Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 9.10 cam kết thúc đẩy những dự án cơ sở hạ tầng chất lượng tại 5 quốc gia Đông Nam Á dọc theo sông Mê Kông, trong khi lãnh đạo các nước này ngỏ ý ủng hộ chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIPS) của Tokyo.
Ông Abe phát biểu trong Hội nghị cấp cao hợp tác Mê Kông - Nhật Bản lần 10: “Khu vực Mê Kông là hành lang kết nối Đông Á với Nam Á, là cây cầu nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương”.
Nhà lãnh đạo này khẳng định cường quốc Đông Á sẽ hỗ trợ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar trong ít nhất 150 dự án thuộc khuôn khổ Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác Nhật Bản - Mê Kông (giai đoạn 2019-2021).
Các dự án tập trung vào ba lĩnh vực: xây dựng kết nối hiệu quả (ví dụ như mở rộng sân bay ở Lào hay làm đường tại Myanmar), xây dựng xã hội chú trọng con người (cải thiện khả năng chăm sóc sức khỏe bằng cách áp dụng công nghệ), quản lý môi trường và thiên tai (dự án thủy lợi tại Campuchia).
Thủ tướng Abe nói thêm: “Để tăng cường đầu tư tư nhân hơn nữa, Nhật sẽ sử dụng đến nguồn quỹ công, bao gồm hỗ trợ phát triển, đầu tư và cho vay nước ngoài”.
Chiều ngược lại, lãnh đạo các quốc gia Mê Kông tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải cũng như trật tự luật lệ quốc tế trên Biển Đông. Điều này phù hợp với sự ủng hộ mà các lãnh đạo dành cho FOIPS.
Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo ghi nhận những lo ngại về hành động cải tạo phi pháp lẫn nhiều hoạt động “làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định khu vực”. Đây được xem là thông điệp gửi đến Trung Quốc.
Hội nghị cấp cao Mê Kông - Nhật Bản được tổ chức kể từ năm 2009, là dịp để các nhà lãnh đạo đánh giá tiến triển trong hợp tác đề ra trước đó và cùng nhau lập ra chiến lược hợp tác mới.
Cẩm Bình (theo Straits Times)