The Wall Street Journal đưa tin giới lập pháp Nhật Bản ngày 29.6 đã thông qua một đạo luật, quy định người lao động không được làm thêm quá 100 tiếng đồng hồ/tháng và ít hơn 720 tiếng/năm. Đây là nỗ lực nhằm xử lý vấn đề số vụ karoshi (chết vì làm việc quá sức) tăng mạnh.
Luật cũng đặt ra hình phạt cho những công ty vi phạm, buộc nhân viên làm thêm quá nhiều. Hiện tại, người lao động có quyền yêu cầu nhân viên làm việc không giới hạn, nếu các công đoàn hay tổ chức quản lý đồng ý.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu về đạo luật: “Luật vừa ban hành cho phép người dân có nhiều phong cách làm việc khác nhau, kể cả trong công việc nuôi dạy trẻ em hay chăm sóc người lớn tuổi”.
Luật mới còn giúp cải thiện đãi ngộ cho lực lượng lao động tạm thời vốn không được hưởng những đảm bảo như lao động toàn thời gian. Theo đó, bất kể là lao động bán thời gian hay toàn thời gian, nhà tuyển dụng phải trả mức tiền như nhau cho cùng một công việc.
Văn hóa làm việc trong thời gian dài là điều phổ biến tại Đông Á, và Nhật Bản không phải là nước duy nhất đang tìm cách thay đổi. Tại Hàn Quốc, một đạo luật về giờ làm đã có hiệu lực từ ngày 24.6, quy định thời gian làm việc trong tuần không quá 52 tiếng. Tổng thống Moon Jae-in khẳng định người lao động có quyền được nghỉ ngơi, trong khi nhiều nghị sĩ nước này cho rằng chính vì dành thời gian cho công việc quá nhiều khiến tỷ lệ sinh của nước này ở mức thấp.
Các đảng đối lập đánh giá đạo luật mới không đủ mạnh mẽ, và trong đó có một phần có khả năng bị đơn vị sử dụng lao động lợi dụng để lách luật. Cụ thể, phần này cho phép các công ty đưa một số người lao động chuyên nghiệp (ví dụ như nhà phân tích tài chính) với mức lương hàng năm hơn 10 triệu yên vào danh sách “miễn trừ” khỏi quy định giới hạn giờ làm việc.
Yukimi Takahashi, mẹ của cô Matsuri Takahashi, nhân viên 24 tuổi của công ty quảng cáo Dentsu tự tửcuối năm 2015 vì bị buộc làm việc quá giờ, chỉ trích phần miễn trừ của luật mới. Theo bà: “Chính phủ bảo rằng người lao động tay nghề cao được làm thêm nhiều nếu họ đồng ý, nhưng người lao động và người tuyển dụng lao động không bình đẳng. Nhân viên không có lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý, nếu họ sợ bị ông chủ đánh giá”.
Cẩm Bình (theo Straits Times)