Người trong ngành tiết lộ các công ty chưa làm được gì nhiều trong ngành sản xuất metanol xanh và tất cả chỉ là sự cường điệu.
Methane, được sử dụng để sản xuất hóa chất, nhựa cũng như nhiên liệu, thường được sản xuất bằng than, dầu hoặc khí tự nhiên. Metanol xanh có thể được sản xuất theo những cách thân thiện với môi trường hơn nhiều bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo và carbon thu được từ khí quyển hoặc hút từ các bãi chôn lấp, phân bò và lợn hoặc chất thải sinh học khác.
Nhưng thế giới ngày nay vẫn chưa sản xuất được nhiều metanol xanh. Trong nỗ lực bảo vệ môi trường, đã có những công ty vận tải tiên phong cam kết chỉ sử dụng metanol được sản xuất thân thiện với môi trường, nhưng nếu các công ty vận tải khác cuối cùng sử dụng nhiên liệu metanol làm từ than hoặc dầu thì ý tưởng dùng metanol làm nhiên liệu sẽ không tốt hơn cho môi trường.
Ahmed El-Hoshy, Giám đốc điều hành của OCI Global, công ty sản xuất metanol từ khí tự nhiên và các nguồn xanh hơn như khí từ bãi rác, thừa nhận các công ty ngày nay đang sản xuất “khối lượng vô cùng nhỏ” metanol xanh bằng năng lượng tái tạo. Ông nói: “Thành thật mà nói, các công ty chưa làm được gì nhiều trong ngành sản xuất metanol xanh. Tất cả chỉ là sự cường điệu”.
El-Hoshy cho biết, các nhà sản xuất nhiên liệu vẫn cần phải làm chủ công nghệ để xây dựng các dự án. Họ cần người mua sẵn sàng cam kết ký hợp đồng dài hạn cho nhiên liệu xanh tuy nhiên, trở ngại lớn là loại nhiên liệu này có thể đắt gấp 3 đến 5 lần so với nhiên liệu thông thường.
Cũng có công ty như hãng vận tải biển Maersk đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp nhiên liệu như OCI và European Energy, công ty đang xây dựng ở Đan Mạch nhà máy sản xuất metanol bằng điện tái tạo lớn nhất thế giới. Công ty vận chuyển này dám chịu chi vì họ đã có những khách hàng như Amazon và Volvo sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để vận chuyển hàng hóa của họ bằng nhiên liệu xanh, nhằm giảm lượng khí thải carbon.
Tuy nhiên, El-Hoshy cho biết, nhiều công ty khác vẫn chưa sẵn sàng trả chi phí cần thiết cho các công nghệ xanh hơn. El-Hoshy và những người khác trong ngành vận tải biển và metanol cho biết, phần còn thiếu là quy định giúp tạo sân chơi bình đẳng giữa các công ty đang cố gắng làm sạch khí thải và những công ty vẫn đốt nhiên liệu bẩn hơn.
Liên minh châu Âu đang đưa ra các quy định khuyến khích tàu khử carbon, gồm các khoản trợ cấp mới cho nhiên liệu xanh và áp thuế, phí đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Mỹ cũng đang thúc đẩy đầu tư mới vào sản xuất nhiên liệu xanh và các cảng hiện đại hơn thông qua các chương trình chi tiêu nội địa hào phóng.
Nhưng những người ủng hộ cho rằng chìa khóa cho quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực vận tải biển là các quy định toàn cầu đang chờ được thông qua bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế, cơ quan của Liên Hợp Quốc quản lý hoạt động vận chuyển toàn cầu.
Tổ chức này vốn hứng chịu chỉ trích nặng nề vì xử lý chậm trễ trong vấn đề khí hậu. Mùa hè này, họ đã thông qua một mục tiêu tham vọng hơn: loại bỏ lượng khí thải nhà kính của ngành vận tải biển toàn cầu “vào khoảng” năm 2050.
Để đạt được mục tiêu đó, các quốc gia đã hứa sẽ đồng ý về cách thức ràng buộc về mặt pháp lý để điều chỉnh lượng khí thải vào cuối năm 2025 và sẽ có hiệu lực vào năm 2027.
Tuy nhiên, các nước vẫn chưa thống nhất về việc sử dụng loại quy định nào. Họ đang tranh luận về việc có nên áp dụng tiêu chuẩn mới cho nhiên liệu sạch hơn, nên áp thuế mới trên mỗi tấn khí nhà kính thải ra hay một số loại công cụ kết hợp nào đó.
Một số nước đang phát triển và các quốc gia xuất khẩu hàng hóa có giá trị thấp như nông sản cho rằng quy định nghiêm ngặt sẽ làm tăng chi phí vận chuyển và gây tổn hại về mặt kinh tế.
Phe ủng hộ quy định này lại cho rằng cần tránh trừng phạt những người đang cố gắng làm trong sạch hoạt động kinh doanh và đảm bảo sự chắc chắn về hướng đi của ngành.
John Butler, Giám đốc điều hành của Hội đồng Vận tải Thế giới, đại diện cho các hãng vận tải container bao, cho biết: “Cần phải có một cơ chế kinh tế tạo ra một sân chơi bình đẳng để mọi người được khuyến khích và không bị trừng phạt khi sử dụng nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp”.
Tuy nhiên, metanol xanh khó có thể là giải pháp cuối cùng. Các chuyên gia nói rằng sự phụ thuộc của nhiên liệu vào các nguồn chất thải hữu hạn, như vỏ ngô và phân bò sẽ không đủ năng lượng cho toàn bộ các tàu vận tải toàn cầu chứ chưa nói đến các ngành công nghiệp khác.
Trong một cuộc phỏng vấn, Vincent Clerc, Giám đốc điều hành của hãng vận tải Maersk, nói rằng toàn bộ lĩnh vực hàng hải khó có thể được cung cấp năng lượng chủ yếu bằng metanol. Dù vậy, hãng vẫn kiên định việc chuyển một số đội tàu của mình từ nhiên liệu hóa thạch sang metanol.
Eric Leveridge, Giám đốc chiến dịch khí hậu của Pacific Environment, cho biết ông rất vui khi Maersk và các công ty vận tải biển khác đang hướng tới các loại nhiên liệu bền vững hơn. Nhưng tổ chức này vẫn lo ngại rằng “chuyện này mang tính chất PR và thực tế đang bị phóng đại quá mức”. Và ngay cả khi chuyện đó là nghiêm túc thì vẫn có rất nhiều tàu chở dầu nhiên liệu nặng vẫn đang tấp nập chạy trên biển.