Nhiều trường đại học tại TP.HCM đã công bố mức học phí dự kiến cho năm học tới (2024-2025), mức tăng thêm khoảng 10 - 15% so với năm học trước.
Giáo dục

Nguyên nhân dẫn đến việc tăng học phí đại học

Tú Viên 23/05/2024 16:15

Nhiều trường đại học tại TP.HCM đã công bố mức học phí dự kiến cho năm học tới (2024-2025), mức tăng thêm khoảng 10 - 15% so với năm học trước.

Theo Nghị định 97 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Chính phủ, học phí các trường đại học công lập bắt đầu tăng từ năm học 2023-2024 nhưng mức tăng lùi 1 năm so với Nghị định 81.

Cụ thể, mức tăng học phí sẽ khác nhau, tùy theo mức độ tự chủ và từng khối ngành đào tạo. Tại trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (chưa tự chủ), học phí tối đa trong năm học 2023-2024 từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học (gồm 10 tháng). So với năm học trước đó, học phí tăng thêm 2,2 - 10,2 triệu đồng tùy khối ngành.

Cũng trong năm học 2023-2024, học phí trường đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên tối đa 24 - 49 triệu đồng/năm. Trường đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí tối đa 30 - 61,25 triệu đồng/năm. Như vậy, học phí các trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư cũng tăng thêm 9,5 - 10,75 triệu đồng so với năm học 2022-2023.

thisinh03.jpg
Thí sinh trao đổi kết quả sau một kỳ thi

Hiện nay, nhiều trường ĐH tại TP.HCM đã công bố mức học phí dự kiến cho năm học tới (2024-2025), mức tăng thêm khoảng 10 - 15% so với năm học trước.

Năm trường trong 7 trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM tăng 10 - 15% học phí, lên 14 - 35 triệu đồng/năm với chương trình đại trà.

Đại học Công nghệ Thông tin là trường có học phí cao nhất Đại học Quốc gia TP.HCM. Mức thu cho năm học tới với chương trình chuẩn là 35 triệu đồng, dự kiến tăng 5 triệu vào năm sau. Mức cao nhất của trường này thuộc hệ liên kết với Đại học Birmingham City (Anh) - 310 triệu đồng cho 3 năm rưỡi học.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên, dự kiến học phí từ 24,9 - 30,4 triệu đồng/năm học với hệ đại trà, từ 30,9 - 50,8 triệu đồng/năm với chương trình chất lượng cao. Chương trình tiên tiến là 53 triệu đồng/năm. Trong khi đó, ở năm học trước, học phí của trường này dao động từ 21,5 - 47,3 triệu đồng/năm học, tùy hệ đào tạo.

Trường ĐH Bách khoa cũng dự kiến mức học phí trung bình 30 triệu đồng/năm đối với sinh viên hệ đại trà (tăng 2,5 triệu đồng so với năm trước) và 80 triệu đồng/năm với sinh viên chương trình chất lượng cao, tiên tiến (tăng 8 triệu đồng).

Trường ĐH Y dược TP.HCM vừa công bố, trường cũng điều chỉnh tăng khoảng 10% học phí so với năm học trước. Tức học phí năm tới sẽ từ 4,18 đến 7,7 triệu đồng/tháng, thay vì 3,7 - 7 triệu đồng/tháng như năm học trước.

Ngày 23.5, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về các nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Tại buổi thảo luận, đại biểu quốc hội Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng hiện nay giải ngân vốn đầu tư công cho các đơn vị sự nghiệp công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị giáo dục. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến học phí của sinh viên và người học càng ngày càng tăng.

Ông Vũ Hải Quân dẫn chứng năm nào ngân sách cấp cho ĐH Quốc gia TP.HCM đầu tư lên đến vài trăm tỉ đồng, có năm cả nghìn tỉ đồng, nhưng cuối cùng phần lớn nguồn vốn này không giải ngân được, phải trả lại do vướng nhiều cơ chế.

“Các trường đại học chỉ dựa vào thu học phí mà không có đầu tư thì không phát triển bền vững”, đại biểu Vũ Hải Quân nhìn nhận và kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ khối ngành giáo dục trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là đầu tư công.

PGS-TS Nguyễn Khắc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Hàng hải Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh các trường đại học thực hiện tự chủ như hiện nay, nguồn thu chính vẫn phải “trông chờ” vào học phí, các nguồn thu còn lại không lớn. Đa số các trường tự chủ, học phí chiếm tới 70 - 80%, thậm chí lên tới 90% nguồn thu hoặc hơn. Khi Nhà nước cắt giảm phần chi thường xuyên, chi đầu tư ít, các trường thực hiện tự chủ theo lộ trình, việc tăng học phí là điều “chắc chắn cần có”.

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Khiêm, nếu không tăng học phí, các trường sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Về cơ sở vật chất, các trường chỉ có thể giữ lại những cơ sở vật chất hiện tại mà không thể đầu tư mới, bổ sung thêm cơ sở vật nhất, trang thiết bị, bởi nguồn thu chỉ đủ trang trải phần lương cho cán bộ giảng viên.

Với đội ngũ thầy cô giáo, nếu mức lương quá thấp, trường đại học sẽ dần không giữ được cán bộ, thầy cô có năng lực ở lại. Đồng thời không tuyển dụng được giảng viên giỏi hay giữ sinh viên giỏi ở lại trường làm giảng viên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm nhà giáo dạy thêm
một giờ trước Theo dòng thời sự
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyên nhân dẫn đến việc tăng học phí đại học