Nếu vụ mua bán này thành công, đây sẽ là vụ xuất khẩu đầu tiên của thỏa thuận chuyển nhượng thiết bị quốc phòng và công nghệ mà Nhật - Ấn đã ký năm 2015.
Nhật hiện muốn xuất khẩu qua Ấn Độ hệ thống ăng ten tàng hình Unicorn. Hệ thống này đã được lắp đặt trên khu trục hạm Kumano của hải quân Cục Phòng vệ Nhật Bản (MSDF).
Bằng cách gắn kết nhiều ăng ten trong một kết cấu, hệ thống Unicorn có thể giảm sự phản xạ của sóng vô tuyến đối phương. Trong các tàu khu trục Nhật Bản trước đây, mỗi ăng ten đều lộ ra trên cột buồm.
Các nguồn tin cho biết Nhật Bản và Ấn Độ đã đồng ý hợp tác về việc chuyển giao hệ thống Unicorn khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của họ gặp nhau tại Tokyo vào tháng 9.
Hiện tại, Nhật - Ấn đang củng cố quan hệ hợp tác an ninh. Việc xuất khẩu nhằm mục đích thúc đẩy Ấn Độ giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga trong việc mua sắm thiết bị quân sự và tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Nhật Bản và Ấn Độ.
Nhật hiện đang tăng cường xuất khẩu thiết bị quốc phòng và công nghệ nhằm phục hồi ngành quốc phòng nước này, dù phải chịu nhiều điều kiện nghiêm ngặt do Hiến pháp Nhật.
Chẳng hạn 3 nguyên tắc chính về chuyển nhượng khí tài phòng thủ nêu việc bán các phương tiện này phải không được dùng vào mục đích tấn công, và chỉ nhằm sử dụng vào các mục đích như giám sát, dò mìn.
Hiện tại, chính phủ Nhật đang xem xét Chiến lược an ninh quốc gia mới (dự kiến công bố vào cuối năm nay) và đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã đề nghị nới lỏng các quy định để có thể xuất khẩu được nhiều khí tài quốc phòng hơn.
Theo Kyodo, ngoài Ấn Độ, Nhật Bản đã ký các thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng tương tự với nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Pháp, Ý, Đức, Úc, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia...
Các thỏa thuận được đưa ra khi chính phủ do cố Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu đã nới lỏng các quy định về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng vào năm 2014 trong nỗ lực lớn đầu tiên thay đổi lệnh cấm vận vũ khí lâu nay của đất nước.