“Nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng, nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Sáng 31.10, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn các thành viên chính phủ.Kết thúc ngày làm việc hôm qua, đã có 6 đại biểu nêu câu hỏi; 23 đại biểu tranh luận; 15 bộ trưởng và Chánh án Tòaán nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời chất vấn.
Mong bộ trưởng không né tránh
Chất vấn Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đại biểuPhạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) nêudự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên mà Bộ đang cho lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm, có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dụclà truyền thụ nhân cách.
“Nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này? Vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay?”, bà Hiền nêu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hiền, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biếtquy định trong các văn bản thông tư của ngành giáo dục rất nhiều. Bộ đang rà soát và thực tế quy định liên quan việc bán dâm đối với học sinh, sinh viên được nêu trong nội quy từ năm 2007, đến đầu năm 2016 lại có. Như vậy, quy định này đã có từ nhiều năm trước.
Khi rà soát, Bộ quy định tất cả những nội dung không phù hợp thì phải bỏ hoặc sửa, trong đó có nội dung trên. Tuy nhiên, khi sửa thì ban soạn thảo, đặc biệt là các cá nhân trực tiếp làm công việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đã đưa dự thảo lên website dẫn đến phản ứng của xã hội.
"Khi có thông tin, tôi chỉ đạo xử lý ngay. Quan điểm của tôi với tư cách Bộ trưởng giáo dục là không cần đưa vào thông tư vì đây là phạm vi xã hội. Những nội dung này không đưa vào thông tư nữa", Bộ trưởng Nhạ cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Bộ trưởng GD-ĐTđã tiếp thu ý kiến dư luận. Bà đề nghị những quy định gây phản cảm, bức xúc thì phải sửa ngay. "Quan điểm của Bộ trưởng rất rõ rồi, đề nghị chỉ đạo khắc phục ngay", bà Ngân nói.
Phát biểu sau phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằngbà không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà lại chuyển lỗi cho một cá nhân khác. Chỉ khi Bộ trưởng nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhận thấy năng lực của bộ máy ngành thì mới lấy lại được sự tôn nghiêm của giáo dục.
“Mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào thực tế, không tránh né, không tác động”, bà Hiền nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân nhắc lại lời phát biểu của bà Hiền và đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT rút kinh nghiệm.
Vì sao nâng Cục Quản lý thị trường lên thành tổng cục?
ĐB Lý Tiết Hạnh chất vấn việc nâng cấpCục Quản lý thị trường lên thành tổng cục và chuyển quản lý các chi cục tại địa phương theo ngành dọc, thay vì địa phương quản lý như trước.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biếtViệt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hội nhập sâu rộng... đang đặt ra nhiều vấn đề quản lý nhà nước, bao gồm cả mô hình quản lý thị trường. Trong khi đó, hoạt động gian lận thương mại, hàng giả... diễn biến phức tạp, tinh vi, liên kết chặt chẽ trong và ngoài nước nên đòi hỏi sự cập nhật mô hình, phối hợp thường xuyên của lực lượng quản lý thị trường.
Do đó cần có một lực lượng chuyên ngành để phối hợp với các lực lượng khác cần phải xem xét tổ chức lại. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động gian lận thương mại trên thương mại điện tử, mạng xã hội, internet… các hoạt động gian lận thương mại, buôn bán hàng giả đạt quy mô mới, hình thức tinh vi, đòi hỏi sự cập nhật chuyên môn, nghiệp vụ của quản lý thị trường, sự phối hợp với các địa phương liên vùng.
"Sự cắt khúc từ trước đến nay còn một số tồn tại, Chính phủ muốn tổ chức quản lý điều hành theo ngạch dọc, vẫn có sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo của chính quyền địa phương", ông Trần Tuấn Anh nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ đã ký ban hành quyết định và cho triển khai việc tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường ngay từ cuối năm 2018.
"Chúng ta mới chỉ thay đổi mô hình tổ chức, việc lãnh đạo, chỉ đạo, đòi hỏi có sự phối hợp của Chính phủ, các bộngành với chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng quy chế phối hợp công tác với chính quyền địa phương, đảm bảo sự lãnh đạo, phối hợp đấu tranh nhưng cũng hoàn thành các nghiệm vụ của địa phương. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng pháp lý, đổi mới phương thức số hóa, gắn với năng cao phẩm chất, năng lực trên toàn hệ thống", Bộ trưởng Tuấn Anh nói.
Nhiều đại biểu đề nghị khởi tố vụ Thuận Phong
Trả lời chất vấn của đại biểu, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, vụ Thuận Phong được các đại biểu rất quan tâm. Tuy nhiên, để xác định công ty này có mua bán, sản xuất phân bón giả không thì phải có kết quả giám định.
"Chúng tôi đã yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai hủy quyết định không khởi tố trước đây và thụ lý theo quy định. Vừa rồi Công an Đồng Nai đã yêu cầu giám định để trả lời phân bón có giả mạo về chất lượng, mẫu mã hay không?”, ông Trí nói.
Theo đó, hiện nay yêu cầu giám định đã được gửi đến3 bộ, tuy nhiên, mới chỉ có Bộ NN-PTNN trả lời, nhưng không đáp ứngyêu cầu của cơ quan điều tra. Còn 2 bộ Công Thương và Bộ KH-CN thì chưa trả lời.
“Mà theo quy định là chưa có trả lời thì chưa xem xét khởi tố được. Mấu chốt vấn đề nằm ở đây”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đây là vụ việc cụ thể, nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu, đề nghị ông Lê Minh Trí trả lời bằng văn bản.
Tranh luậnvới ông Lê Minh Trí, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Nình Thuận) cho biết đây là điển hình cho vụ việc sản xuất phân bón giả, làm hại nông dân, đã được chất vấn qua 2 kỳ họp Quốc hội.
“Các bộ ngành thì đã có 6 bộ trả lời. Bộ Tư pháp mới đây đã kết luận là sản xuất phân bón giả, xuất nhập khẩu hàng cấm, không biết Viện trưởng VKSND có nắm được không? Vừa rồi có thông tin là Công an Đồng Nai làm việc với Ban Nội chính, đề nghị khép lại vụ việc. Cái này 4 năm rồi, chúng ta phải làm vì nông dân", ông Cương nói.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng tranh luận: “Vụ Thuận Phong, với tất cả các tài liệu và báo cáo của các cơ quan chức năng, tôi cho rằng đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, đặc biệt mối quan hệ nhân quả, giữa ý chí chủ quan và hành vi khách quan”.
"VKSND Tối cao được Quốc hội và nhân dân trao cho quyền kiểm soát, giám sát tư pháp, nắm trong tay "thượng phương bảo kiếm" để rút ra mỗi khi quyền lợi của nhân dân bị xâm phạm… Tôi đánh giá rất cao hành động của VKSND Tối cao trong vụ “cà phê Xin Chào”, nhưng với vụ Thuận Phong, tôi mong những bằng chứng cấu thành tội phạm đã rõ thì quan trọng là ý chí của viện trưởng. Tôi mong vụ này mau được khởi tố cho công luận được biết”, ông Vân nói
Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đề nghị ông Lê Minh Trí báo cáo bằng văn bản cho đại biểu.