Nhật Bản sẽ thiết kế và sản xuất hàng loạt một loại tên lửa hành trình và một tên lửa tốc độ cao, nhằm đối phó các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.

Nhật Bản "thủ" tên lửa tầm xa để đối phó Trung Quốc, Nga

Bảo Vĩnh | 01/09/2022, 17:25

Nhật Bản sẽ thiết kế và sản xuất hàng loạt một loại tên lửa hành trình và một tên lửa tốc độ cao, nhằm đối phó các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.

Trong dự thảo chi ngân sách quốc phòng hàng năm công bố ngày 31.8, Bộ Quốc phòng Nhật viết: “Trung Quốc tiếp tục đe dọa dùng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng và đang đào sâu quan hệ đồng minh với Nga. Trung Quốc cũng đang gây sức ép với Đài Loan bằng các cuộc diễn tập quân sự, không từ bỏ khả năng dùng sức mạnh quân sự để thống nhất Đài Loan với lãnh thổ Trung Quốc”.

Trung Quốc đã phản ứng chuyến thăm Đài Loan hồi đầu tháng 8 của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bằng cuộc tập trận lớn, phóng 5 quả tên lửa đạn đạo vào vùng biển cách Nhật chưa đầy 160km.

Nhật Bản muốn có khả năng tấn công phủ đầu bằng tên lửa 

Trước đây, tầm bắn của tên lửa Nhật bị hạn chế ở mức vài trăm km, nhưng quyết định phát triển tên lửa tầm xa là một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Nhật.

Phe chỉ trích nói việc sử dụng tên lửa được nâng cấp để tấn công phủ đầu là thay đổi chính sách quốc phòng, vi phạm hiến pháp yêu chuộng hòa bình vốn hạn chế quyền sử dụng hỏa lực của Cục Phòng vệ Nhật (SDF).

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cũng đã nói ông sẵn sàng phát triển khả năng tấn công phủ đầu.

Đề xuất chi quốc phòng của Nhật nhằm có tiền sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình tầm xa đất đối hạm. Mẫu tên lửa này là phiên bản mới của tên lửa đất đối hạm Type-12 vốn đã được đưa vào sử dụng, qua đó nâng tầm bắn từ hơn 100km lên khoảng 1.000km, cho phép tên lửa tấn công các mục tiêu của địch, chẳng hạn các tàu khu trục và chiến đấu cơ.

Bộ Quốc phòng Nhật cũng muốn nhanh chóng sản xuất và triển khai một loại tên lửa đạn đạo tốc độ cao và các loại đạn khác gồm đầu đạn siêu thanh, nhằm bảo vệ các đảo hẻo lánh gồm Okinawa và các đảo gần Đài Loan.

Theo các nguồn tin của Yomiuri Shimbun, vì ý thức tình hình khẩn cấp ở Eo biển Đài Loan, chính phủ Nhật muốn có hơn 1.000 tên lửa hành trình tầm xa, nhằm triển khai từ đảo Kyushu đến chuỗi đảo Nansei, nhằm thu hẹp cách biệt với Trung Quốc vốn đã triển khai nhiều tên lửa đạn đạo.

Nhật đã đặt mua hai loại tên lửa nước ngoài để phóng từ chiến đấu cơ, gồm tên lửa đa nhiệm Joint Strike Missile (JSM) có tầm phòng 500km từ các chiếc máy bay F-35A và tên lửa hành trình không đối đất Joint Air-to-Surface Stand-Off Missile (JASSM) vốn có tầm bắn lên tới 1.000km và phóng từ các chiếc F-15. Hai loại tên lửa này của Kongsberg (Na Uy) và Lockheed Martin (Mỹ).

Bộ Quốc phòng Nhật không cho biết tầm bắn của các loại tên lửa tầm xa, và không nói số vũ khí sẽ được triển khai, chỉ khẳng định chúng có thể bắn trúng các mục tiêu ở Trung Quốc, nếu chúng được dàn dọc chuỗi đảo Okinawa ở phía tây nam Nhật.

jassm.jpeg
Lính Mỹ gắn tên lửa JASSM lên máy bay - Ảnh: Không quân Mỹ

Bộ Quốc phòng Nhật còn kiếm tiền để phát triển và xây một cơ sở sân bay ngoài khơi để máy bay có thể hạ cánh ở các đảo hẻo lánh không có cảng cho tàu chiến cập vào.

Bộ Quốc phòng Nhật nhắm tăng cường nghiên cứu - phát triển máy bay không người lái để do thám và tấn công địch, nhằm giúp tinh gọn quân số. Các nghiên cứu sẽ được tiến hành nhằm triển khai xe tự hành trên bộ cho công tác trinh sát của Cục Phòng vệ Nhật Bản (GSDF), nhằm xác định chính xác vị trí của địch và cải thiện độ chính xác của các đợt tấn công.

Cơ quan quốc phòng Nhật đã lập kế hoạch đóng hai tàu trang bị hệ thống Agis gắn tên lửa phòng không SM-6, sau khi hủy kế hoạch lập một hệ thống đánh chặn tên lửa từ trên bộ Aegis Ashore.

Các tàu này cũng có thể được trang bị phiên bản của tên lửa đất đối không Type-03 của bộ binh GSDF, để có thể bắn hạ tên lửa siêu thanh vốn có thể bay nhanh hơn tốc độ âm thanh những 5,6 lần.

Các tên lửa được cải tiến sẽ được trang bị trên các tàu chiến có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, nhằm để Nhật đối phó Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Tàu trang bị hệ thống Aegis có thể hoạt động chủ yếu ở Biển Nhật Bản, nhằm đề phòng tên lửa của Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Nhật cũng lưu ý Triều Tiên là mối đe dọa của Nhật. Bình Nhưỡng đã phát triển tên lửa và hạt nhân, dàn nhiều tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới Nhật, và nước này cùng Trung Quốc đã phát triển vũ khí siêu thanh nên khó phát hiện.

Nhật cần tăng chi quốc phòng vì an ninh Đông Á "mong manh"  

Trong dự chi quốc phòng năm 2023, Bộ Quốc phòng Nhật đề nghị tăng mức chi quốc phòng 3,6 % lên 5,6 ngàn tỉ Yen (39, 78 tỉ USD) và chờ được Quốc hội Nhật thông qua trong năm tài khóa mới kể từ ngày 1.4.2023.

Tuy nhiên, Bộ cũng nói số tiền còn có thể cao hơn sau khi tính toán chi phí các chương trình mua sắm vũ khí mới.

Giới truyền thông Nhật nói có thể mức chi quân sự sẽ tăng khoảng 6,5 ngàn tỉ Yen, tức tăng 20% so với năm 2022.

Bộ giải thích chỉ có thể thông tin chi tiết, sau khi chính phủ thông qua chính sách quốc phòng mới, cùng  một chiến lược an ninh quốc gia mới. Dự kiến chính phủ Thủ tướng Fumio Kishida sẽ phê chuẩn dự chi ngân sách quốc phòng vào cuối năm nay, khi chính phủ cũng công bố Chiến lược An ninh Quốc gia và kế hoạch xây dựng quân đội.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Thủ tướng Kishida đã mô tả an ninh vùng Đông Á “mong manh”, và ông hứa tăng chi quốc phòng để Nhật có thể đối phó một cuộc chiến tranh khu vực.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của ông Kishida nắm thế đa số ở Thượng viện Nhật sau cuộc bầu cử tháng 7, đã cam kết tăng gấp đôi mức chi quốc phòng từ 1% GDP lên 2% GDP trong 5 năm tới, đúng theo tiêu chuẩn của NATO.

Điều này có nghĩa chi quân sự hàng năm của Nhật sẽ tăng lên khoảng 10 ngàn tỉ Yen (72 tỉ USD), và Nhật sẽ là nước chi quân sự lớn hàng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.

Nhà kinh tế học Takahide Kiuchi của Viện Nghiên cứu Nomura nhận định mức chi quân sự tăng gấp đôi sẽ khiến tăng 2% thuế tiêu dùng và giảm đáng kể các phúc lợi xã hội.

Nhân chuyến thăm Nhật hồi tháng 5 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai ông đã cam kết tăng cường liên minh an ninh, vào lúc Trung Quốc gia tăng hoạt động trong khu vực. Nhật cũng mở rộng hợp tác quân sự với các nước bạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu.

Các quan chức quân sự nói chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine cũng có thể xảy ra trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, do Trung Quốc đã củng cố hợp tác quân sự với Nga và leo thang căng thẳng với Đài Loan.  

Theo Asahi Shimbun
Copy Link
Bài liên quan
Nhật Bản trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn vũ khí siêu thanh
Các tên lửa được cải tiến này sẽ được trang bị trên những tàu chiến có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, nhằm để đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
39 phút trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản "thủ" tên lửa tầm xa để đối phó Trung Quốc, Nga