"Về phim Điệp vụ Biển Đỏ, tôi nghĩ có lỗi thì đừng bao biện”-đó là ý kiến của nhà báo Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó tổng Giám đốc Đài TH Việt Nam) nói về việc cho phép bộ phim gây xôn xao trong dư luận hiện nay.
Trong những ngày qua, dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” của Trung Quốc được Cục Điện ảnh duyệt chiếu ở Việt Nam. Phim được Công ty CGV Việt Nam phát hành, sau khi Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cấp phéptừ ngày 16-24.3, nhà phát hành phim tuyên bố ngừng chiếu trên toàn quốc với lý do "phim rất ít người xem".
Ngày 26.3, Cục Điện ảnh phát đi thông cáo khẳng định bộ phim "Điệp vụ Biển Đỏ" không mang ý nghĩa tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, và quyết định dừng chiếu phim hoàn toàn đến từ nhà phát hành.
Theo nội dung thông cáo,36 giây cuối phim có hình ảnh thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực biển Đông và phát hiện ra một vài chiếc tàu từ xa, hình dáng không rõ nét. Loa từ tàu của Trung Quốc phát ra thông điệp rằng: "Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay".Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo" - thông cáo của Bộ VH-TT-DL ghi rõ.
Nhân câu chuyện duyệt phim, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã chia sẻ với PV báo Một Thế Giớicâu chuyện về một vụ “tai nạn nghề nghiệp” trong quá trình duyệt một bộ phim của Trung Quốc (trên VTV) khi ông đang đương chức Phó tổng Giám đốc.
Câu chuyện có nội dung như sau:
Nhân vụ phim Điệp vụ Biển Đỏ, tôi nhớ lại một vụ việc liên quan đến phim Trung Quốc mà tôi phải chịu trách nhiệm. Quy trình khai thác phim nước ngoài ở VTV khi đó như sau:
- Biên tập viên chọn phim đề xuất khai thác, Ban biên tập thấy nội dung không có vấn đề nổi cộm sẽ đồng ý cho dịch.
- Biên tập viên xem phim, dịch lời thoại, trình cấp Ban biên tập duyệt.
- Sau khi cấp Ban duyệt, BTV lồng tiếng phim và băng hình trình Hội đồng nghiệm thu duyệt.
- Hội đồng nghiệm thu xem phim hoàn chỉnh, không có vấn đề gì thì ký duyệt phát sóng, băng chuyển vào kho phát sóng. Nếu thấy có vấn đề đưa lên lãnh đạo Đài quyết định (thường là loại).
Quy trình như thế thì về lý thuyết an toàn. Nhưng thực tế bò vẫn chui lọt lỗ kim.
Một phim Trung Quốc có nội dung là: Một cô gái bị bắt cóc. Công an bằng các biện pháp nghiệp vụ đã tìm được nhóm tội phạm và giải cứu cô gái. Biên tập viên xem qua phim thấy không có vấn đề gì (đơn thuần hình sự) đề nghị cho khai thác. Cấp Ban đồng ý.
Biên tập viên chuyển cho Biên dịch viên dịch. Biên dịch viên không dịch trực tiếp qua băng (vì thế rất khó và lâu) nên nhận văn bản thuyết minh và dịch trên văn bản. Những dòng thuyết minh cuối cùng của phim là công an báo cho người anh trai của cô gái bị bắt cóc biết, người anh trai sung sướng nói cám ơn. Sau đó là hết bản thuyết minh.
Biên tập viên tiếp nhận văn bản, xem, biên tập lại (thực ra vì phim hình sự nên hầu như không cắt gì cả). Sau đó trình cấp Ban duyệt thuyết minh.
Cấp Ban xem, đồng ý. Biên tập viên chuyển lời dịch và băng hình cho người đọc lồng tiếng.
Phim hoàn chỉnh chuyển lên Hội đồng nghiệm thu. Hội đồng xem đến gần như cuối phim thấy toàn hình sự, đấm đá, nên thấy quá an toàn, "ok cho phát sóng".
Phát sóng một hai ngày nhận được một thư của khán giả, là người am hiểu tiếng Trung. Phút cuối phim có đoạn công an báo cho người anh trai của cô gái bị bắt cóc biết, sau đó không có thuyết minh nữa nhưng hoá ra trên màn ảnh còn một cảnh cuối là người anh trai đó là lính hải quân Trung Quốc đứng gác "Coi đảo là quê hương, giữ biển cho Tổ quốc Trung Hoa". Ngờ rằng cảnh quay ngụ ý Biển Đông.
Cảnh cuối này không có thuyết minh nào trong văn bản!
Nhà báo Trần Đăng Tuấn- Ảnh: SH
Sai sót ở chỗ biên tập viên đã không xem hình mà chọn phim theo văn bản thuyết minh. Biên dịch viên dịch trên văn bản. Cấp Ban không đủ thời gian xem băng hình. Hội đồng nghiệm thu xem phim thấy an toàn nên không xem kỹ đến cảnh cuối (duyệt cả ngày, phim rồi phim nối nhau, có người làm nghiệm thu tối dắt xe máy ra cổng Đài đầu óc u mê toàn cảnh phim không dám ngồi lên xe máy đi ra phố).
Một chuỗi sơ hở liên quan đến lỗi quan tâm đến lời, không xem hết hình. Tối hôm đó tôi bị triệu tập lên báo cáo với một lãnh đạo cấp rất cao, UV BCT. Vì tôi phụ trách ban biên tập này (Truyền hình cáp) nên tôi nhận trách nhiệm và sẵn sàng chịu kỷ luật.
Vị UV BCT gật đầu, hỏi: Đã kiểm tra động cơ của người làm trực tiếp chưa. Sai sót hay chủ ý? Tôi đáp là sai sót. Câu hỏi tiếp theo là: "Kỷ luật thế nào?". Tôi đáp chưa kỷ luật. Ông cau mày gay gắt, hỏi: tại sao?
Tôi đành phải nói: Ngay khi biết chuyện, tôi cũng đã tìm Biên tập viên, nói chuyện trực tiếp. Cô ấy nói qua điện thoại, giọng run rẩy hấp tấp: "Chú ơi, cháu biết tội cháu chủ quan không xem hình chỉ xem văn bản. Ban nói sẽ đuổi việc. Cháu thấy cháu bị đuổi là đúng. Nhưng giờ chú đừng bắt cháu báo cáo thêm vì cháu đang trong viện. Cháu vừa đưa con vào cấp cứu".
Tôi gặp Ban biên tập. Đúng là đứa bé 8 tháng bị cấp cứu. Bạn bè đang chạy đến thăm.
Tôi nói với ông UV BCT: Thưa anh, em cam đoan ở đây không có vấn đề động cơ chính trị mà là sai về không làm đúng đòi hỏi nghiệp vụ. Việc kỷ luật em xin nhận. Nhưng kỷ luật BTV thì giờ không thể làm.
10 phút sau tôi ra về. Lên xe ô tô thì bảo vệ gọi. Thấy khoá cửa lách cách mở rồi ông UV BCT chạy vội ra. Tôi mở cửa xe nhưng không kịp bước xuống. Cũng khá kỳ cục là tôi ngồi trên ghế xe, ông đứng dưới. Ông nói: "Nếu phải kỷ luật mày phải chịu, nhưng cấm không được đuổi việc cái đứa có con 8 tháng ấy!".
Có lẽ đó là lần duy nhất lúc đi làm ở VTV tôi thấy nguy cơ bị kỷ luật mà trong lòng lại vẫn có ấm áp.
Quay lại "Điệp vụ Biển Đỏ", tôi nghĩ có lỗi thì đừng bao biện.