"Không phải anh chỉ chờ Ánh có buổi chiều mà thôi mà đã chờ suốt gần 4 tháng hè ở đây. Như thế mà chỉ cần một buổi Ánh sang không gặp anh là Ánh đã giận anh rồi. Anh rất buồn bởi vì ngày cuối anh đi, Ánh không có mặt để hàn huyên một lần nữa rồi vắng nhau đến bao nhiêu là tháng", trích lá thư Trịnh Công Sơn viết cho bà Dao Ánh ngày 19.9.1965.
Kể từ ngày gặp cho đến tận cuối cuộc đời, trong 37 năm, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết hơn 300 lá thư cho bà Dao Ánh, nhiều nhất là khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1967.
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời (1.4.2001 - 1.4.2011) bà Dao Ánh đã gửi lại cho gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn những bức thư tình mà ông đã gửi cho bà trong 37 năm.
Và hơn 300 bức thư tình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh đã được xuất bản vào năm 2011 trong tập sách Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một người.
Bìa quyển "Thư tình gửi một người"
Năm 2017, kỷ niệm 16 năm ngày mất của ông, đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một ngườiđược thực hiện tại thành phố Đà Lạt đã thu hút hơn 30 ngàn khán giả đến xem.
Người tình một thời của nhạc sĩ - bà Dao Ánh không thể trở về Việt Nam để tham dự chương trình đã gửi hình của bà cho gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - “ảnh thay mặt người...” như trong thư bà viết.
Khi những bức ảnh thời trẻ được công bố cùng những chia sẻ của bà Dao Ánh, như một lần nữa tinh thần, nhân sinh quan đời sống sâu sắc trong âm nhạc của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn càng được thấu hiểu và trân trọng.
“Tựa sách là Thư tình gửi một ngườinhưng có lẽ những lá thư này không chỉ bày tỏ yêu thương vô hạn dành cho một người con gái mà còn là biểu tượng vĩnh hằng của tình yêu. Mặt khác, những dòng thư gửi Ánh - Hướng Dương còn giúp giải mã rất nhiều ca từ và ca khúc của Trịnh Công Sơn, những bài hát đến hôm nay vẫn sống mãi trong lòng người yêu âm nhạc của anh - như những lá thư trong tập sách này vẫn sống mãi sau bao dâu bể cuộc đời”, lời của bà Trịnh Vĩnh Trinh viết trong tập sách được xuất bản chính thức.
Lá thư đầu tiên cố nhạc sĩ viết cho Dao Ánh vào ngày 2.9.1964. Đến lá thư cuối cùng qua e-mail vào ngày 17.1.2001, trước khi ông mất chưa đầy 3 tháng. Khi đó, ông đang nằm trên giường bệnh, không còn khả năng cầm viết, nhưng vẫn nhớ tới Dao Ánh nên nhờ bạn đánh máy và gửi hộ.
Chúng tôi xin trích đăng một trong số những bức thư mà nhạc sĩ tài hoa đã gửi cho bà Dao Ánh.
Lá thư đầu tiên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết khi ông đến Blao, lá thư khá dài. Xin trích đăng những dòng chữ mang tâm trạng, nỗi niềm của nhạc sĩ khi đến vùng đất mới, nhiều hoang vu và trăn trở.
Blao, 2.9.1964
Dao Ánh thân mến,
Cơn mưa kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng.
Bây giờ đồi núi BLao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Miền cao nguyên này lạnh suốt ngày.
Ánh ơi,
Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa Hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời. Hình như trời vừa qua một cơn bão lụt nên con đường có vẻ xơ xác. Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu nâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây.
***
Bây giờ tháng 9. Anh gửi về cho Ánh sương mù và mây tháng 9 ở đây. Không có quà gì đẹp và buồn hơn nữa cho Ánh.
Anh cầu mong Ánh vui hoài và bình an vô cùng ở đó.
Anh không biết phải gửi về cho Ánh ở đâu nên gửi nhờ Thúy đem qua hộ. Đừng phiền. Mong tin Ánh và J’irai pleurer sous la pluie (Ca khúc Mỹ, nguyên tác Crying in the rain (Khóc trong mưa)).
Trịnh Công Sơn
Sài Gòn 6.12.1964
...Anh hát lại bản Mưa hồng mà anh đã viết cho những ngày tháng Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn.
Có lẽ Ánh chưa nghe bản ấy vì từ dạo đó về sau anh chỉ gặp Ánh một hai lần gì đó rất ngắn và bặt tăm luôn. Có lẽ anh sẽ đổi lại đầu đề Tuổi đá buồn. Ánh nghĩ sao?
Ánh có giận gì anh mà lâu thế anh không được tin. Hãy viết thư cho anh dù rất ngắn cũng được. Anh mong lắm.
***
Ánh ơi
Anh đang nhớ và mong tin Ánh. Có lẽ giờ này Bạch Yến cũng đang hát Lời buồn thánh cho đêm chủ nhật. Anh nhác quá nên không ra phố giờ này. Có lẽ phố cũng vui vì đã trưng bày đồ Noel rồi.
Anh xin đi ngủ. Giấc ngủ sẽ xóa bớt những buồn phiền đi.
Anh mong thế.
Ánh ơi Ánh ơi.
Chiều 19.9.1965
Dao Ánh
Anh đã ngồi suốt buổi chiều chủ nhật ở nhà để đợi Ánh. Bạn bè rủ anh qua phố lần cuối nhưng anh cũng từ chối để chờ Ánh. Không phải anh chỉ chờ Ánh có buổi chiều mà thôi mà đã chờ suốt gần 4 tháng hè ở đây. Như thế mà chỉ cần một buổi Ánh sang không gặp anh là Ánh đã giận anh rồi. Anh rất buồn bởi vì ngày cuối anh đi, Ánh không có mặt để hàn huyên một lần nữa rồi vắng nhau đến bao nhiêu là tháng.
Anh không hiểu Ánh đã nghĩ gì để có thể bỏ bê anh đến thế.
Sao Ánh không nghĩ rằng chúng mình cần bao dung cho nhau để đỡ phải bỏ những buổi ngồi mong ngóng đến sa sút cả đời.
Anh đã nhớ Ánh trong từng ngày mùa hạ mùa thu ở đây như vẫn còn xa cách. Ánh đã tạo nên khoảng cách đó.
Bây giờ anh chỉ biết tập làm người chẳng hề giận hờn. Xem giận hờn như một ân huệ trời dành riêng cho Ánh.
Trong hai người phải có một kẻ biết nhịn nhục và kẻ đó bao giờ cũng là anh, anh biết thế.
Mùa đông sắp về rồi đó. Những ngày rét mướt, Ánh đi học nhớ mặc áo ấm và choàng khăn ở cổ cho kỹ kẻo lại bị đau.
Anh sẽ nằm yên với ngày tháng sương mù ở cao nguyên.
Mùa hạ này anh buồn nhiều hơn vui. Bảy mươi trang nhật ký nửa tháng 9 mùa thu anh mong là chẳng bao giờ đưa Ánh đọc.
Anh chưa bao giờ nghĩ rằng Ánh có thể độc ác với anh đến thế. 110 ngày nằm ở đây thật quá thê thảm. Ánh chỉ hiện lên có 15 lần chập chờn rồi mất hút như vẻ huyền hoặc của những ngọn lửa trời.
Ánh ơi - đêm có mưa rơi nhỏ rất buồn.
Ánh đã ngủ từ bao giờ. 2 giờ khuya rồi đó.
Anh sắp xa những ngón tay yêu thương đó, những ngón tay phù du của đời mình.
Làm sao để Ánh hiểu hết những tha thiết thầm kín trong anh.
Trịnh Công Sơn
Băng Châu