Tướng John Raymond, Tổng chỉ huy Lực lượng Không gian Mỹ, nói rằng an ninh biên giới đối mặt với "đầy đủ các mối đe dọa" từ Trung Quốc cần được đối phó bằng sự hợp tác của các đồng minh.
Người Trung Quốc đã chế tạo và đang xây dựng "mọi thứ từ thiết bị gây nhiễu có thể đảo ngược hệ thống GPS của chúng tôi - cung cấp điều hướng và thời gian chính xác - đến gây nhiễu vệ tinh liên lạc. Họ có tên lửa có thể phóng từ mặt đất và phá hủy vệ tinh", ông John Raymond nói với trang Nikkei trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây.
"Tôi tin rằng những khả năng mà Trung Quốc đang phát triển này sẽ được họ tận dụng trong nỗ lực của bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào", Tổng chỉ huy Lực lượng Không gian Mỹ nói thêm.
Ông John Raymond là người đầu tiên được chỉ định lãnh đạo Lực lượng Không gian Mỹ, thành lập vào năm 2019. Cơ quan này đóng vai trò là chi nhánh thứ 6 của quân đội Mỹ ở cấp độ tương đương với lục quân và hải quân.
Sự nghiệp quân sự của Tướng John Raymond kéo dài hơn 3 thập kỷ, chủ yếu là trong Lực lượng Không quân Mỹ. Ông làm nhiệm vụ tại Căn cứ Không quân Yokota của Mỹ ở Nhật Bản từ năm 2010 với tư cách là Phó Tư lệnh Lực lượng Không quân số 5. Ông John Raymond tham gia Chiến dịch Tomodachi, nhiệm vụ của quân đội Mỹ nhằm hỗ trợ sau hậu quả trận động đất và sóng thần kinh hoàng tháng 3.2011 ở Nhật Bản.
Theo quan sát của ông John Raymond, Mỹ phải đối mặt với một miền không gian đã trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều.
“Không gian làm nền tảng cho tất cả công cụ quyền lực quốc gia của chúng tôi, dù đó là ngoại giao, kinh tế, thông tin và an ninh quốc gia”, John Raymond chia sẻ. Ông cho biết thêm: “Cạnh tranh quyền lực rộng lớn hơn là chỉ cạnh tranh giữa các quân đội (ám chỉ Nga và Trung Quốc - PV). Nó đi qua tất cả các khía cạnh của các chính phủ. Không gian rất quan trọng với điều đó".
Vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự của Mỹ, dù theo dõi chuyển động của kẻ thù, tên lửa hoặc xử lý thông tin liên lạc giữa các đơn vị.
“Tiếp cận không gian và tự do di chuyển trong không gian thực sự quan trọng”, ông John Raymond cho hay.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng Mỹ đã giao phó quá nhiều khả năng của mình cho các tài sản không gian. Theo lý luận, nếu xung đột nổ ra với Trung Quốc hoặc Nga, một trong những điều đầu tiên phải thực hiện sẽ là tấn công các vệ tinh Mỹ nhằm gây tổn hại nghiêm trọng đến năng lực chiến đấu của nước này.
John Raymond đặc biệt quan tâm đến Trung Quốc về mặt này. Ông cho biết, không chỉ Trung Quốc đang phát triển "vệ tinh sát thủ" với cánh tay robot để vô hiệu hóa các vệ tinh khác, mà cường quốc châu Á đang tìm kiếm các tên lửa và thiết bị chống vệ tinh để gây nhiễu các dịch vụ GPS.
Một lựa chọn để giải quyết bất kỳ mối nghi ngờ nào với Trung Quốc là đối thoại song phương giữa các quan chức quân sự diễn ra. Tuy nhiên, ông John Raymond nói: "Tôi không tham gia đối thoại với giới lãnh đạo Trung Quốc".
Mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đã trở nên phức tạp kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Những căng thẳng xuất hiện cho thấy lý do tại sao ông Raymond không nói chuyện với những người đồng cấp Trung Quốc và việc thiếu đối thoại phần nào giải thích cho cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6.2021, các nhà lãnh đạo lần đầu tiên ra thông cáo chung nêu rõ rằng một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào trong không gian sẽ kích hoạt điều khoản Điều 5 yêu cầu phòng thủ tập thể. Ông Raymond nói rằng điều này cho thấy sự hợp tác với các đồng minh trong không gian ngày càng trở nên quan trọng. Song vẫn chưa rõ liệu NATO có thực hiện hành động tập thể ngay lập tức hay không nếu chỉ một trong số các vệ tinh của một thành viên bị tấn công. Với những nước mới bắt đầu, sẽ rất khó để xác định nếu bị một tác nhân thực hiện cuộc tấn công điện từ hoặc tấn công mạng.
Do đề cập trong thông cáo chung rằng sẽ đáp trả các mối đe dọa "trên cơ sở từng trường hợp cụ thể", có vẻ NATO sẽ xem xét và thảo luận về bản chất chính xác của các mối đe dọa đó.
Raymond không đưa ra câu trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu Mỹ có xem xét áp dụng điều khoản phòng vệ lẫn nhau của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật Bản cho lĩnh vực không gian hay không. Thay vào đó, ông lưu ý tầm quan trọng ngày càng tăng của các mối quan hệ đối tác trong không gian.
"Về mặt lịch sử, không gian là một miền lành tính, hòa bình, không có mối đe dọa", điều đó có nghĩa là không cần phải dựa vào các mối quan hệ đối tác. "Đó không phải là trường hợp ngày nay, với môi trường chiến lược mà chúng ta có. Chúng ta phải đối mặt với một miền không gian bị tắc nghẽn hơn nhiều", ông nhận định.
Raymond cho biết các đồng minh của Mỹ nên cải thiện tốc độ và độ chính xác của việc chia sẻ thông tin tình báo cũng như mở rộng các cuộc tập trận quân sự để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp về an ninh quốc gia.
Raymond cho biết cảm hứng cộng tác trong không gian của ông đến từ kinh nghiệm có ở Nhật Bản, đặc biệt là trong thời gian tham gia Chiến dịch Tomodachi.
"Lần đầu tiên tôi thấy giá trị của quan hệ đối tác trong các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa. Để hoạt động thành công trong môi trường không gian mà chúng ta thấy ngày nay, trên quy mô toàn cầu, bạn phải có các đối tác. Chúng ta rõ ràng là mạnh hơn cùng nhau", ông nói.
Tổng thống Joe Biden, người hoàn thành việc rút các lực lượng quân sự Mỹ khỏi Afghanistan, đang phải nhận nhiều chỉ trích vì đã bỏ rơi một quốc gia. Đảm bảo lòng tin của các đồng minh sẽ là chìa khóa để mở rộng hợp tác trong không gian.
“Khi nói đến các mảnh vỡ không gian, chúng ta phải đối mặt với một miền không gian bị tắc nghẽn hơn nhiều", Raymond nói. Có 30.000 vật thể trôi nổi trong không gian, bao gồm cả các mảnh vỡ và tránh va chạm đang trở thành nhiệm vụ khó khăn hơn.
Năm 2007, Trung Quốc đã bắn thử một tên lửa đạn đạo để phá hủy thành công vệ tinh khí tượng Fengyun. Theo ước tính của quân đội Mỹ, cuộc thử nghiệm đó đã tạo ra thêm khoảng 3.000 mảnh vỡ nữa.
Chính quyền Biden mong muốn đi đầu trong việc thiết lập trật tự trong không gian. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin đã gửi một bản ghi nhớ vào tháng 7 liên quan đến "các nguyên tắc về hành vi có trách nhiệm trong không gian".
Các nguyên lý bao gồm hạn chế "việc tạo ra các mảnh vỡ tồn tại lâu dài và tránh việc tạo ra sự can thiệp có hại", ám chỉ đến các hoạt động vệ tinh của một quốc gia. Tài liệu cũng kêu gọi liên lạc và thông báo giữa các quốc gia để cải thiện an toàn.
Để đạt được mục tiêu này, vào tháng 6, các nhà lãnh đạo G7 (Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Canada) đã nhất trí về kế hoạch thúc đẩy quá trình xây dựng quy tắc quốc tế tại Liên Hợp Quốc và các cơ quan toàn cầu khác.
Dù đang tìm cách triển khai các khí tài quân sự trong không gian, Trung Quốc và Nga đều kêu gọi giới hạn việc trang bị vũ khí không gian. Các vị trí xung đột rõ ràng đang được thực hiện để ngăn Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Mỹ từ chối đề xuất của Trung Quốc, Nga và các cuộc đàm phán về phi quân sự hóa không gian đã đi vào bế tắc. Trong khi nguy cơ xảy ra xung đột trong không gian gia tăng, các rào cản với hợp tác quốc tế vẫn tồn tại.