Chiều ngày 14.11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường và biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Nhất trí tổng chi ngân sách trung ương năm 2019 hơn 1 triệu tỉ đồng

14/11/2018, 16:30

Chiều ngày 14.11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường và biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 - Ảnh: VPQH

Theo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, tổng số thu ngân sách trung ương là 810.099 tỉ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỉ đồng.

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.019.599 tỉ đồng. Trong đó, dự toán 321.354 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 với 438 đại biểu quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 90,31% tổng số đại biểu quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Theo đó, định mức phân bổ chi thường xuyên cho các địa phương đã có ưu tiên cho các địa phương vùng núi cao và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các địa phương có diện tích trồng lúa lớn cũng được phân bổ thêm kinh phí đối với diện tích trồng lúa lớn và kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

Năm 2019, Chính phủ trình Quốc hội tăng thêm 2% số bổ sung cân đối so với năm 2017 cho các địa phương. Đồng thời, ngân sách trung ương đã ưu tiên đầu tư cầu, đường giao thông, kênh, cảng, cũng như phân cấp cho địa phương nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết để dành cho chi đầu tư phát triển.

Trong phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương, giao Chính phủ “Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang” để bảo đảm các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia được sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, Chính phủ đã quán triệt các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, trình Quốc hội bố trí chi ngân sách nhà nước hàng năm, ưu tiên chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn.

Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trình Quốc hội đã báo cáo phương án chi trả khoản nợ của bảo hiểm xã hội, từ năm 2018, bố trí trả nợ dần, cả gốc và lãi. Đối với các khoản trả gốc, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội việc chi trả đầy đủ, đúng hạn.

Bên cạnh đó, nợ xây dựng cơ bản chưa xử lý được dứt điểm. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, quy định về nội dung giao Chính phủ: “Chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng, xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản” tại khoản 9 Điều 3 của Dự thảo Nghị quyết.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng chi ngân sách cho lĩnh vực bảo vệ môi trường còn thấp và việc bố trí còn dàn trải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tích cực triển khai các hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường…

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục việc phân bổ nguồn lực thấp, tiến độ thực hiện chậm đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thống nhất, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, đồng thời, tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực cho hai chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát để chuẩn bị báo cáo đánh giá hiệu quả thực hiện 21 chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ xem xét để xây dựng danh mục các chương trình mục tiêu cho giai đoạn sau năm 2020, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chỉ tập trung nguồn lực cho những mục tiêu thực sự quan trọng mà Nhà nước cần phải hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương.

Đồng thời, giao Chính phủ thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ngân sách nhà nước (nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm); các Nghị quyết của Quốc hội (việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp).

Lam Thanh

Bài liên quan
Cần Thơ: Lãnh đạo Quốc hội thăm và tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Ngày 12.1, tại TP.Cần Thơ, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Czech, chiều ngày 19.1 (giờ địa phương), tại thủ đô Praha, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp mặt, làm việc với các đại diện Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và chuyên gia người Việt Nam tại châu Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhất trí tổng chi ngân sách trung ương năm 2019 hơn 1 triệu tỉ đồng