Chính phủ đã phải ứng 97 triệu USD (tương đương với hơn 2.200 tỉ đồng) để trả nợ thay cho dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. Câu hỏi đặt ra hiện nay là dự án này đang ảnh hưởng đến nợ công Việt Nam thế nào?
Theo báo cáo đánh giá tình hình nợ công năm 2018 của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây, trong năm 2018, Quỹ Tích lũy trả nợ phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD), nâng tổng trị giá ứng trả lên 82,6 triệu EUR (tương đương khoảng 97 triệu USD).
Báo cáo cho biết, đến hết năm 2018, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ Tích lũy trả nợ.
Trao đổi với báo chí ngày 7.6 về việc dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam ảnh hưởng đến nợ công của Việt Nam thế nào, đại diện Bộ Tài chính cho biết trong thời gian qua, dự án này đã vướng phải khó khăn trong việc trả nợ, vì vậy Chính phủ có trách nhiệm bảo lãnh cho dự án.
"Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Công Thương xử lý và làm thủ tục phá sản, bán đấu giá dự án để thu hồi tài sản. Một phần tiền trong việc bán đấu giá dự án sẽ được đưa vào Quỹ Tích lũy trả nợ. Trên thực tế, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã không trả được nợ ngay từ kỳ đầu tiên và quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng cho dự án vay từ năm 2008 đến nay", đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Theo đại diện Bộ Tài chính, mặc dù quy mô danh mục nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát tốt ở mức 50% GDP (so với mức 52,7% vào năm 2016; 51,7% vào năm 2017), nhưng cùng với ảnh hưởng của việc Việt Nam tốt nghiệp IDA kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.
Cụ thể, rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm (9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2019; 32,7% sẽ đến hạn trong giai đoạn 2019-2021), điều này sẽ tác động đến việc bố trí nguồn trả nợ trong cân đối ngân sách nhà nước.
Đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, trong 5 năm tới các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư.
Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó là rủi ro lãi suất danh mục nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng.
Có thể thấy, tình trạng nợ công của Việt Nam, trong đó bao gồm các khoản bảo lãnh chính phủ, có những lúc ở ngưỡng nguy hiểm là do chi tiêu công kém hiệu quả. Việc Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay cho các dự án đang đặt ra những thách thức cho nợ công Việt Nam ngày càng cao, cụ thể là việc cân đối ngân sách để đầu tư, hay chi trả vào những khoản vay chính đáng hơn
Trong khi đó, Bộ Tài chính dự kiến tính đến cuối năm 2018, nợ công của Việt Nam đang ở mức 3.232.411 tỉ đồng, bằng 58,4% GDP. Trong đó, nợ chính phủ ở mức 2.767.229 tỉ đồng, bằng 50% GDP; nợ được chính phủ bảo lãnh ở mức 437.372 tỉ đồng, bằng 7,9% GDP; nợ chính quyền địa phương khoảng 52.391 tỉ đồng, bằng 0,9% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 2.548.418 tỉ đồng, khoảng 46% GDP.
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư, được khởi công năm 2004, tuy nhiên đến tháng 6.2008 thì dừng thi công do thiếu vốn.
Tháng 6.2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam. Sau khi tiếp nhận, Tổng công ty Giấy đã lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỉ đồng.
Sau đó, Tổng công ty Giấy đưa dây chuyền vào chạy thử. Tuy nhiên khi chạy thử, dây chuyền gặp sự cố, cho nên từ tháng 10.2012 đến nay, dự án dừng hoạt động.
Theo báo cáo, tính đến ngày 31.12.2015, tổng chi phí đầu tư vào dự án là 2.636 tỉ đồng, tính đến cuối năm 2016, tính cả lãi suất phải trả, tổng nợ phải trả lên tới 2.695 tỉ đồng.
Là 1 trong 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã 3 lần tổ chức đấu giá nhưng không thành công. Vướng mắc lớn nhất vẫn là không có nhà đầu tư nào quan tâm tham gia đấu giá, trong khi đó giá đấu giá quá cao càng cản trở quá trình xử lý.
Tuyết Nhung