Nhà khoa học đồng tính Alan Turing được vinh danh ‘Nhân vật vĩ đại nhất thế kỷ 20’

Chí Thiện | 07/02/2019, 17:17

Icons: The Greatest Person of the 20th Century là chương trình gồm 8 tập của đài BBC (Anh) được phát trực tiếp từ ngày 8.1 đến 5.2 với mục đích tìm kiếm “Nhân vật vĩ đại nhất thế kỷ 20” dựa trên ý kiến của công chúng. Cụ thể, mỗi tập trong 7 tập đầu giới thiệu 4 cá nhân nổi bật nhất ở cùng lĩnh vực đã được lựa chọn từ trước và khán giả sẽ quyết định cái tên nào đi vào vòng cuối.

Kết quả, 7 nhân vật được chọn là Nelson Mandela (lãnh đạo), Ernest Shackleton (nhà khám phá), Alan Turing (nhà khoa học), David Bowie (ngôi sao giải trí), Martin Luther King Jr (nhà hoạt động xã hội), Muhammad Ali (vận động viên) và Pablo Picasso (nghệ sĩ hoặc nhà văn). Không có bất kỳ người phụ nữ nào mặc dù danh sách vòng loại khá đa dạng với Margaret Thatcher, Helen Keller, Virginia Wolf, Marie Curie, Marilyn Monroe, Billie Jean King, Tanni Grey-Thompson…

Cuối cùng, trong đêm bỏ phiếu trực tiếp diễn ra vào ngày 5.2, Alan Turing đã bất ngờ vượt qua 6 người còn lại để sở hữu nhiều phiếu nhất từ khán giả. Theo kịch bản, mỗi nhân vật được giới thiệu bởi một ngôi sao nổi tiếng và ngôi sao nói về Alan Turing là Chris Packham.

Đứng trên sân khấu, Chris Packham giải thích cách Alan Turing đã sử dụng trí thông minh của mình để bẻ khóa mật mã Enigma của phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến giúp rút ngắn cuộc chiến và giảm bớt thương vong. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc Alan Turing bị “kết tội đồng tính” và bức tử là “một vết nhơ không thể tha thứ trong lịch sử con người”.

Chris Packham

“Sau tất cả những cống hiến to lớn và giúp giải quyết mọi rắc rối của chúng ta, thứ mà Alan Turing nhận lại được là một quả táo độc”, Chris Packham nói. "Một thiên tài, một vị cứu tinh, nhưng Alan Turing cũng mắc chứng tự kỷ và là người đồng tính cho nên chúng ta đã phản bội ông ấy và khiến ông ấy tự sát. Thật đáng xấu hổ. Cái chết của Alan Turing là một vết nhơ không thể tha thứ trong lịch sử con người”.

Tượng Alan Turing tại Manchester

Alan Mathison Turing (1912 -1954) được xem là cha đẻ của ngành khoa học máy tính. Trong sự nghiệp đáng nể của mình, phép thử Turing là một trong những cống hiến quan trọng nhất của ông cho ngành trí tuệ nhân tạo. Nó đặt ra câu hỏi liệu máy móc có thể đạt được ý thức và có thể suy nghĩ được hay không. Mặc dù vậy, Alan Turing được biết đến nhiều nhất thông qua việc tìm được cách bẻ mật mã Enigma – ngôn ngữ liên lạc gần như bất bại của phát xít Đức. Theo nhiều sử gia, ông đã giúp rút ngắn ít nhất 2 năm cuộc chiến tranh thế giới lần 2.

Năm 1952, Alan Turing bị kết tội có quan hệ tình dục đồng tính và chấp nhận sử dụng liệu pháp hoóc môn nữ (thiến hóa học) thay vì án tù. Ông mất năm 1954, chỉ 2 tuần trước lần sinh nhật thứ 42 do ngộ độc chất xyanua. Ban đầu, kết luận của phía cảnh sát là tự tử nhưng mẹ của Alan Turing khẳng định cái chết của con trai mình là tai nạn.

Hơn 50 năm sau, vào năm 2009, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã thay mặt chính phủ Anh chính thức xin lỗi về cách đối xử với Alan Turing.

Năm 2015, bộ phim Imitation Game dựa theo cuốn hồi ký Alan Turing: The Enigma của Andrew Hodges kể về cuộc đời cùng những đóng góp của Alan Turing nhận được phản hồi tích cực từ giới phê bình nghệ thuật và thành công lớn tại rạp. Vai Alan Turing do nam tài tử người Anh Benedict Cumberbatch đóng và anh nhận được một đề cử Oscar cho vai này.

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà khoa học đồng tính Alan Turing được vinh danh ‘Nhân vật vĩ đại nhất thế kỷ 20’