Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói kế hoạch tăng chi quân sự nhằm đối phó với những hiểm họa lớn trong thế kỷ 21.
Kế hoạch tăng chi quân sự trong giai đoạn 2024-2030 của Pháp sẽ tăng từ 295 tỉ euro của giai đoạn 2019-2025 lên 413 tỉ euro (447 tỷ USD). Điều này có nghĩa từ năm 2030, mức chi quân sự của Pháp sẽ tăng gần gấp đôi, kể từ khi ông Macron nắm quyền lực hồi năm 2017.
Kế hoạch chi quân sự mới sẽ cần được Quốc hội Pháp thông qua. Liên minh cầm quyền của ông Macron không chiếm thế đa số ở Thượng và Hạ viện, nhưng các quan chức quân sự từ lâu đã phàn nàn việc giảm chi tiêu cho quân đội. Các đảng bảo thủ và cực hữu đều có ý ủng hộ đầu tư mạnh vào quốc phòng.
Mức chi quân sự của Pháp đạt 1,9% GDP trong năm 2021, với mục tiêu đạt 2% từ năm 2025, đúng theo mong muốn của NATO.
Tại một căn cứ không quân ngày 20.1, Tổng thống Pháp nói kế hoạch chi quân sự mới nhằm tạo điều kiện cho quân đội có khả năng chiến đấu cao trong những cuộc chiến tranh mãnh liệt, điều rất cần thiết kể từ khi xảy ra chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine hồi 11 tháng trước.
Ông Macron phát biểu: “Vì chiến tranh đang thay đổi, Pháp có và sẽ có các lực lượng sẵn sàng đối phó với những hiểm họa của thế kỷ này, để bảo đảm tự do, an ninh, thịnh vượng và vị thế của chúng ta trên thế giới”.
Tổng thống Macron cũng cho biết Pháp sẽ đầu tư mạnh vào máy bay tự hành và tình báo quân sự, là các lĩnh vực mà những quan chức Pháp nói các xung đột gần đây đã vạch ra những lỗ hổng. Theo ông, quân đội Pháp phải xoay trục về một chiến lược của chiến tranh cường độ cao.
Ông Macron còn nói Pháp sẽ tăng cường khả năng phản ứng đối với các cuộc tấn công mạng, tăng gần 60% ngân sách quốc phòng cho tình báo quân sự, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và phát triển thêm nhiều vũ khí điều khiển từ xa.
Năm ngoái, lãnh đạo tình báo quân đội Pháp đã từ chức chỉ một tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các quan chức Pháp nói cuộc từ chức này do thất bại trong việc dự báo chiến tranh, và quân đội Pháp cần tăng cường khả năng triển khai - phản ứng nhanh hơn.
Tổng thống Macron cũng nói Pháp sẽ chú ý đặc biệt về sự hiện diện quân sự ở các vùng hải ngoại, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi đang xảy ra những mối đe dọa mới. Ông cho biết ý muốn mở rộng năng lực giám sát của tàu ngầm Pháp từ độ sâu 6.000 mét, vì những lý do quân sự cũng như để bảo vệ các cơ sở hạ tầng nhạy cảm.
Phát biểu của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc khối phòng thủ NATO cùng các quốc gia khác họp ở căn cứ không quân Ramstein (ở Đức) để bàn việc tăng cường hỗ trợ Ukraine.
Pháp hiện là quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân trong 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, dù là nước xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ ba thế giới, nhưng Pháp đang bị chỉ trích là không gửi thêm vũ khí cho Ukraine.
Từ mùa hè qua, Tổng thống Pháp đã tăng nguồn hỗ trợ, gửi 18 lựu pháo Caesar đặt trên xe tải và hứa gửi thêm xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC. Nhưng các quan chức Pháp nói các hoạt động ở châu Phi và khâu đầu tư suy giảm trong nhiều năm đã khiến Pháp không thể lập tức hỗ trợ Ukraine nhiều hơn.
Tổng thống Macron kêu gọi tăng cường khả năng sản xuất vũ khí để có thể giúp Ukraine và cho quân đội Pháp. Pháp cũng nhắm việc huấn luyện ít nhất 2.000 quân lính Ukraine, nhưng ông Macron không đề cập việc Ukraine yêu cầu Pháp cung cấp xe tăng Leclerc.