trung Quốc, đây là lần đầu tiên sau 3 năm ông Liu có thể về quê dịp Tết Nguyên đán. Ông không thấy hối hận với quyết định từ bỏ công việc tại nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời trên địa bàn thành phố Nghĩa Ô (tỉnh Chiết Giang).
“Tôi thấy tuyệt vời vì sắp được về nhà. Tôi chỉ muốn dành thời gian cho gia đình, qua Tết tôi mới tìm việc”, Liu phát biểu cảm nghĩ khi đứng bên ngoài nhà ga xe lửa đông đúc. Ông sẽ đi về quê bằng cả xe lửa lẫn xe buýt suốt 28 tiếng đồng hồ để tới Cam Túc.
Với 296 triệu lao động di cư về quê năm nay, các nhà máy và chính quyền địa phương phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn kéo dài trong thời gian nghỉ dài hơn so với nghỉ lễ bình thường. Trung Quốc quy định thời gian nghỉ chính thức kéo dài 7 ngày - từ ngày 21 đến 27.1, nhưng nhiều người lao động không định quay lại làm việc trước trước ngày 5.2 (rằm tháng giêng).
Tại trung tâm sản xuất Chiết Giang, các nhà máy tạm ngừng hoạt động sớm hơn bình thường 1 - 2 tuần. Do số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh và loạt hạn chế đi lại bị bãi bỏ nên không ít người lao động bắt đầu về quê từ cuối tháng 12.
Doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang nỗ lực ngăn chặn sự gián đoạn sản xuất có thể xảy ra bằng cách thưởng tiền, tổ chức hoạt động tuyển dụng…
Nghĩa Ô là “thủ phủ” hàng tiêu dùng toàn cầu, sản xuất mọi thứ, từ đồ trang sức đến đồ gia dụng, đồ chơi, thiết bị điện tử... Trước đại dịch, thành phố này thường rất nhộn nhịp vì thương nhân khắp nơi đổ xô đến tìm nguồn hàng.
Vậy mà trong lần đi tham quan Nghĩa Ô tuần trước, người của hãng tin Bloomberg ghi nhận nhiều cửa hàng ở chợ bán buôn đã đóng cửa và một số cửa hàng tranh thủ thanh lý hàng tồn trước khi cho nhân viên về quê.
Thiếu hụt lao động là vấn đề lớn với nhiều nhà máy vào năm 2020 khi Trung Quốc phong tỏa chống dịch. Ngân hàng trung ương Úc tính toán việc làm ở thành thị và số giờ làm việc trung bình mất khoảng 3 tháng để phục hồi.
Ngay cả khi thị trường lao động phục hồi vào tháng 6.2020, một tỷ lệ nhỏ lao động nhập cư đã không quay lại làm việc.
Hiện tại thì người lao động khi quay lại làm việc không cần phải cách ly dài ngày nữa. Vì vậy các doanh nghiệp lạc quan họ không rơi vào cảnh thiếu nhân lực như 3 năm trước. Người lao động như ông Lưu cũng tin tưởng triển vọng việc làm sau Tết sẽ tốt đẹp.
Chủ tịch Công ty Sáng Cử (ở Nghĩa Ô), ông Li Chongqing quyết định thưởng thêm 1 tháng lương cho người lao động quay lại làm việc trước ngày 5.2. Công ty có khoảng 70 lao động, sản xuất sản phẩm nhựa các loại, chẳng hạn hộp đựng thức ăn.
“Năm 2023 chắc chắn tốt hơn 2022. Miễn là mọi người đi chơi trở lại thì chi tiêu sẽ tăng”, Chủ tịch Li nhận định. Năm ngoái doanh thu công ty này giảm hơn 20%, chủ yếu do cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa.
Tổng giám đốc Công ty đồ chơi Hồng Thạnh Wu Jijiao cho biết họ hoàn trả chi phí đi lại cho người lao động quay lại làm việc. Từ ngày 1.1 công ty đã phải thuê lao động thời vụ vì nhiều người lao động chính thức về quê.
Phía chính quyền địa phương triển khai chính sách thưởng đến 20.000 nhân dân tệ cho nhà máy nào hoạt động trở lại trước ngày 31.1.
Chính quyền nhiều nơi khác cũng tìm cách giữ chân người lao động để duy trì sản xuất. Thành phố Thái Châu (tỉnh Chiết Giang) trợ cấp 2.000 tệ cho lao động mới được tuyển dụng, hỗ trợ một nửa chi phí thuê xe khách đưa lao động về quê cho các công ty. Tỉnh Quảng Đông tổ chức đưa doanh nghiệp đi Quảng Tây tuyển dụng lao động.
Nhu cầu tiêu dùng
Bên cạnh nguy cơ thiếu hụt người lao động và gián đoạn sản xuất, các nhà máy Trung Quốc còn phải đối mặt với nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Các ông chủ như chủ tịch Li hay tổng giám đốc Wu đều đang lo nghĩ người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều đến mức nào.
Chủ tịch Li cho rằng người Trung Quốc vốn thích tiết kiệm, lại mang tâm lý khủng hoảng sau 3 năm đại dịch nên khó có “chi tiêu trả thù” như nhiều nước khác.
Tuy nhiên vẫn có hy vọng khách hàng nước ngoài quay trở lại giúp thúc đẩy xuất khẩu và khiến hoạt động kinh doanh trở nên dễ dàng hơn.
Chủ Công ty Giày da Elsina (Ôn Châu) Nie Xingquan mong khách hàng ở Nhật Bản và Philippines quay lại sau vài tháng nữa. Hoạt động kinh doanh của công ty năm 2022 sa sút: doanh thu giảm một nửa, bị lỗ sau 2 năm có lãi, nhân sự từ hơn 80 người giảm còn 30 người.
Đường phố Ôn Châu tuần trước vắng lặng, các nhà mày đóng cửa. Nhưng ông Nie vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh, người lao động sẽ quay lại làm việc.