Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có mặt và phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2018, các thành viên Nhà Trắng đã có mặt và lên tiếng bảo vệ chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống.
Trưa 25.1, ông Trump đã đến Zurich rồi đi tiếp đến Davos (Thụy Sĩ).Ông sẽ có bài phát biểu vào ngày26.1, ngày cuối của WEF 2018. Ông là Tổng thống Mỹ kế tiếpdự diễn đàn WEF, kể từ sau ông Bill Clinton năm 2000.
Khác với những lãnh đạo ủng hộ toàn cầu hóa, Tổng thống D.Trump là người chủ trương chính sách bảo hộ “Nước Mỹ trên hết”. Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại khi ông phát biểu về chính sách này tại WEF 2018.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin: “Nước Mỹ trên hết" nghĩa là hợp tác với phần còn lại của thế giới, Tổng thống hoàn toàn ủng hộ thương mại tự do và công bằng”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Wilbur Ross cũng cho biết: “Tôi không nghĩ điều đó (chính sách “Nước Mỹ trên hết”) tuân thủ theo các quy tắc của chủ nghĩa bảo hộ. Trên thực tế, chúng tôi nghĩ rằng nó cần thiết để giúp thị trường vận hành đúng, để mọi người tuân thủ luật lệ”.
Ông Gary Cohn, Trưởng ban Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ, nói:"Nước Mỹ trên hết” không có nghĩa nước Mỹ đứng một mình. Chúng tôi là một phần của nền kinh tế thế giới. Ông ấy (Trump) đến để đảm bảo với các lãnh đạo thế giới rằng chúng ta đều tôn trọng lẫn nhau. Và chúng ta cùng phát triển trong một thế giới không có rào cản nhân tạo, chúng ta sẽ phát triển và cùng giúp nhau phát triển”.
Sự xuất hiện tại WEF của Tổng thống Mỹ diễn ra sau khi chính quyền nước này ban hành một đạo luật cải cách thuế, qua đó giúp doanh nghiệp Mỹ được cắt giảm nhiều khoản thuế. Không những vậy, mức thuế mới cho mặt hàng pin năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩu cũng đã được áp dụng. Đây bị xem là những biện pháp bảo hộ thương mại.
Bình luận về vấn đề này, Bộ trưởng Mnuchin cho biết việc giảm thuế chỉ nhằm giúp doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh một cách công bằng hơn, còn mức thuế mới đặt ra là để đáp trả “hành vi không đúng mực” của một số đối tác thương mại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ross cũng khẳng định những động thái trên không phải chính sách bảo hộ và Mỹ không có ý định châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại.
Ông Sebastian Gorka, cựu cố vấn Nhà Trắng, cũng cho rằng Tổng thống Trump cần bảo vệ quyết định áp mức thuế cao vừa đưa ra, vì nó là hành động cần thiết để đối phó với những đối tác, như Trung Quốc, lợi dụng hệ thống thương mại bất công để trục lợi.
Tuy bị giới lãnh đạo châu Âu chỉ trích, nhưng những động thái của chính quyền Mỹ đem lại sự lạc quan về kinh tế toàn cầu trong giới doanh nhân. Trong tuần qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng tốc nhanh nhất trong 7 năm qua vì chính sách cắt giảm thuế của Mỹ đã làm đầu tư tăng cao.
Cũng trong tuần này, các tập đoàn Verizon Communications Inc., Starbucks Corp., the Walt Disney Co. và JPMorgan Chase & Co tuyên bố thưởng tiền và tăng lương cho nhân viên, đồng thời đề ra kế hoạch mở rộng kinh doanh.
Theo ông Nile Gardiner, nhà phân tích của tổ chức The Heritage Foundation: “Dù Tổng thống Trump không phải là nhân vật lớn được ưa thích, nhưng ông đang ngày càng được tôn trọng khi giữ đúng lời hứa và có thành tích kinh tế ấn tượng. Diễn đàn Davos tập trung vào kinh tế. Tổng thống D.Trump đã thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển. Hầu hết những doanh nghiệp tham dự WEF đều sẽ hưởng lợi từ Tổng thống”.
Cẩm Bình (theo Newsweek, The Washington Times)