Trang Nikkei Asian Review đưa tin, chính phủ Nhật Bản đang xem xét cho phép sinh viên tốt nghiệp các đại học hàng đầu thế giới ở lại tìm việc làm tối đa 2 năm thay vì 90 ngày như hiện tại.
Đây là một trong loạt sửa đổi về tiêu chuẩn cư trú nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài tay nghề cao làm việc tại Nhật. Nếu được thông qua thì các quy định mới sẽ được áp dụng ngay từ đầu tháng tới.
Để được hưởng thời gian ở lại tìm việc làm 2 năm, sinh viên tốt nghiệp phải đến từ đại học có tên trong ít nhất 2 trong 3 bảng xếp hạng 100 trường hàng đầu do đơn vị Anh và Trung Quốc lập nên. Trường hợp đủ điều kiện có thể làm việc (tính cả thực tập có lương) và đưa gia đình sang Nhật sinh sống.
Hiện tại, sinh viên tốt nghiệp đại học nước ngoài chỉ được ở lại tìm việc làm tối đa 90 ngày.
Một đề xuất sửa đổi khác cũng được xem xét là mở rộng tiêu chuẩn về đối tượng chuyên gia. Có ba loại chuyên gia: nhà nghiên cứu, kỹ sư và nhà quản lý doanh nghiệp.
Theo đề xuất, nhà nghiên cứu cùng kỹ sư cần có bằng thạc sĩ trở lên và kiếm được ít nhất 20 triệu yên (154.000 USD) mỗi năm, hoặc làm việc từ 10 năm trở lên và kiếm được ít nhất 20 triệu yên mới đủ điều kiện được hưởng quyền cư trú lâu dài. Nhà quản lý doanh nghiệp cần làm việc từ 5 năm trở lên và mức lương năm ít nhất 40 triệu yên.
Ở thời điểm hiện tai, điều kiện cư trú của chuyên gia dựa trên kinh nghiệm làm việc, thành tích nghiên cứu, năng lực tiếng Nhật. Với đề xuất sửa đổi thì thời gian được hưởng quyền cư trú lâu dài có thể được rút ngắn từ 1 năm thay vì 3 năm.
Chuyên gia cũng sẽ được tuyển dụng 2 lao động Nhật thay vì 1. Vợ/chồng của họ có thể lựa chọn nhiều công việc toàn thời gian hơn.
Loạt sửa đổi về tiêu chuẩn cư trú được đưa ra khi Thủ tướng Fumio Kishida kêu gọi thực hiện hành động cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp Nhật tăng năng lực cạnh tranh.