Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những người cao tuổi và những người mắc nhiều bệnh lý nền có nguy cơ nhiễm COVID-19 đột phá dẫn đến phải nhập viện và tử vong.

Nhiễm COVID-19 đột phá nghiêm trọng thường xảy ra ở đối tượng nào?

Đan Thuỳ | 09/09/2021, 10:01

Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những người cao tuổi và những người mắc nhiều bệnh lý nền có nguy cơ nhiễm COVID-19 đột phá dẫn đến phải nhập viện và tử vong.

Với những người Mỹ đã tiêm vắc xin đầy đủ, nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 là thấp hơn nhiều so với những ai chưa được chủng ngừa. Song trong những trường hợp hiếm hoi, khi người được tiêm vắc xin đầy đủ mà vẫn nhiễm vi rút SARS-CoV-2, dữ liệu cho thấy những người cao tuổi và những ai mắc nhiều bệnh lý nền có nguy cơ bị tình trạng nghiêm trọng cao nhất.

Tính đến ngày 30.8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nhận được báo cáo về 12.908 trường hợp nhiễm COVID-19 đột phá nghiêm trọng dẫn đến phải nhập viện hoặc tử vong trong số những người được tiêm chủng đầy đủ. Với hơn 173 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ vào thời điểm đó, tỷ lệ này có ít hơn 1 trong 13.000 người có thể nhiễm COVID-19 đột phá nghiêm trọng.

Dữ liệu của CDC cho thấy khoảng 70% trường hợp nhiễm COVID-19 đột phá dẫn đến phải nhập viện ở người từ 65 tuổi trở lên và khoảng 87% trường hợp dẫn đến tử vong cũng ở người từ 65 tuổi trở lên.

anh-chup-man-hinh-2021-09-09-luc-10.05.07.png
Tình trạng nhiễm COVID-19 đột phá nghiêm trọng đang xảy ra nhiều ở những người cao tuổi - Ảnh: Internet

Dữ liệu này dựa trên báo cáo tự nguyện từ các bang và có thể không đầy đủ nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy các xu hướng tương tự.

Theo nghiên cứu của CDC được đăng tuần trước, người chưa được tiêm vắc xin tại Mỹ có nguy cơ nhập viện vì COVID-19 cao gấp 17 lần so với người đã tiêm chủng đầy đủ và bệnh nhân nhập viện vì nhiễm COVID-19 đột phá có xu hướng lớn tuổi hơn cũng như có nhiều khả năng mắc ít nhất 3 bệnh nền.

Nghiên cứu cho biết những người không được tiêm chủng nhập viện vì COVID-19 có độ tuổi trung bình là 59 và khoảng 56% có 3 bệnh nền trở lên.

Từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7, giai đoạn mà biến thể Delta chiếm ít nhất một nửa tổng số ca mắc COVID-19, những người chưa tiêm vắc xin ở Mỹ có nguy cơ nhập viện vì căn bệnh này cao hơn khoảng 10 lần so với người được tiêm chủng đầy đủ, theo nghiên cứu của CDC.

Kể từ khi Delta trở thành biến thể thống trị, nguy cơ nhập viện cao hơn với người chưa được tiêm chủng ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt ở người dưới 50 tuổi.

CDC đã phân tích 4.700 trường hợp nhập viện ở người trưởng thành từ ngày 24.1 đến 24.7 thông qua Mạng giám sát nhập viện liên quan đến COVID-19 (COVID-NET). Họ theo dõi các trường hợp nhập viện vì COVID-19 đã được phòng thí nghiệm xác nhận tại 99 quận trong 14 bang, chiếm khoảng 10% dân số Mỹ. Nghiên cứu này vẫn chưa được bình duyệt và công bố.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những người cao tuổi có các bệnh lý nền chiếm hầu hết ca COVID-19 nghiêm trọng.

“Việc xác định ai có nhiều khả năng phát triển bệnh COVID-19 nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin sẽ rất quan trọng với những nỗ lực không ngừng nhằm giảm thiểu tác động của những ca nhiễm đột phá này. Những trường hợp này cực kỳ hiếm nhưng ngày càng trở nên phổ biến hơn khi các biến thể mới xuất hiện và thời gian trôi qua nhiều hơn kể từ khi người được tiêm chủng”, Tiến sĩ Hyung Chun, Phó giáo sư tim mạch tại Trường Y Yale, cho biết trong tuyên bố về nghiên cứu mà nhóm của ông đã công bố hôm 7.9.

Hyung Chun và các đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu gần 1.000 bệnh nhân nhập viện vì nhiều nguyên nhân khác nhau từ cuối tháng 3 đến tháng 7.2021. Khoảng 18% trong số đó đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và khoảng 6% được tiêm chủng đầy đủ.

Nghiên cứu của ông Hyung Chun diễn ra trước khi biến thể Delta thống trị các trường hợp mắc COVID-19 tại Mỹ, cho thấy độ tuổi trung bình của những người mắc các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng là 80, hơn một nửa là người bị thừa cân. Hầu hết mắc bệnh tim mạch, một nửa mắc bệnh phổi và một nửa mắc bệnh tiểu đường.

Một nửa số người trong nghiên cứu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 không có bất kỳ triệu chứng nào và họ nhập viện để điều trị những bệnh khác.

“Rõ ràng là vắc xin có hiệu quả cao và nếu không có chúng, chúng ta sẽ phải đối mặt với đại dịch nguy hiểm hơn nhiều. Các loại vắc xin có hiệu quả cao với các biến thể mới xuất hiện và với các trường hợp nhiễm COVID-19 đột phá ngày càng tăng, chúng ta cần tiếp tục cảnh giác trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội”, Hyung Chun nói.

Tiến sĩ Peter Hotez, nhà tiêm chủng và Hiệu trưởng của Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor, nói với CNN rằng nhân khẩu học của những người đang trải qua các trường hợp nhiễm COVID-19 đột phá nghiêm trọng tương tự như những người có nguy cơ nhiễm bệnh nặng nói chung.

“Tôi nghĩ những gì đang xảy ra là việc tiêm vắc xin có thể cho thấy khả năng miễn dịch suy yếu hơn theo thời gian ở những dân số có nguy cơ cao và đó có thể là lý do cho việc nhiễm COVID-19 đột phá nghiêm trọng. Do vậy, việc tiêm mũi vắc xin tăng cường được tập trung ở những người cao tuổi”, Tiến sĩ Peter Hotez chia sẻ.

Song về mặt kiềm chế dịch, cần tập trung vào việc tiếp cận đối tượng chưa được tiêm vắc xin.

“Với biến thể Delta có khả năng lây truyền rất cao, chúng ta phải tiêm vắc xin cho 85 đến 90% người dân. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách để đạt được khả năng đó”, Tiến sĩ Peter Hotez nói thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiễm COVID-19 đột phá nghiêm trọng thường xảy ra ở đối tượng nào?