Quản lý nợ công hiệu quả tại Việt Nam đang đặt ra yêu cầu về giảm thiểu các loại rủi ro, giảm chi phí vay trong điều kiện xây dựng danh mục nợ phù hợp về kỳ hạn và loại hình vay nợ. Trong đó, Trái phiếu chính phủ được xem là công cụ nợ của Chính phủ.

Phát hành trái phiếu chính phủ để tái cơ cấu nợ công Việt Nam như thế nào?

06/06/2019, 19:02

Quản lý nợ công hiệu quả tại Việt Nam đang đặt ra yêu cầu về giảm thiểu các loại rủi ro, giảm chi phí vay trong điều kiện xây dựng danh mục nợ phù hợp về kỳ hạn và loại hình vay nợ. Trong đó, Trái phiếu chính phủ được xem là công cụ nợ của Chính phủ.

Tăng hiệu quả quản lý, sử dụng vốn thông qua kéo dài thời gian vay nợ

Tại các nước trên thế giới, Trái phiếu chính phủ có thể do Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nợ hoặc ngân hàng trung ương tổ chức phát hành. Luật Quản lý nợ công năm 2017 quy định tại Việt Nam, Bộ Tài chính là chủ thể phát hành Trái phiếu chính phủ và Bộ Tài chính ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức phát hành.

Theo thông lệ quốc tế, Trái phiếu chính phủ đóng 2 vai trò cơ bản: Thứ nhất là công cụ nợ để huy động vốn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), trả nợ gốc đến hạn, cơ cấu lại nợ chính phủ. Thứ hai là việc phát hành Trái phiếu chính phủ thường xuyên hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước, tạo lãi suất chuẩn để các công cụ nợ khác trên thị trường tham chiếu.

Nghị quyết số 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020 đặt ra chủ trương “tăng tỷ trọng nợ vay trong nước, giảm dần tỷ trong vay nước ngoài” để giảm rủi ro thị trường, rủi ro tỷ giá đối với nợ vay. Hiện nay, nguồn hỗ trợ chính thức ODA cho Việt Nam đang giảm dần và kết thúc khi Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra khỏi nước kém phát triển từ tháng 7.2017.

Do đó, thời gian qua, tỷ trọng vay trong nước của Chính phủ bằng trái phiếu trong tổng mức vay của NSNN hàng năm tăng liên tục. Khối lượng Trái phiếu chính phủ phát hành tại thị trường trong nước đã đáp ứng nhu cầu vốn vay bù đắp bội chi NSNN, đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia và để trả nợ gốc theo dự toán Quốc hội giao. Điều này phù hợp với chủ trương của Quốc hội trong thực hiện tái cơ cấu NSNN và nợ công.

Bộ Tài chính cho biết phần lớn các công trình trọng điểm quốc gia yêu cầu vốn đầu tư dài hạn, phù hợp với thời gian đầu tư và thu hồi vốn. Trước đây, Trái phiếu chính phủ do KBNN phát hành thường có kỳ hạn ngắn. Từ năm 2014 trở về trước, với kỳ hạn vay hàng năm bình quân khoảng 2-3 năm, NSNN thường xuyên phải vay đảo nợ để trả các khoản vay trước đó dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư không cao.

Từ năm 2015, thực hiện chủ trương của Quốc hội về phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, KBNN chủ yếu phát hành loại trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Điều này giúp cải thiện kỳ hạn của cả danh mục trái phiếu, tăng hiệu quả sử dụng vốn đồng thời giảm áp lực trả nợ đối với NSNN.

Nếu như năm 2012, thời hạn sử dụng vốn Trái phiếu chính phủ bình quân ở mức 3 năm, trong đó hơn 20% khối lượng phải hoàn trả ngay năm sau (do chủ yếu là tín phiếu Kho bạc) thì đến nay, thời hạn bình quân của Trái phiếu chính phủ phát hành tăng lên khoảng 12-13 năm, nâng kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục nợTrái phiếu chính phủ lên mức trên 7 năm, không còn áp lực trong việc NSNN phải hoàn trả vốn ngay trong các năm kế tiếp.

Tiết kiệm chi phí vay nợ

Thời gian qua, trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô được Chính phủ điều hành ổn định, mặt bằng lãi suất thị trường được cải thiện theo hướng giảm dần, KBNN bám sát thị trường và điều hành linh hoạt công tác huy động vốn. Nhờ đó, lãi suất phát hành Trái phiếu chính phủ giảm mạnh từ mức 12%/năm (năm 2011) xuống mức 6,54%/năm (năm 2014) và tiếp tục giảm dần xuống mức 5,98%/năm (năm 2017) và 4,71%/năm (năm 2018), góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả công tác quản lý nợ công.

Kết quả phát hành Trái phiếu chính phủ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường tài chính, tiền tệ trong, ngoài nước và nhu cầu của các nhà đầu tư. Thị trường Trái phiếu chính phủ cần duy trì hoạt động thường xuyên, không phải chỉ hoạt động khi NSNN cần vốn.

KBNN không thể tập trung huy động một khối lượng Trái phiếu chính phủ lớn thời điểm cuối năm khi thanh khoản của các nhà đầu tư Trái phiếu chính phủ căng thẳng. Điều này một mặt dẫn đến khả năng không huy động được, mặt khác tăng chi phí huy động (khoảng 1-2%/năm so với đầu năm), đồng thời NSNN phải trả chi phí vay cao trong thời gian dài suốt vòng đời trái phiếu (ví dụ hiện nay khoảng 12-13 năm).

Bộ Tài chính lấy ví dụ, năm 2017, KBNN huy động 244.220 tỉ đồng Trái phiếu chính phủ kỳ hạn bình quân 12,74 năm, lãi suất bình quân 5,98%/năm. Nếu cùng khối lượng vay năm 2017 nhưng với lãi suất vay bình quân năm 2016 là 6,49%/năm thì trong 13 năm sắp tới, mỗi năm NSNN tiết kiệm chi trả lãi 1.245,5 tỉ đồng. Nếu cùng khối lượng vay năm 2017 nhưng với lãi suất vay bình quân năm 2011 là 12%/năm thì trong 13 năm sắp tới, mỗi năm NSNN tiết kiệm chi trả lãi 14.702 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, việc phát hành Trái phiếu chính phủ trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc cơ cấu lại nợ công. Tuy nhiên, để tiếp tục tái cơ cấu nợ và xây dựng thị trường Trái phiếu chính phủ trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả cho NSNN cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng quy mô và chất lượng thị trường trái phiếu theo hướng công khai, minh bạch phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính dự kiến các chỉ tiêu nợ của Việt Nam đến cuối năm 2018 như sau: Nợ công ở mức 3.232.411 tỉ đồng, bằng 58,4% GDP. Trong đó, nợ chính phủ ở mức 2.767.229 tỉ đồng, bằng 50% GDP; nợ được chính phủ bảo lãnh ở mức 437.372 tỉ đồng, bằng 7,9% GDP; nợ chính quyền địa phương khoảng 52.391 tỉ đồng, bằng 0,9% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 2.548.418 tỉ đồng, khoảng 46% GDP.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hành trái phiếu chính phủ để tái cơ cấu nợ công Việt Nam như thế nào?