Con đường dẫn về khu trung tâm, ở điểm gần cuối, bốc lên một cuộn khói xám nhạt. Cho đến lúc cụm khói trở nên dày đặc, chuyển màu sẫm đen và có hình mũ nấm lơ lửng giữa nền trời trắng lạnh, còn mấy chiếc xe cứu hỏa vô hình ngưng nhấn còi inh ỏi, rõ ràng đám cháy đã được xác nhận.
Đột ngột, từ khúc quanh, một con chó nòi Husky hiện ra, hơi thở nồng nực tạo nên quầng hơi ẩm bao quanh khuôn đầu đồ sộ. Người đàn ông dẫn chó đi dạo, đầu hói và tầm thước, hấp tấp chạy theo con vật, sợi dây da thẳng căng nắm chặt trong tay. Trong vài giây lướt qua ấy, cả người và vật biến thành một nhóm nhân vật chừng như ngẫu nhiên, xuất hiện trong đoạn chuyển cảnh ngắn ngủi, ắt sẽ dẫn đến đoạn phim u ám tiếp nối.
Trước khi nhận ra mình nghĩ gì, người chạy buổi sáng đã guồng chân, lao đi. Chẳng mấy chốc cô ta ngang bằng rồi vượt qua con chó lớn và người điều khiển. Cô ta chạy nhanh hơn nữa, hoàn toàn phá vỡ nhịp độ dễ chịu của một buổi sáng bình thường.
***
Đúng như San dự đoán, đám cháy nằm trong dãy phố cổ kính thuộc khu trung tâm. Một ngôi nhà gạch đỏ, hai tầng, mặt ngoài từng có các ô kính lấp lánh, vẫn được biết đến như một nhà hàng Ý dễ tìm nhất trong thành phố.
Nhưng lúc này, bức tường mặt ngoài đã bị kéo đổ. Toàn bộ không gian nội thất hiện ra trước mọi cặp mắt. Trong luồng sáng yếu, cảnh tượng bên trong đượm vẻ kỳ quặc. Mọi thứ nguyên vẹn hình dạng, im lìm trong một bố cục cân bằng. Chỉ có điều, các chi tiết tạo nên bầu không khí tĩnh lặng ấm cúng trước kia giờ phủ màu xám mịn duy nhất của khói muội và tàn tro.
Lửa còn ngún cháy trên khung cửa, vài thanh dầm, nhưng nhìn chung đám cháy đã trong tầm kiểm soát, cô lập khỏi hai nhà cạnh bên. Khoảng cách xây dựng bắt buộc và bầu không khí lặng gió khiến ngọn lửa không lan rộng.
Lúc này, chỉ còn một vòi rồng hoạt động. Luồng nước loang chảy trên mặt sàn gỗ sồi, tạo thành một tam giác khúc chiết, đen sẫm, tách biệt với khoảng xám còn lại. Những người lính cứu hoả bắt đầu thu dọn dụng cụ. Các ống dẫn nước được cuộn lại, như ống truyền dẫn biệt dược đến lúc phải rút ra khỏi cơ thể vẫn còn đẹp đẽ, nhưng không còn hy vọng gì nữa.
Từ bên này đường, cùng vài người dậy sớm tò mò, San đứng xem quang cảnh đám cháy. Chẳng ai nói gì hay bàn tán gì, chỉ thi nhau chụp ảnh bằng điện thoại. Nhịp thở trong lồng ngực San trở lại bình thường sau đoạn chạy cuồng loạn. Khi nhóm thu hình tin tức thời sự của đài truyền hình địa phương rời khỏi hiện trường thì phần lớn những người đứng xem đám cháy cũng tản đi. Chỉ còn một người cao lớn, bốn mươi hoặc hơn một chút, mặc áo khoác nỉ đen vẫn nán lại.
Sau vài phút lưỡng lự, ông ta bước đến gần San:
- Cô cũng bị đám cháy thu hút?
Người chạy buổi sáng giật mình quay lại, nhận ra người học cùng trong lớp Nghệ thuật hiện đại đối chiếu. Họ biết mặt, biết tên, nhưng chưa từng nói chuyện với nhau.
- Tình cờ ngang qua thôi. Còn anh?
- Tôi dậy sớm, làm vài việc trên máy tính. Khi nhìn thấy những cuộn khói qua cửa sổ, tôi dừng tất cả để đến đây. Chỗ tôi ở cách đây ba khối nhà.
- Không có gì trầm trọng chứ? – San khoát tay về phía bên kia đường – Ý tôi nói về người ở trong nhà.
Jari Tammi lắc đầu, đưa ra các thông tin rành mạch:
- Không có ai sống ở đấy ba mươi năm nay. Các nhà bên cạnh cũng vậy. Người ta chỉ thuê để mở nhà hàng. Dãy nhà này cũ nhất trong thành phố, xây dựng từ năm 1880. Có lẽ vì thế hệ thống điện và hệ thống báo cháy không thực sự tốt.
- Hiếm ai nghĩ nhà của mình có thể cháy, cho đến khi việc đó xảy ra.
Cả hai bật cười thành tiếng. Nhưng chỉ vài giây ngắn ngủi, họ cùng im bặt.
Bên kia đường, một chiếc xe tải nhẹ vừa dừng lại. Bước xuống là một người mặc áo khoác của dân công sở hạng trung, đội mũ đen, nhưng vẫn mặc quần vải ngắn, có sọc, loại để mặc ngủ. Hai đứa trẻ giống hệt nhau, hẳn là con của ông ta, tuồn ra từ cửa sau.
Vậy là chủ nhân ngôi nhà lúc này mới đến. Có lẽ ông ta ở đâu đó khá xa bên khu ngoại vi. Trong khi người mặc quần ngủ đứng im, hai tay buông thõng, choáng váng trước cảnh tượng kinh hoàng, hai đứa trẻ sinh đôi vẫn nhảy nhót liên hồi, không thể vui hơn vì được tiếp xúc ở cự ly gần với những người chữa lửa đội mũ sắt.
Trưởng đội cứu hoả từ trong đi ra, đến trò chuyện vị chủ nhà. Một cách điềm đạm và chuyên nghiệp, viên chức đưa ra một số giải thích, an ủi, khuyến cáo. Chủ nhân tiếp nhận các giải thích, an ủi, khuyến cáo, chốc chốc lại lau nước mắt bằng mé trong bàn tay. Hẳn là một cuộc nói chuyện nhiều cảm xúc, hoặc nhiều chia sẻ khôn ngoan.
Nhưng, nhìn từ bên này đường, đó đơn thuần là cảnh phim câm, được sắp đặt kỹ lưỡng, hòng làm nổi bật độ tương phản giữa bộ trang phục bảo hộ chu tất của một cá nhân có trọng trách với bộ dạng xộc xệch của một gã hề đang ngủ bị dựng dậy lúc không ngờ. Người xem sẽ tự mình nhìn nhận sự khắc nghiệt của cuộc sống vốn đầy rẫy các tình cảnh trớ trêu.
Chính bởi cái hợp lý của sự kiện, hàm ý khôi hài kín đáo càng trở nên sắc nhọn, có phần đau đớn, khiến kẻ ngoài cuộc là những người đứng bên kia đường phải cố hết sức để không trở nên thô lỗ khi phá lên cười.
Jari Tammi chợt quay sang người chạy buổi sáng:
- Hôm nay và ngày mai cô rảnh chứ?
Cô ta gật đầu, nhướn mày. Người kia rút từ túi áo khoác nỉ của mình một quyển sách hướng dẫn du lịch dày và nặng:
- Triển lãm Tất cả của Maurizio tại bảo tàng Guggenheim mở cách đây hai tháng. Tập hợp tất cả các tác phẩm nổi bật nhất của tác giả gốc Ý này từ cuối thập niên tám mươi cho tới thời điểm hiện tại. Một số trong đó từng gây tranh luận, như La Nona Ora, Him hay Novecento… - Đột ngột chấm dứt mạch dữ liệu mà ông ta lưu giữ với độ chính xác gần như phi phàm, người trung niên thoáng nhíu mày, chuyển sang một câu hỏi xác thực hơn - Lúc sáng, tôi tình cờ phát hiện chỉ còn hai ngày cuối cùng của triển lãm. Cô có muốn xem bộ sưu tập ấy không?
- Tôi chưa từng nghe tên hoạ sĩ! – San thành thật.
- Tôi cũng vậy, cho đến sáng nay. Nhưng, ảnh chụp vài tác phẩm của anh ta đủ để sửng sốt!
Người trung niên lật mở mục Những bảo tàng trong quyển sách đang cầm. Hai tác phẩm in hai trang liền nhau trên nền trắng. Con chó nòi Husky với bộ lông ánh bạc. Và người đàn ông tầm thước, hồng hào trong bộ trang phục thể thao.
Bị cô lại trong một khoảnh khắc của chuyển động, cả hai đều toát lên vẻ sống động, tinh quái, một biểu đạt thản nhiên và tươi vui có phần thái quá, nhìn lâu gợi nên nỗi sợ hãi ngấm ngầm.
Nếu không có dòng chú thích về chất liệu và thời gian tác phẩm hình thành, dễ chừng ngỡ rằng chỉ là hai nhân vật tình cờ trên đường, được một ống kính tỉ mỉ ghi lại.
Chăm chú nhìn trang sách trong tay Jari Tammi, với cảm giác cóng lạnh chạy dọc sống lưng, người chạy chậm rãi ngẩng lên:
- Tôi muốn đi xem triển lãm này.
- Sẽ đặt vé xe lửa cho cô và tôi, chuyến chiều nay. Qua nửa đêm thì đến nơi. Sáng mai vẫn kịp xem tác phẩm của Maurizio trước khi người ta hạ chúng xuống.
- Anh chưa đặt vé?
- Tôi vừa mở máy tính để đặt vé trên mạng thì nhìn thấy đám cháy.
Cùng lúc, người trung niên và người chạy ngoảnh sang bên kia đường. Trong mươi phút, hoặc ít hơn, khi cả hai bị lôi cuốn bởi các thông tin về triển lãm Maurizio Cattelan, những người lính cứu hoả đã thu hết dụng cụ, dọn sạch đám tàn tích, dựng lên hai tấm chắn lớn trước ngôi nhà cháy, che đi vết lõm mà dải đường cổ kính phải chịu đựng.
Chỉ có một khoảng hẹp để những người lính cứu hỏa còn lại bên trong đi ra hết. Họ tuần tự bước lên thùng xe. Những bóng người giống hệt nhau. Cỗ xe, với chiếc thang gấp như bộ xương đồ sộ lộ thiên, lặng lẽ lăn bánh xuống chân dốc của ngọn đồi. Khoảng hẹp biến thành một ô vuông bị bỏ lại.
Giờ thì cả người trung niên và người chạy buổi sáng chăm chú nhìn vào ô trống, nơi mà, giữa hai đứa trẻ sinh đôi lúc này đã chịu đứng im, người đàn ông mặc quần ngủ vẫn bất động, cái mũ đen ngật về sau gáy như sắp rơi nhưng không rơi, miệng lầm bầm, hai cánh tay hơi dang ra.
***
2. Xe lửa dừng ở ga Philadelphia nửa giờ. Nhóm hành khách đông nhất đi cùng nhau, qua các trao đổi thì họ vừa trở về từ một hội thảo, đã kéo xuống hết. Không ai lên thêm. Trong toa còn khoảng chục khách lẻ tiếp tục đến New York.
Không gian trở nên rộng rãi với những dãy ghế trống. Tuy nhiên người trung niên vẫn ngồi im trên ghế của mình, không có ý định dời lên hàng ghế thứ hai hay thứ ba để thoải mái hơn. Vậy nên San cũng yên vị chỗ cũ, cạnh bên ông ta. Cô gấp quyển sách dành cho người du lịch, tựa trán lên tấm kính mờ, khoan khoái.
Tiếng động của đoàn tàu xuyên qua cơ thể. Một thứ tiếng ồn ngẫu nhiên, náo loạn, xen vào mạch đập. Một dạng thức âm thanh đô thị lớn, được mô phỏng, khuếch trương, lặp lại, tạo nên sự chuếnh choáng mê hoặc.
Nói chung, như hầu hết những kẻ bất ổn, trống rỗng và vô định, cô ta thích đi tàu. Nhất là tàu đêm, khi bên trong toa đèn đuốc sáng trưng, có máy sưởi, còn bên ngoài thì tối mịt mù và chắc chắn lạnh buốt. Nhìn khung cảnh ngoài kia không thấy gì cả. Nhưng khi không thấy gì cả, mà vẫn tưởng là đang thấy, thì mạch suy nghĩ nhanh, dứt khoát và thản nhiên hơn.
Chẳng hạn như nghĩ về công việc ở văn phòng thiết kế mà cô ta đã rời bỏ mấy tháng trước. Không ai nghĩ cô ta có thể rời bỏ một chỗ làm tốt như vậy, nơi mọi người đối xử với nhau dễ chịu như vậy. Mọi việc có vẻ đột ngột. Nhưng không phải là quyết định ngẫu hứng.
Một người họ hàng xa qua đời ở tuổi bảy lăm, trong di chúc, có nhắc đến tên cô. Kỳ thực cô chưa từng biết mặt người giàu có kỳ quặc ấy. Để không làm vấn đề trở nên phức tạp, cô bình thản chấp nhận ý nguyện cuối cùng của người đã mất, cũng không quá xúc động trước may mắn hiếm hoi. Nhưng với lòng biết ơn, cô nghĩ tốt hơn cả là sử dụng khoản tiền bất ngờ theo cách bất ngờ, chẳng hạn tham gia khoá học một năm về nghệ thuật.
Cô lên mạng rà soát danh mục các khóa học trên thế giới, chọn một trường không thật nổi tiếng nhưng tập trung các nội dung học hứa hẹn hứng thú. Cô gửi đơn, chờ đợi, nhận thư thông báo được chấp nhận.
Ông chủ của cô, người luôn đánh giá cô như một nhân viên trung thành, khi ký vào tờ giấy xác nhận quá trình làm việc để cô gửi cho trường nghệ thuật, đã phá vỡ thói quen giữ khoảng cách với kẻ dưới.
Ông ta đưa ra vài nhận xét về các trò liều lĩnh điên rồ, sự nguy hiểm khi tình trạng ổn định bị phá vỡ, và rốt cuộc, ông nhấn giọng, tất cả những đánh đổi ấy để làm gì khi ở cuối con đường, nỗi thất vọng vẫn chờ sẵn kẻ phiêu lưu?
Không thể đưa ra lời đáp, cô chỉ nhìn chăm chú tấm tranh khắc Đường cao tốc số 5 móc sau chiếc ghế lớn của ông ta. Những nét khắc và các mảng tách bạch của bức pop art in hằn vào mắt, rõ mồn một, như khắc trên võng mạc bằng mũi dao nhọn. Các hàm ý chê trách từ người đối thoại bỗng chẳng thành vấn đề gì nữa.
Cô ta bình thản một cách lạ lùng, như thể mọi bất trắc sẽ xảy đến với cô về sau đều đã xảy ra. Đường cao tốc số 5. Một biểu tượng đẹp đẽ hơi u ám mà cô từng ngạc nhiên và lạ lẫm.
Tác giả Phan Hồn Nhiên ở nhà sách City Light - San Francisco, Hoa Kỳ - Ảnh: Tommi Parkko |
Đọc truyện của Phan Hồn Nhiên đòi hỏi sự tập trung. Nếu xao nhãng, người đọc sẽ không năm bắt được điều tác giả muốn gởi gắm. Trong không gian nhân vật của chị, người ta đi đứng, nói năng, hành động… đều có ý thức rất rõ ràng. Hoàn toàn không có sự tình cờ.
Phan Hồn Nhiên rất “lý trí” khi “dựng” nhân vật theo ý định của mình chứ không bị động vì nhân vật. Rất giống công việc của một họa sĩ: phải phác thảo xong rồi mới bắt đầu thể hiện bằng màu. Kỹ trong câu chữ, trong chi tiết, trong bố cục, Phan Hồn Nhiên đúng là một nhà văn - họa sĩ, huy động cả màu sắc trộn chung vào ngôn ngữ…
* Truyện của chị thường có dấu vết của một người từng học mỹ thuật. Vậy mỹ thuật đã để lại dấu ấn trong tác phẩm văn học của chị thế nào?
- Một ngành học chuyên môn có thể xem như một trạm quan sát mà từ đó người viết không chỉ nhìn thấy, ghi nhận mà còn phân tích được cuộc sống, xã hội và con người theo cách thức riêng. Cũng từ trạm quan sát ấy, mỗi người viết có điều kiện tìm kiếm và gây dựng phong cách riêng biệt.
Mỹ thuật hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong công việc viết. Từ những bước đầu tiên như xác định điểm nhìn, xây dựng bối cảnh, “nhấn” hay “buông” chân dung tính cách nhân vật, tôi đều sử dụng kiến thức từ hội họa. Về sau này, đi sâu hơn vào khía cạnh kỹ thuật viết, tôi nhận thấy giữa hội họa và văn chương có rất nhiều nét tương đồng, chẳng hạn về cấu trúc, phương pháp biểu đạt…
Tư duy của mỹ thuật hiện đại áp dụng vào công việc viết văn mang đến nhiều hiệu quả bất ngờ, giúp tôi rút ngắn thời gian tìm kiếm và thử nghiệm trong sáng tác văn chương. Thực sự tôi không cố ý, nhưng mỗi khi ngồi vào bàn làm việc, cách nhìn và cách nghĩ của người học vẽ cứ tự động hiện diện trong những gì tôi viết ra.
* Được xem là một trong những nhà văn trẻ rất chú trọng cách tân kỹ thuật viết truyện ngắn, chị đặt yếu tố kỹ thuật ở mức quyết định nào trong sáng tác của mình?
- Thành thật mà nói, tất cả những gì tôi làm từ trước đến nay, đều phục vụ cho mục tiêu duy nhất là rèn luyện kỹ thuật viết. Tôi cũng hiểu nội dung, tư tưởng trong tác phẩm là các yếu tố quan trọng, được người đọc chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên tôi quan niệm, nếu không có kỹ thuật thể hiện sắc bén và biến hóa, thì những gì mình muốn biểu đạt chỉ vang lên như chuỗi thanh âm ngô nghê vụng về.
Vốn sống, chiều sâu cảm xúc và tư tưởng là thứ tích lũy theo thời gian và trải nghiệm. Còn kỹ thuật thì phải rèn luyện cật lực. Muốn tự do và có thể thử nghiệm trong nhiều thể loại, tôi phải đi qua các bậc thang kỹ năng, kỹ thuật và cuối cùng mới đạt đến nghệ thuật. Tôi rất mong một ngày nào đó mình có nghệ thuật viết tốt, đạt tầm mức như mình mong muốn.
* Văn học Việt Nam đang chìm nổi theo đời sống kinh tế - xã hộ và đời sống văn hóa - tinh thần của người dân, chị quan tâm đến điều này ở mức độ nào?
- Tôi nghĩ ở thời nào cũng vậy, độc giả văn học không bao giờ là số đông nên một nhà văn theo đuổi “chính đạo” cứ bình tĩnh làm việc, được khen hay bán được nhiều sách cũng chẳng nên lấy thế làm hài lòng, bị chê hay ít người đọc cũng không vì thế mà bỏ dở con đường mình đang theo đuổi.
Để văn học Việt Nam ngày mai có tương lai hơn ngày hôm nay, những người bên trong nó phải bền lòng. Còn nhìn độc giả ở khía cạnh số đông, tôi nhận thấy sau nhiều năm than phiền người dân đọc ít, thì giờ đây thói quen đọc sách đã hình thành trong nhiều giới, đặc biệt là các bạn trẻ từ 30 trở xuống.
Chú thích ảnh đại diện: Tác giả Phan Hồn Nhiên ở Bảo tàng Hemingway, Chicago, Hoa Kỳ - Ảnh: Hye - kyung Lee