Nhà văn Lưu Sơn Minh sẽ có một buổi giao lưu, gặp gỡ bạn đọc vào lúc 9 giờ sáng ngày 15.6 tại Nhà sách Cá Chép (115 Nguyễn Thái Học – Ba Đình – Hà Nội) nhân dịp cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản” của anh vừa ra mắt độc giả. Anh đã dành cho báo Điện tử Một Thế Giới một cuộc trao đổi.

Nhà văn Lưu Sơn Minh: 'Đừng quá giáo điều về lịch sử'

15/06/2017, 09:14

Nhà văn Lưu Sơn Minh sẽ có một buổi giao lưu, gặp gỡ bạn đọc vào lúc 9 giờ sáng ngày 15.6 tại Nhà sách Cá Chép (115 Nguyễn Thái Học – Ba Đình – Hà Nội) nhân dịp cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản” của anh vừa ra mắt độc giả. Anh đã dành cho báo Điện tử Một Thế Giới một cuộc trao đổi.

Nhà văn viết truyện Lịch sử Lưu Sơn Minh -Ảnh: NVCC

Lưu Sơn Minh được biết đến như một nhà văn thành công rất sớm với những truyện ngắn nổi tiếng mang tính huyền thoại, huyền ảo. Đó là dòng văn học phi tuyến tính, tách bỏ thực tại, bay trên thời gian và lịch sử mà rất ít cây bút Việt Nam theo đuổi vì mức độ khó của nó. Từ giải thưởng uy tín "Truyện ngắn hay" của tạp chí Văn nghệ Quân đội cho truyện "Bến trần gian", gần 30 năm qua nhà văn đã bền bỉ đi theo con đường "độc đạo", nhiều thử thách rất riêng này. Những truyện như "Mưa sâm cầm". "Duyên nghiệp", "Nước mắt trúc"...; các tiểu thuyết "Trần Khánh Dư" và bây giờ là "Trần Quốc Toản" (bản lần đầu công bố 2005) đã khẳng định tài năng và tên tuổi anh trong giới viết truyện Lịch sử. Trao đổi giữa nhà văn và báo điện tử Một Thế Giới, anh cho biết đã phải cần mẫn,"giở ra, viết lại" lại tiểu thuyết "Trần Quốc Toản" thêm nhiều chương, phụ lục với nhiều tình tiết, tư liệu cũng như sự ăn ý, tâm huyết. Để "tái cấu trúc" một tác phẩm đã từng công bố 2 lần trước đó do nhà xuất bản Kim Đồng và Văn Học ấn hành là điều làm bỡ ngỡ nhiều người. Nhất là tâm lý của nhiều cây bút "viết một lần cho xong". Phải chăng đề tài lịch sử và hào khí Đông A với Lưu Sơn Minh là nỗi ham muốn và điều ám ảnh?

Bìa tiểu thuyết "Trần Quốc Toản" phiên bản mới do hoạ sĩ trẻ Thành Phong thực hiện.

*Xin lỗi nhà văn. Tôi muốn bắt đầu bằng câu hỏi tại sao anh vẫn đeo đuổi đề tài lịch sử vào chính giữa lúc tâm lý nhiều người đọc muốn quên... Lịch sử? Còn các bạn trẻ thì bị chi phối bởi quá nhiều đề tài hấp dẫn, hiện đại khác?

Nhà văn Lưu Sơn Minh: Cách học sử kiểu thống kê và rút ra bài học kiểu rập khuôn,khô cứng đã dẫn đến tình trạng đó. Trong vài cuộc nói chuyện với các bạn đọc trẻ, khi hướng các bạn vào một cách tiếp cận khác với lịch sử, tôi thấy rõ họ vẫn quan tâm đến truyền thống đất nước. Chỉ có điều, họ không biết bắt đầu từ đâu?

Nhà văn ký tặng sách cho độc giả trong một buổi giao lưu

*Những ai đã từng đọc văn Lưu Sơn Minh mới thấy sự viết quyết liệt, sống chết của anh. Như tiểu thuyết "Trần Quốc Toản" tái bản lần này sau mưới mấy năm vẫn tiếp tục được lật trở, sửa chữa, bổ sung thêm rất nhiều. Sao anh thích tự làm khó mình đến như vậy?

- Tôi luôn tự đòi hỏi một thái độ trân trọng và hết sức trách nhiệm với những nhân vật đã đi vào lịch sử. Khi viết tiểu thuyết "Trần Quốc Toản" lần đầu, tôi xác định là viết cho thiếu nhi và cố tình giấu đi những khuất khúc của cuộc đời. Giờ thì khác. Tôi nghĩ lại và cho là lúc đó mình cũng hơi cứng nhắc.

Tôi quyết định viết thêm, để độc giả trưởng thành và cả các bạn nhỏ được tiếp cận thêm với những mơ hồ ẩn giấu trong quá khứ. Tôi tin rằng, "làm khó mình " như thế mới là có trách nhiệm với nhân vật và với độc giả.

"Trần Khánh Dư" là hiện tượng văn chương đề tài viết về Lịch sử được bạn đọc quan tâm năm 2016.

*Hình như anh chỉ tâm niệm dành ngòi bút của mình để viết về thời đại Nhà Trần. Xin hỏi đây là một cơ duyên hay sự chọn lựa?

-Những dẫn dắt của mạch cảm hứng về nhà Trần vẫn đang mở tung và kéo tôi đi. Chưa hết nhịp này lại tới nhịp sau. Vì thế, tôi vẫn sẽ thả mình theo dòng chảy đó. Có lẽ, duyên nghiệp ấy, đã chờ sẵn tôi từ ngày tôi đọc bộ ba truyện lịch sử của nhà văn Hà Ân hồi 7-8 tuổi.

Nhà văn giao lưu cùng bạn đọc

*Với lịch sử, có quan niệm cho rằng các bạn trẻ hôm nay đang "mất gốc". Là nhà văn chọn lựa đề tài "chính mạch" này liệu anh có bi quan? Thông điệp anh vẫn tâm niệm và bền bỉ gửi gắm qua những trang văn?

Tôi muốn thông qua những cuốn sách của mình, kể lại với bạn đọc trẻ về lịch sử của Tổ quốc theo một cách gần gũi hơn, thân thương hơn. Tôi tin là các bạn trẻ chỉ không muốn nhớ những bài học giáo điều về lịch sử chứ họ không hề "mất gốc" như nhiều người vẫn kêu ca...

*Cám ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc anh thành công với buổi giao lưu tác phẩm mới cùng độc giả yêu văn chương viết về đề tài lịch sử hôm nay.

Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà văn Lưu Sơn Minh: 'Đừng quá giáo điều về lịch sử'