Một cấp tòa Kazakhstan vừa cho phép công dân Trung Quốc, bà Sayragul Sauytbay, được tị nạn sau khi bà làm nhân chứng về những ‘trại cải tạo” bí mật của chính quyền Trung Quốc ở khu tự trị Tân Cương.
Bà Sauytbay là một người Kazakhstan thiểu số ở Tân Cương, có nguy cơ bị trục xuất về Trung Quốc, sau khi bà bị buộc tội vượt biên giới trái phép vào Kazakhstan.
Tại tòa, bà Sauytbay giải thích bà phải bỏ trốn, vì bị chính quyền tự trị Tân Cương ép bà giảng lịch sử Trung Quốc cho các tù phạm tại một “trại cải tạo” mà bà nói “đúng ra phải gọi là nhà tù trên vùng sơn cước” Tân Cương.
Luật sư của bà Sauytbay nói nếu thân chủ bị trục xuất về Trung Quốcthì bà có thể bị bỏ tù và có thể bị tra tấn.
Ngày 1.8, một cấp tòa Kazakhstan tuyên án 6 tháng tù treo đối với bà Sauytbayvà ra lệnh bà phải trình diện cảnh sát nước này cứ 6 tháng/lần. Người ủng hộ bà trong phòng xét xử vỗ tay hoan hô phán quyết. Sau khi được thả tự do, bà Sauytbay nói với đám đông trong khuôn viên tòa án: “Khi tôi đến Kazakhstan, tôi cứ ngỡ không phải là chuyện thật. Tôi có đồng bào, tổ quốc có thể đứng lên vì tôi”.
Nhà hoạt động xã hội Serikzhan Bilash đã tích cực vận động để bà Sauytbay được tự do, nói: “Tôi nghĩ đó là một phán quyết tốt, lần đầu tiên được tuyên ở Kazakhstan. Tối nay chúng tôi sẽ ăn mừng”.
Hồi tháng 7, khi làm nhân chứng trước tòa, bà Sauytbay đã nói về một “trại cải tạo” ở Tân Cương, nơi bà làm giáo viên môn sử. Bà nói trong “trại” giam khoảng 2.500 người Kazakhstan.
Theo vidéo thu hìnhbà Sauytbay khai trước tòa, bà nói: “Ở Trung Quốc, họ gọi là “trại cải tạo để tẩy não tư tưởng cực đoan”, nhưng thực chất là một nhà tù trên vùng núi. Tại phiên tòa mở này, việc tôi nói đến trại tù có nghĩa tôi đã tiết lộ bí mật quốc gia”.
Các nhà nghiên cứu nói có hàng chục ngàn (hoặc hàng trăm ngàn) người bị nhốt ở các “trại cải tạo”. Trung Quốc bác bỏ rằng không có những trại này, nhưng giới truyền thông nhà nước Trung Quốc lại ca ngợi việc sử dụng mô hình này ở Tân Cương để “cải tạo tư tưởng cực đoan”, theo Guardian.
Việc thả tự do cho bà Sauytbay khiến chính quyền Kazakhstan lâm thế khó xử vì giáp Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Kazakhstan.
Tuy nhiên, người dân Kazakhstan ngày càng phẫn nộvì chuyện nhiều người gốc Kazakhstan bị giam nhốt ở Tân Cương. Các nhà hoạt động xã hội ở nước này nói nhiều gia đình đang tìm kiếm người thân bị mất tích ở bên kia biên giới, tức Trung Quốc.
Theo Guardian, Kazakhstan từng trục xuất người Duy Ngô Nhĩ trở về Tân Cương, nơi mà chính quyền Trung Quốc mở chiến dịch cứng rắn chống khủng bố và ngăn chặn các phong trào ly khai.
Tân Cương ở phía tây Trung Quốc, có khoảng 12 triệu tín đồ Hồi giáo, chủ yếu là dân Duy Ngô Nhĩ thiểu số, cùng khoảng 1,5 triệu người gốc Kazakhstan.
Bảo Vĩnh (theo Guardian)