Khi ý thức về vấn đề lãng phí thực phẩm được nâng cao, nhãn “best before” (tạm dịch: “sử dụng tốt nhất trước ngày”) dễ gây hiểu lầm bị cân nhắc loại bỏ.

Nhãn thời hạn “best before” và vấn đề lãng phí thực phẩm

Cẩm Bình | 07/10/2022, 09:05

Khi ý thức về vấn đề lãng phí thực phẩm được nâng cao, nhãn “best before” (tạm dịch: “sử dụng tốt nhất trước ngày”) dễ gây hiểu lầm bị cân nhắc loại bỏ.

Các nhà sản xuất thường dùng nhãn “best before” để ước tính thời gian thực phẩm tươi mới nhất. Không giống như nhãn “use by” (tạm dịch: “nên dùng trước ngày”) thường dán trên thực phẩm dễ hỏng như thịt hay sữa, nhãn “best before” chẳng liên quan gì đến mức độ an toàn nhưng lại thúc đẩy người tiêu dùng vứt đi thực phẩm vẫn hoàn toàn ăn được.

“Người tiêu dùng đọc thời hạn ghi trên nhãn và nghĩ rằng thực phẩm hư không thể ăn nữa nên vứt đi. Trong khi thời hạn này không có ý chỉ chúng không còn ăn được hay không còn ngon, bổ dưỡng nữa”, Patty Apple - nhà quản lý tổ chức phi lợi nhuận Food Shift chuyên thu gom và sử dụng thực phẩm hết hạn hoặc hư hỏng chút ít - cho biết.

Để giải quyết vấn đề trên, gần đây một số chuỗi cửa hàng lớn ở Anh như Waitrose, Marks & Spencer, Sainsbury’s loại bỏ nhãn “best before” khỏi trái cây cùng rau củ đóng gói. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến công bố sửa đổi luật dán nhãn vào cuối năm, khối cân nhắc loại bỏ hoàn toàn nhãn “best before”.

Tại Mỹ không có nỗ lực tương tự, nhưng các đơn vị phân phối lớn, công ty thực phẩm lẫn nghị sĩ quốc hội đều đang thúc đẩy chuẩn hóa ngôn ngữ ghi trên nhãn thời hạn nhằm nâng cao ý thức về lãng phí thực phẩm ở người tiêu dùng.

nha1000.jpeg
Nhãn thời hạn không thống nhất và gây hiểu nhầm khiến vấn đề lãng phí thực phẩm thêm trầm trọng - Ảnh: AP

Liên Hợp Quốc ước tính mỗi năm có 17% sản lượng lương thực toàn cầu bị lãng phí, phần lớn do hộ gia đình. Tổ chức phi lợi nhuận ReFED chuyên nghiên cứu chất thải thực phẩm ước tính tại Mỹ có tới 35% thực phẩm chế biến sẵn không được ăn.

Lãng phí thực phẩm làm tăng thêm phần năng lượng bị lãng phí (nước, đất, lao động trong sản xuất thực phẩm). Thực phẩm đưa đến bãi chôn lấp tạo ra thêm khí nhà kính.

Có rất nhiều lý do gây lãng phí thực phẩm, từ khẩu phần ăn quá lớn cho đến người tiêu dùng từ chối dùng thực phẩm không hoàn hảo. Nhưng ReFED xác định 7% chất thải thực phẩm tại Mỹ - tương đương 4 triệu tấn mỗi năm - là do người tiêu dùng hiểu nhầm nhãn “best before”.

Nhãn thời hạn được các nhà sản xuất sử dụng rộng rãi từ những năm 1970 để cho khách hàng biết về mức độ tươi mới của thực phẩm. Không hề có luật liên bang nào quản lý chúng và quyền xác định thời gian thực phẩm tươi mới nhất thuộc về chính các nhà sản xuất.

Kể từ năm 2019, Cơ quan quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA) đã khuyến nghị sử dụng nhãn “best if used by” (tạm dịch: “tốt nhất nếu dùng trước ngày”) cho thực phẩm tươi sống và nhãn “use by” cho thực phẩm dễ hư hỏng. Khuyến nghị dựa trên một số khảo sát chỉ ra người tiêu dùng hiểu những cụm từ này.

Nhưng khuyến nghị trên không mang tính bắt buộc, ngôn ngữ ghi trên nhãn vẫn không thống nhất, từ “sell by” (tạm dịch: “bán trước ngày”), “enjoy by” (tạm dịch: “thưởng thức trước ngày”) cho đến “freshest before” (tạm dịch: “tươi nhất trước ngày”). Khảo sát do đại học Maryland thực hiện công bố vào tháng 6 ghi nhận ít nhất 50 nhãn thời hạn khác nhau dùng cho hàng hóa tại Mỹ.

Richard Lipsit - chủ cửa hàng Grocery Outlet ở California - cho biết: “Hầu hết mọi người tin rằng nếu nhãn ghi “sell by”, “best by” (tạm dịch: “tốt nhất trước ngày”) hay “expiration” (tạm dịch: “hết hạn vào ngày”) thì thực thẩm không thể ăn nữa. Điều này không thực sự chính xác”.

Ông khẳng định sữa vẫn có thể được sử dụng an toàn trong vòng một tuần sau ngày ghi trên nhãn “use by”, đồ đóng hộp cùng nhiều thực phẩm đóng gói khác ăn an toàn trong nhiều năm sau ngày ghi trên nhãn “best before”.

Giám đốc ReFED Dana Gunders nói: “Cơ thể chúng ta được trang bị tốt để nhận biết dấu hiệu thối rữa khi thực phẩm hết ăn được. Nhưng chúng ta mất niềm tin vào giác quan bản thân và chọn tin tưởng nhãn thời hạn”.

Một số chuỗi cửa hàng tạp hóa tại Anh đã mạnh dạn loại bỏ nhãn thời hạn. Siêu thị Morrisons từ tháng 1 dùng nhãn “best before” thay cho nhãn “use by” trên hầu hết sản phẩm sữa mang thương hiệu của họ. Siêu thị Co-op áp dụng chính sách tương tự với sữa chua.

nhadownload.jpg
Nhãn "best before" bị xem xét loại bỏ - Ảnh: Reuters

Một số người tiêu dùng ủng hộ thay đổi. Cư dân thị trấn Falmouth Ellie Spanswick làm trong ngành marketing chủ yếu mua nông sản, trứng cùng nhiều mặt hàng tạp hóa khác tại cửa hàng địa phương. Thực phẩm không hề có nhãn nhưng cô dễ dàng nhận thấy chúng tươi mới.

Không phải ai cũng ủng hộ. Ana Wetrov sống ở Luân Đôn lo ngại nếu không có nhãn, nhân viên cửa hàng không thể biết mặt hàng nào đến lúc bị lấy khỏi kệ. Gần đây cô mua phải một quả dứa thối rữa và chỉ phát hiện sau khi cắt ra.

Chuỗi cửa hàng tại Mỹ như Walmart thì thống nhất dùng nhãn “best if used by” và “use by” đúng như khuyến nghị của FDA. Hiệp hội Thương hiệu người tiêu dùng Mỹ cũng khuyến khích thành viên làm vậy. Theo Phó chủ tịch hiệp hội Katie Denis, thống nhất nhãn thời hạn giúp việc sản xuất trở nên đơn giản hơn và hạ giá thành sản phẩm.

Theo nhà quản lý Apple, giải quyết việc nhỏ như thống nhất nhãn thời hạn có thể đem lại tác động lớn đến vấn đề lãng phí thực phẩm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhãn thời hạn “best before” và vấn đề lãng phí thực phẩm