Người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Do đó, nhiều người vì thù lao, dễ dàng nhận quảng cáo mà ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

Nhiều nghệ sĩ tiếp tay quảng cáo sản phẩm kém chất lượng

Theo Zing | 12/05/2021, 11:50

Người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Do đó, nhiều người vì thù lao, dễ dàng nhận quảng cáo mà ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

"Đây là sản phẩm đầu tiên và duy nhất có khả năng tiêu bệnh gout từ căn nguyên. Tinh chất tiêu gout SANGU - sản phẩm số một cho người bị gout", đó là những lời quảng cáo của một diễn viên hài nổi tiếng về một sản phẩm trị bệnh gout đang lặp đi lặp lại trên YouTube nhiều ngày nay.

Quảng cáo được phát trước mỗi video mà người dùng click vào xem. Tuy nhiên, ngày 7.5, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo: "Trong thời gian vừa qua trên các website và trang mạng xã hội có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe SANGU không đúng bản chất, quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo".

Không riêng sản phẩm SUNGU, ngày càng có nhiều quảng cáo về các loại thuốc đông y, thực phẩm chức năng trên Facebook, YouTube, trong khi chất lượng mập mờ, chưa chính xác. Nhiều người nổi tiếng cũng tham gia quảng cáo cho những sản phẩm này.

20 phút quảng cáo kiếm 40 triệu đồng

Thời gian gần đây, người nổi tiếng, bao gồm cả diễn viên, người mẫu, ca sĩ..., xuất hiện ngày càng nhiều trong các quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trên mạng xã hội. Các sản phẩm được quảng cáo nhiều là mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng, thuốc chữa ung thư... Facebook, YouTube, Tik Tok... đang là những kênh chính phát những quảng cáo này.

Đơn cử, diễn viên Thanh Hương thường xuyên livestream quảng cáo kem dưỡng da; ca sĩ Đan Trường, nghệ sĩ Quyền Linh, Vân Dung, Quốc Khánh, Chí Trung... cũng tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng... Để tăng độ tin cậy, nhiều người còn sử dụng sản phẩm ngay khi livestream.

quyenlinh1.jpg

Nghệ sĩ Quyền Linh quảng cáo sản phẩm hỗ trợ điều trị tận các tế bào ung thư và dùng ngay trong video. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo khảo sát của Zing, mức giá quảng cáo của các nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu tùy vào mức độ nổi tiếng và lượng người theo dõi dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Khi phóng viên Zing liên hệ quản lý của Á hậu Huyền My, người này báo giá quảng cáo sản phẩm của nữ người mẫu là 35 triệu đồng cho một bài đăng có hình ảnh. "Còn livestream trực tiếp thì 40 triệu đồng cho 20 phút", quản lý cho biết.

Thanh Hương, một diễn viên phim truyền hình nổi tiếng, báo giá quay video quảng cáo giả livestream có giá 35 triệu đồng, tặng kèm ảnh. Quá trình hợp tác khá đơn giản, khách hàng chỉ cần gửi sản phẩm, chuyển tiền qua tài khoản và nhận video từ diễn viên này. "Nếu cần có thể gửi kèm kịch bản theo mong muốn", quản lý nữ diễn viên cho biết.

Ngoài ra, một số nghệ sĩ, diễn viên hạng A lại có yêu cầu trong việc lựa chọn sản phẩm quảng cáo. Quản lý của nữ diễn viên hài nổi tiếng Thu Trang cho biết chỉ nhận quảng cáo các sản phẩm nước ngoài sản xuất và không nhận quảng cáo các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Chị Hương, chủ một cửa hàng quần áo tại Hà Nội thừa nhận hiện nay ảnh hưởng của các nghệ sĩ, nổi tiếng trên mạng xã hội với hoạt động bán hàng rất lớn. "Chỉ cần một bài đăng của một hotgirl hay người nổi tiếng mặc bộ quần áo của cửa hàng tôi mà lượt theo dõi, đơn hàng tăng vài trăm lần", chị nói.

Thổi phồng công dụng của sản phẩm?

Nhiều người tiêu dùng cho biết họ lựa chọn sản phẩm vì tin tưởng ca sĩ, diễn viên, người mẫu... đó cũng sử dụng và có hiệu quả. Tuy nhiên, chất lượng của một số sản phẩm lại gây thất vọng, không "thần kỳ" như nghệ sĩ quảng cáo.

Từng đăng bài viết bức xúc về chất lượng sản phẩm dưỡng da Detox BlanC của diễn viên Thanh Hương quảng cáo, một tài khoản tên Đỗ Tuyết Mai cho biết chị bị thuyết phục bởi lời khẳng định của nữ diễn viên về tác dụng của sản phẩm "đảm bảo hết nám, tàn nhang, da đẹp mĩ mãn".

Tương tự, chị Trần Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mất hơn 2 triệu đồng mua sản phẩm dưỡng da Detox BlanC. Cuối cùng, người phụ nữ này phải đến bệnh viện da liễu để điều trị vì da nổi mẩn đỏ, sưng mủ.

Theo chị Ngọc Thúy (quận 7, TP.HCM), việc nghệ sĩ dùng tên tuổi, sức hút truyền thông để quảng cáo cho sản phẩm là điều không sai nhưng việc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, không đúng với lời nói rất cần lên án.

Điển hình, trong một video quảng cáo sản phẩm Scurma Fizzy có chức năng “hỗ trợ điều trị” các bệnh về dạ dày, nghệ sĩ Quyền Linh đã nói quá công dụng của sản phẩm như: “Hỗ trợ điều trị tận các tế bào ung thư; giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường”.

Tuy nhiên, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Scurma fizzy (số công bố 20071/2017) được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy xác nhận quảng cáo vào 8.2019 với công dụng hỗ trợ chống ô xy hóa, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng, hỗ trợ nhanh liền sẹo, làm đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh.

Do đó, những công dụng mà nghệ sĩ này nói trong video hoàn toàn không có trong nội dung được cấp phép quảng cáo. Và trang của Cục An toàn Thực phẩm cũng phát thông báo một số website quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Scurma Fizzy vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Trước đó diễn viên Ốc Thanh Vân đã phải công khai xin lỗi vì liên quan đến thương hiệu mỹ phẩm của Công ty TS Việt Nam (bị cơ quan công an điều tra phát hiện lô hàng 11 tỷ đồng không rõ nguồn gốc).

Nghệ sĩ cũng bị lợi dụng hình ảnh

Nhiều người nổi tiếng đang lạm dụng quảng cáo là một thực tế. Tuy nhiên, một số khác rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo sản phẩm.

Diễn viên Việt Anh, Huy Khánh... từng bị dùng hình ảnh trái phép để quảng cáo thuốc chữa yếu sinh lý. MC Quyền Linh từng bức xúc khi bị mượn hình ảnh cá nhân để quảng cáo thuốc chữa bệnh trĩ, xương khớp, hôi nách.

Hay các bác sĩ nổi tiếng cũng bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo sai sự thật. Trao đổi với Zing, GS TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, cho biết rất nhiều lần ông phải cảnh báo lên trang cá nhân vì tình trạng này nhưng vẫn không có tác dụng. Thậm chí, chúng còn được lan truyền nhiều hơn.

quyenlinh2.jpg

Nhiều ngày qua trên YouTube, tràn lan quảng cáo viên sủi trị viêm họng của diễn viên hài Chí Trung. Ảnh: Thanh Thương.

"Một số trang mạng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của tôi để cắt ghép vào video quảng cáo không đúng khiến rất nhiều người hiểu nhầm. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh tiền mất tật mang", ông chia sẻ.

Trao đổi với Zing, đại diện của Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho hay dù chưa có luật đối với người nhận quảng cáo, việc người nổi tiếng nói tốt về sản phẩm khi chưa sử dụng là không chấp nhận được. "Đó là vi phạm đạo đức của người nghệ sĩ", người này nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 15.4 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế công bố Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều nghệ sĩ tiếp tay quảng cáo sản phẩm kém chất lượng