Tôi có cảm giác nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn vì biến động tỷ giá tiền đồng và những thông báo kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cuối tuần qua, nên đã cố bán cổ phiếu bằng mọi giá", ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nói.

Nhà đầu tư đang phản ứng thái quá, bán cổ phiếu bằng mọi giá

04/07/2018, 13:43

Tôi có cảm giác nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn vì biến động tỷ giá tiền đồng và những thông báo kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cuối tuần qua, nên đã cố bán cổ phiếu bằng mọi giá", ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nói.

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Ảnh: cafef

Lo lắng đã thành hiện thực

Mới đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 2 phiên giảm rất mạnh. Đặc biệt là trong phiên 3.7, VN-Index đã giảm tới 41,14 điểm, về mức 906,01 điểm. Kết phiên sáng nay 4.7, VN-Index quay đầu giảm 0,3 điểm còn 905,77 điểm; HNX-Index giảm 0,01% còn 98,79 điểm; UPCoM-Index giảm 0,21% còn 49,87 điểm. Bên cạnh đó, dòng tiền đổ vào thị trường vẫn chưa được cải thiện. Thanh khoản trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 72 triệu đơn vị, tương ứng 1.740 tỉ đồng

Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN cho biết, từ cuối năm ngoái đến nay vẫn lo lắng 2 nguy cơ có thể gây tác động kép ảnh hưởng đến thị trường chứngkhoasn Việt Nam là Fed tăng lãi suất điều hành và căng thẳng thương mại quốc tế, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cả hai điều đó đều đã đến trong tháng 6, khi mà ngày 13.6 Fed thông báo tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn lên mức 1,75% - 2% và dự báo có thể tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay.

Sau đó mấy ngày, ngày 25.6, sự căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Âu, giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động đến thị trường chứng khoán gây hiện tượng sụt giảm.

"Tác động kép của hai sự kiện này đã làm rung động cả thị trường tài chính thế giới. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq của Mỹ đã giảm mạnh tương ứng khoảng 1,2% và 2,09% chỉ trong 1 ngày 25.6. Tuy nhiên, chúng ta thấy tác động của sự kiện kép này tới châu Á là lớn hơn rất nhiều. Chỉ số Composite của Shanghai (Thượng Hải) đã giảm 6,4% trong tháng 6 và giảm thêm 2,5 % trong 2 ngày 2.7 và 3.7", ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm giá liên tục trong 14 ngày gần đây, với mức giảm trên 5%. Thị trường Hàn Quốc và các nước ASEAN cũng đồng loạt giảm. Ông Dũng cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các quỹ đầu tư nước ngoài gia tăng rút vốn khỏi một số thị trường Châu Á.

Trong 6 tháng đầu năm các quỹ đã rút vốn khỏi 7 thị trường châu Á (Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philipine) 22,8 tỷ USD. Và tất nhiên, dù được đánh giá là đất nước có kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam cũng không khỏi bị ảnh hưởng của tác động của kinh tế toàn cầu, một số quỹ đã bán bớt cổ phiểu để chốt lời và chuyển bớt vốn về nước.

"Điều đáng nói là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Tôi có cảm giác nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế. Nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn, biến động tỷ giá tiền đồng và những thông báo kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cuối tuần qua, nên đã cố bán cổ phiểu bằng mọi giá", ông Dũng cho hay.

Trong khi nước ngoài bán khá nhiều và giảm giải ngân mới, thì những phản ứng thái quá của nhà đầu tư trong nước cũng gây thêm bất cân đối cung cầu, làm thị trường chứng khoán giảm mạnh trong 2 phiên qua.

Do đó, ông Dũng bày tỏ mong muốn nhà đầu tư trong và ngoài nước có cách nhìn khách quan vào tình hình để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh thị trường hiện nay. Không thể phủ nhận tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới như đã nêu trên, nhưng cần nhìn nhận mắc độ tác động đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.

Phát triển ở trung và dài hạn

Vẫn theo ông Trần Văn Dũng, ở khía cạnh tích cực trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam còn đó nhiều yếu tố nền tảng cơ bản để phát triển. Đó là tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật là GDP tăng 7,08% trong 6 tháng. Ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng cao so với cùng kỳ. Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng quý 3 đạt 6,53%, quý 4 6,36%.

Hiện tại giá của các cổ phiếu trong rổ VN30 đã xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2018, nhiều cổ phiếu blue-chips giảm về mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua. Nếu không tính cổ phiếu Vinhomes (VHM) mới niêm yết trong tháng 5, chỉ số P/E chung của thị trường chỉ có 16,1 lần, đây được cho là mức thấp so với nhiều thị trường chứng khoán các nước và là cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn ổn định. Tính đến ngày 8.5.2018 đã có 667 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 1/2018, trong đó hơn 86% doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài có rút trong những ngày gần đây, nhưng nếu nhìn thừ đầu năm nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội.

Ngoài ra trong tháng 5, vốn FII vào đạt 700 triệu USD và trong tình hình phức tạp của tháng 6 vẫn có lượng vào ròng 34 triệu USD. Nếu tính từ đầu năm, dòng vốn vào ròng vẫn đạt 2,28 tỷ USD là số rất đang kể so với mức 2,92 tỉ USD của cả năm 2017.

Về động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, ông Dũng mong các nhà đầu tư bình tĩnh quan sát để tránh bị tác động thái quá về tâm lý và đánh giá quá mức tác động của thông tin bán ròng đến thị trường chứng khoán.

"Tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, nên không thể có chuyện nhà đầu tư nước ngoài rút hết vốn; trong khi chỉ số tổng giá trị chứng khoán nắm giữ của khối ngoại trên dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức khá an toán", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, nếu quan sát 2 phiên giao dịch gần đây có thể thấy ngày 2.7 khi thị trường giảm, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trên 310 tỉ đồng. Ngày 3.7 thị trường giảm sâu hơn, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 365,8 tỉ đồng, nhưng nếu ngoại trừ phần bán ròng của cổ phiểu VIC thì phần bán ròng ở các cổ phiếu khác ở mức khiêm tốn 142,3 tỉ đồng.

Vẫn tiếp tục xu hướng giảm

Bộ phận Phân tích SSI Research CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research)

VN-Index đã có phiên giao dịch giảm điểm mạnh với cây nến ngày có thân nến dài giảm sốc cắt xuống dải dưới Bollinger Bands. Thanh khoản tiếp tục tăng so với phiên trước đó, cho tín hiệu tích cực. Các chỉ báo phân tích kỹ thuật đã giảm xuống vùng quá bán bắt đầu phát tín hiệu tìm kiếm cơ hội mua vào. Phiên kế tiếp, VN-Index có khả năng sẽ thử thách ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 890, có khả năng chỉ số sẽ hồi lại khi gặp ngưỡng này.

Chứng khoán Rồng Việt (VDS)

Phiên giảm điểm mạnh khiến VN-Index xuyên thủng đáy cũ 916 điểm. Thanh khoản cao cho thấy sự quyết liệt của bên bán. Xu hướng giảm ngắn và trung hạn vẫn đang phát triển. Tuy vậy, VN-Index đã ở rất gần ngưỡng hỗ trợ mạnh xung quanh vùng 890 điểm. Trong kịch bản tích cực, có thể kỳ vọng vào một nhịp phục hồi kỹ thuật xung quanh ngưỡng hỗ trợ này. Các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục giảm sâu đi vào vùng quá bán. Tuy nhiên cả MACD và RSI đều đang tiềm ẩn phân kỳ dương với VN-Index, gợi ý có thể sẽ sớm xảy ra đảo chiều.

Xu hướng giảm của HNX-Index là rất mạnh và dường như không thể ngăn chặn. Các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn đều dễ dàng bị xuyên thủng. Ngay cả ngưỡng tâm lý 100 điểm cũng đã tạm thời bị phá. Ngưỡng 100 điểm cũng tương ứng với mốc Fibonacci Retracement 61,8%. Do vậy có thể HNX-Index sẽ sớm có phục hồi kỹ thuật xung quanh vùng giá hiện tại. Các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục lao dốc, đi sâu vào vùng quá bán, ủng hộ HNX-Index phục hồi kỹ thuật trong ngắn hạn.

Lam Thanh

Bài liên quan
Chứng khoán: Chưa đủ điều kiện để vận hành hệ thống KRX vào ngày 2.5
Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết chưa đủ cơ sở để chấp thuận đề nghị của HoSE đưa hệ thống công nghệ thông tin KRX vận hành chính thức vào ngày 2.5 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà đầu tư đang phản ứng thái quá, bán cổ phiếu bằng mọi giá