Nhắc đến nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là nói đến một con người tài hoa, một gã lãng tử với nhiêu “kiệt tác” được xem là bất hủ của âm nhạc Việt Nam. Gã lãng tử một thời đi tới đâu là lưu dấu mảnh đất đó vào nhạc, làm nó sống mãi với thời gian. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Lãng tử cô đơn tuổi 90

Một Thế Giới | 22/03/2015, 13:00

Nhắc đến nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là nói đến một con người tài hoa, một gã lãng tử với nhiêu “kiệt tác” được xem là bất hủ của âm nhạc Việt Nam. Gã lãng tử một thời đi tới đâu là lưu dấu mảnh đất đó vào nhạc, làm nó sống mãi với thời gian. 

Thế nhưng, đến nay, trong căn nhà nhỏ bé trên đường Trần Khát Chân, Q.1, TP.HCM, với cái tuổi ngoài 90, gã lãng tử ấy đang sống phần còn lại của cuộc đời trong cô đơn.

Tuổi trẻ tài hoa

Có lẽ có chút tình Nghệ An với nhau nên khi nhắc đến nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là chúng tôi lại thấy có gì đó thật gần gũi. Tuy ông sinh ra ở Nghệ An nhưng cha ông thì không phải người Nghệ mà ở Vĩnh Phúc. Trong sự nghiệp âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý chịu ảnh hưởng của người cha rất nhiều. Cha ông được vínhư là một “ông trùm” phường bát âm, thạo cả hát văn và ả đào.

Tuy nhiên, do cuộc sống đưa đẩy, buộc ông vào Nghệ An làm thợ máy tại nhà may xe lửa ở Trường Thi, Nghệ An. Theo cha vào xứ Nghệ, Nguyễn Văn Tý học xuất sắc và đậu vào trường Quốc học Vinh. Trong môi trường này, nhạc sỹ đã có dịp được tiếp cận các bản nhạc mang âm hưởng phương Tây thông qua các giáo viên người Pháp lúc bấy giờ.

Bên cạnh đó, ông còn được một thầy dạy nhạc người Hoa dạy chơi đàn guitar. Có năng khiếu, được thụ hưởng một truyền thống âm nhạc từ gia đình, lại có cơ may được gặp nhiều thầy giỏi nên Nguyễn Văn Tý như mạch nước được khơi thông tuôn chảy mãnh liệt. Sau khi tham gia phong trào Việt Minh, ông sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng đoàn Văn công của Sư đoàn 304. Đến 1951, ông giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý năm nay đã bước sang tuổi 92, hiện đang sống cùng cô Lệ Thương (59 tuổi, là cháu gọi nhạc sỹ bằng dượng - PV) trong một căn nhà nhỏ nằm trên đường Trần Khát Chân, Q.1. Dù sức khỏe của nhạc sỹ bây giờ đã yếu, đôi chân không thể tự đi lại nhưng ông vẫn minh mẫn, tỉnh táo trong suốt buổi trò chuyện.

Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, dù sống trong hiu quạnh với một người cháu gái giúp việc, nhưng ông cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Ông cho biết, có đại diện của ngành văn hóa, người hâm mộ thương cho hoàn cảnh già, bệnh tật của ông... cũng đến thăm, chúc tết. Trong căn nhà nhỏ ấy, gã lãng tử một thời đi khắp từ Bắc vào Nam giờ đây đang sống những ngày cuối đời trong hiu quạnh.

Nơi nào có bước chân ông là nơi đó đi vào nhạc

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý kể, ông đi rất nhiều, rong ruổi từ Bắc vào Nam và dường như nơi nào có bàn chân gã lãng tử ấy đặt tới, nơi đó sẽ đi vào bản nhạc và sống mãi với thời gian. Hàng loạt ca khúc bất hủ của ông như: Dư âm, Mẹ yêu con, Dáng đứng Bến Tre, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ... đã làm mê đắm công chúng nhiều thế hệ.

Trong suốt những năm tháng tiếp theo, bước chân ông rong ruổi và hòa mình vào đời sống cần lao của người nông dân quê lúa Hung Yên, Thái Bình, vùng đất mến yêu này đã cho ra đời những nhạc phẩm như Chim hót trên đồng đay (1963), Dòng nước quê hương (1963), Tiễn anh lên đường (1964), Bài ca năm tấn (1967). Tuy nhiên, với ông, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa vẫn là một kỷ niệm khó quên.

Ông kể, năm 1973, trong đợt đến thăm Hà Bắc, ông gặp một bà mẹ đang ngồi vá áo cho các chiến sỹ. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, bé như đốm sáng đom đóm, bà mẹ già nheo đôi mắt, bàn tay chai sần vá vội manh áo rách cho bộ đội kịp giờ hành quân. Ngồi lặng lẽ nhìn bà mẹ từ phía sau lưng, nhạc sỹ cứ ngỡ như dáng mẹ mình đang cặm cụi vá áo cho con. Tay ông run rẩy viết nên những khúc nhạc chứa chan tình cảm của một người con nhớ mẹ: “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/ Quần nhau với giặc, áo con rách thêm/Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo/Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hon cơm gạo/Đời mẹ nghèo trong áo rách, áo rách nên thương...”. Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa trở thành bài ca của lòng biết ơn vô hạn, thương tấm lòng bao la chở che cho bộ đội một thời lửa địch, bom thù của các bà, các mẹ.

Không chỉ những nhạc phẩm viết về miền Bắc mới làm nên tên tuổi của nhạc sỹ, viết về phương Nam, những nhạc phẩm của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý vẫn làm đắm lòng những người con của mảnh đất chín rồng. Nhạc phẩm Dáng đứng Bến Tre (1981) của ông là minh chứng. “Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió/Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre (Con gái của Bến Tre)/Năm xưa đi trong đạn lửa đi như nước lũ tràn về...”. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý chia sẻ: “Để sáng tác được những ca khúc mang âm hưởng dân ca, tôi đã phải bỏ công để học những làn điệu dân ca của từng địa phương. Bởi dân ca là cốt lõi, là tinh túy nên dễ đi vào lòng người. Truớc đó, năm 1974, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sáng tác Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. Ca khúc được công chúng và đặc biệt là những người con Hà Tĩnh mến mộ đến nỗi nó được xem như “tỉnh ca”. Bài hát được NSND Thu Hiền, NSƯT Anh Thơ và nhiều ca sỹ tên tuổi khác thể hiện rất thành công.

Hai năm sau, nhạc phẩm Người đi xây hồ Kẻ Gỗ ra đời theo một “đơn đặt hàng” đặc biệt. Ca khúc ca ngợi về sự lao động, dạt dào tình cảm, đẹp mộng mơ. Bài hát mang âm hưởng dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh vừa thiết tha, tình cảm gắn bó với quê hương vừa hừng hực khí thế lao động hăng say của người đi xây hồ, đắp đập.

Góc khuất chuyện nghề

Nói về sự ra đời của ca khúc này, nhạc sỹ cho biết: “Đích thân Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh thời ấy đến tận nhà đón vào đến nơi, họ bố trí tôi ở khách sạn để nghỉ ngơi. Biết việc này, tôi dứt khoát từ chối, đề nghị đến ở với anh em trên công trường. Tới nơi, mọi người lót bao tải mấy lớp làm nệm cho tôi nằm. Chính vì thế mà bài hát mới tải hết được nhũng vất vả, cực nhọc nhưng tràn đầy hứng khởi của Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”.

Năm 2006, trong đợt vận động sáng tác về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), nhà thơ - luật sư Bùi Mạnh Hảo đã đem bài thơ Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã ba Đồng Lộc đến nhờ nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý phổ nhạc. Nói về nhạc phẩm này, ông cho biết: “Lúc đó tôi cũng đã yếu. Bác sỹ khuyên tôi không nên sáng tác vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Nhung tôi nói, hình tượng mười o(cô) tuổi chưa đầy đôi mươi mãi nằm lại vì bom đạn chiến tranh khiến tôi không thể ngừng sáng tác. Vì mấy o, lỡ tôi có chết cũng xứng đáng”. Và đó cũng là ca khúc cuối cùng dành cho Hà Tĩnh, kết thúc sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của người nhạc sỹ tài hoa.

Nguyễn Văn Tý là một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, ông sáng tác nhiều nhưng giữ lại ít. Ông tâm sự rằng, nếu viết ra mà người nghe không nhớ, không khen hay thì giữ lại làm gì? Là người cầu kỳ, cẩn thận với những sáng tác của mình, mỗi tác phẩm, ông đều xem như những đứa con đẻ và bỏ công sức lao động miệt mài. Chính vì thế, ông nhận mình chỉ sáng tác được chừng khoảng 100 ca khúc mà thôi.

Chí Thanh / Đời sống & Pháp luật
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
một giờ trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Lãng tử cô đơn tuổi 90