Bộ Công an đã nêu rõ một số phương thức lừa đảo phổ biến mà kẻ xấu thường xuyên sử dụng nhằm lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao.

Nhận diện các phương thức lừa đảo phổ biến dịp cận lễ 30.4, 1.5

Thu Anh | 24/04/2023, 17:42

Bộ Công an đã nêu rõ một số phương thức lừa đảo phổ biến mà kẻ xấu thường xuyên sử dụng nhằm lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao.

5 phương thức lừa đảo phổ biến

Theo Bộ Công an, lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 và kỳ nghỉ hè sắp tới, đồng thời lợi dụng tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân Việt Nam, kẻ xấu đã gia tăng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân dưới nhiều hình thức.

Bộ Công an cũng đã nêu rõ 5 phương thức lừa đảo phổ biến mà bọn chúng thường xuyên sử dụng.

Thứ nhất, đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30 - 50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Thứ hai, đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, kẻ xấu sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Thứ ba, làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, bọn xấu sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

1509u14.png
Kẻ xấu đã gia tăng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân dưới nhiều hình thức - Ảnh: Internet

Thứ tư, làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.

Trong trường hợp này, Bộ Công an cho biết kẻ xấu có thể sử dụng công nghệ Deepfake và thực hiện cuộc gọi video (hình ảnh) để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền theo yêu cầu.

Thứ năm, kẻ lừa đảo sẽ mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.

Theo Bộ Công an, nếu khách hàng liên hệ, bọn chúng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, kẻ xấu không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Nâng cao cảnh giác, lưu ý tên miền

Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch.

"Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch", Bộ Công an nói rõ.

Ngoài ra, người dân nên cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30 - 50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

Bộ Công an cũng đề nghị người dân cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…

Ngoài ra, đối với các trang mạng xã hội (fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, Bộ Công an lưu ý người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký), hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.

Đặc biệt, Bộ Công an nhấn mạnh: "Người dân cần xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết".

Bài liên quan
Bắt 4 người giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nguyễn Quốc Bảo quen một người trên mạng xã hội, sau đó được người này hướng dẫn việc lừa đảo bằng cách giả danh nhân viên ngân hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhận diện các phương thức lừa đảo phổ biến dịp cận lễ 30.4, 1.5