Với tinh thần chống dịch COVID-19 cao độ của chính phủ, các địa phương không thể lơ là, tăng cường thắt chặt kiểm soát biên giới và hệ quả là hàng lậu khó chui vào nước ta.

Nhân đà chống COVID-19, thúc đẩy tinh thần chống buôn lậu, bảo vệ hàng Việt Nam

Anh Tú | 29/05/2021, 16:20

Với tinh thần chống dịch COVID-19 cao độ của chính phủ, các địa phương không thể lơ là, tăng cường thắt chặt kiểm soát biên giới và hệ quả là hàng lậu khó chui vào nước ta.

Theo khảo sát cuối tháng 5, giá đường bán buôn trong nước của Việt Nam trong tháng 5 đã tăng lên 16.500 - 16.700 đồng/kg (720 - 730 USD/tấn), tức tăng gần 10 - 12% so với một tháng trước.

Tăng giá với người tiêu dùng, nói ra thì không có gì vui nhưng đằng sau đó có không ít tín hiệu tích cực. Các nguồn tin thương mại châu Á phân tích giá đường trong nước tăng có thể cho thấy Việt Nam đang khan hiếm đường. Một phần nguyên nhân do hạn chế tiếp cận với đường xuất xứ từ Thái Lan sau khi Bộ Công Thương tạm áp thuế chống phá giá (cơ cấu thuế hiện hành đối với nhập khẩu đường thô và tinh luyện của Thái Lan lần lượt là 33,88% và 48,88%).

Đang có dấu hiệu cho thấy nguồn đường Thái Lan lách sang Việt Nam bằng việc xuất khẩu từ Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar nhưng các đường chính ngạch này cũng không bù đắp được khoảng hụt từ việc áp thuế chống phá giá.

Nhưng phần quan trọng khiến khan hiếm đường còn xuất phát từ việc đường lậu không còn vào Việt Nam thời gian qua. Thông thường, đường thô Thái Lan vào Việt Nam thông qua các tuyến đường biển truyền thống, trong khi hầu hết đường tinh luyện của Thái Lan vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận tải đường bộ xuyên biên giới, mà trong hoạt động vận tải đường bộ xuyên biên giới thì không ít là buôn lậu. Trước đây, việc buôn lậu khó kiểm soát do địa hình biên giới giữa nước ta với Lào và Campuchia thiếu chốt lại lắm đường mòn lối mở. Nhưng từ khi siết chặt kiểm soát biên giới để phòng chống dịch thì việc chống buôn lậu cũng gặt hái được kết quả tích cực.

Trang Hellenic Shipping News dẫn nguồn từ giới thạo tin Singapore khẳng định: Các hoạt động xuyên biên giới đã chậm lại đáng kể kể từ tháng 5. Do tình hình COVID-19 đáng báo động dẫn đến việc Việt Nam kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn. Hệ quả là đường lậu từ Lào và Campuchia coi như được thắt chặt.

Tinh thần chống dịch COVID-19 ngay tại vùng biên được chính phủ quan tâm sâu sát. Đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đích thân kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19, tình hình sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu 9, động viên lực lượng trên tuyến đầu chống dịch khu vực biên giới của tỉnh An Giang; bộ đội biên phòng đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép.

Sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ khiến các địa phương đều nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch ở vùng biên. Hầu như các tỉnh giáp biên giới thời gian qua đều tăng cường người lên bám chốt, xử lý nghiêm ở những điểm có nguy cơ nhập cảnh trái phép. Một khi các cửa khẩu biên giới đều được bố trí hợp lý và hiệu quả thì số đường lậu chảy vào Việt Nam sẽ giảm hẳn.

Nếu đường trong nước được bảo vệ một cách kỹ càng khỏi sự lấn át của đường lậu thì các doanh nghiệp mía đường có thể đầu tư lớn, người nông dân có thể yên tâm trồng mía khối lượng lớn và lâu dài sẽ giảm giá thành. Chỉ như vậy, nền công nghiệp mía đường Việt Nam mới lấy được vị thế trên sân nhà rồi tính đến chuyện xuất khẩu.

Và không chỉ mía đường mà còn nhiều ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp khác của Việt Nam chịu cảnh thua thiệt trên sân nhà vì không thể cạnh tranh sòng phẳng với các mặt hàng lậu cùng chủng loại vốn không chịu đánh thuế. Muốn bảo vệ hàng nội, chúng ta cần có hàng rào hiệu quả cho các sản phẩm "made in Vietnam". Hàng rào đó không chỉ là các quy định chính sách bảo hộ của chính phủ phù hợp với thông lệ quốc tế. Quan trọng hơn đó chính là hàng rào có thể nhìn thấy được chính là lực lượng biên phòng, hải quan đang chiến đấu chống buôn lậu.

Trong đợt dịch COVID-19, các lực lượng ở biên giới của chúng ta đã làm được công việc phi thường khi ngăn chặn hầu như các nguy cơ dịch từ 2 nước láng giềng Lào và Campuchia. Cùng lúc đó, lực lượng chức năng trong nước truy quét hiệu quả người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Tinh thần quyết liệt đó góp phần to lớn trong việc chống dịch từ trong trứng nước và làm tê liệt các đường dây buôn lậu.

Thiết nghĩ rằng ngay cả sau khi dập dịch thành công thì Chính phủ và các địa phương vẫn cần tiếp tục tập trung cao độ, quyết liệt chống buôn lậu tại vùng biên, với các kho hàng lậu trong nước như trong thời gian qua thì chắc chắn hàng "made in Vietnam", nền sản xuất trong nước sẽ được bảo vệ để đứng vững trên sân nhà và phát triển thịnh vượng hơn.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân đà chống COVID-19, thúc đẩy tinh thần chống buôn lậu, bảo vệ hàng Việt Nam