Theo phát hiện mới, những F0 nặng phát triển bệnh tiểu đường khi nhập viện có thể chỉ là một dạng bệnh tạm thời. Lượng đường trong máu của họ có khả năng trở lại bình thường sau đó.

Nhiều người mắc COVID-19 nặng phát bệnh tiểu đường: Có thể chỉ tạm thời

Sơn Vân | 26/02/2022, 12:52

Theo phát hiện mới, những F0 nặng phát triển bệnh tiểu đường khi nhập viện có thể chỉ là một dạng bệnh tạm thời. Lượng đường trong máu của họ có khả năng trở lại bình thường sau đó.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 594 bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh tiểu đường khi nhập viện vì COVID-19. Trong đó có 78 người không được chẩn đoán mắc tiểu đường trước đó. So với những người mắc bệnh tiểu đường từ trước, nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng được chẩn đoán có vấn đề về đường huyết ít nghiêm trọng hơn.

Khoảng 1 năm sau khi xuất viện, 40% bệnh nhân trong nghiên cứu đã quay trở lại mức đường huyết dưới ngưỡng cho phép. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo thông tin này trên trang Journal of Diabetes and Its Complications.

Điều đó gợi ý cho chúng tôi rằng bệnh tiểu đường mới được chẩn đoán có thể là một tình trạng tạm thời liên quan đến căng thẳng cấp tính của nhiễm SARS-CoV-2”, theo đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Sara Cromer của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở thành phố Boston (Mỹ).

"Kết quả của chúng tôi cho thấy sự thiếu hụt insulin, nếu nó xảy ra, nói chung không phải là vĩnh viễn. Những bệnh nhân này có thể chỉ cần bổ sung insulin hoặc các loại thuốc khác trong thời gian ngắn. Điều quan trọng là các bác sĩ phải theo dõi chặt chẽ để xem liệu tình trạng của họ có cải thiện hay không".

nhung-nguoi-mac-covid-19-nang-phat-benh-tieu-duong.jpg
Nhiều người mắc COVID-19 nặng phát bệnh tiểu đường lúc nhập viện - Ảnh: Getty

Phương pháp điều trị ung thư không làm tăng nguy cơ tử vong do COVID-19

Các liệu pháp điều trị ung thư mạnh mẽ không làm tăng nguy cơ tử vong do COVID-19 cho bệnh nhân ung thư, theo nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ UK Coronavirus Cancer Monitoring Project.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 2.515 người trưởng thành mắc COVID-19 đang nhận (hoặc gần đây nhận) các phương pháp điều trị ung thư toàn thân như hóa trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nội tiết tố hoặc một số loại thuốc nhắm mục tiêu. Trong vòng một tuần sau khi chẩn đoán mắc COVID-19, 38% bệnh nhân tử vong. Một nửa số bệnh nhân trong nghiên cứu trên 72 tuổi.

Nhìn chung, bệnh nhân ung thư phổi hoặc ung thư máu có nguy cơ tử vong cao hơn do COVID-19. Tuy nhiên, hóa trị không ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong do COVID-19 ở bệnh nhân ưng thư và liệu pháp miễn dịch thực sự cải thiện tỷ lệ sống sót, theo một báo cáo được công bố trên Tạp chí JAMA Network Open.

Các nghiên cứu trước đó trên bệnh nhân COVID-19 phát hiện ra rằng những người bị ung thư có kết quả xấu hơn, nhưng đó có thể là do "tuổi tác, giới tính, bệnh đi kèm và phân loại ung thư hơn là do phương pháp điều trị chống ung thư", nhóm nghiên cứu kết luận.

Xét nghiệm laser phát hiện SARS-CoV-2 trong nước bọt với độ chính xác như PCR

Theo các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha, một phiên bản thiết bị nhỏ gọn, rẻ tiền có thể phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trong nước bọt với độ chính xác của xét nghiệm PCR và tốc độ như xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Thiết bị thử nghiệm dựa trên phương pháp đo tế bào dòng chảy, sử dụng tia lazer để đếm, phân loại các tế bào và hạt trong chất lỏng khi nó chảy qua một ống rất nhỏ. Nước bọt được trộn với một dung dịch có chứa các kháng nguyên huỳnh quang tự gắn vào bất kỳ phần tử SARS-CoV-2 nào.

Sau khoảng 20 phút, chất lỏng sẽ đi qua ống, nơi các tia laser sẽ phát hiện ra bất kỳ kháng nguyên huỳnh quang nào và kích hoạt kết quả dương tính nếu có, các nhà nghiên cứu giải thích trên trang Biomedical Optics Express.

Khi họ kiểm tra mẫu nước bọt của 34 người mắc COVID-19 và 20 người không nhiễm SARS-CoV-2, thiết bị có độ chính xác 91,2% trong việc phát hiện vi rút và 90% chính xác khi xác định những người không nhiễm. Nó cũng có thể phát hiện vi rút ở nồng độ thấp hơn nhiều so với mức có thể tìm được bằng các xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Các nhà nghiên cứu kết luận: "Với kết quả đạt được, chúng tôi tin rằng thiết bị của mình có tiềm năng trở thành một thiết bị chăm sóc sức khỏe nhanh, di động, thân thiện với người dùng, có thể thực hiện tới 2.000 xét nghiệm mỗi ngày”.

Đồng tác giả nghiên cứu, Ewelina Wajs của Viện Khoa học Quang tử ở Barcelona (Tây Ban Nha), cho biết: “Bằng cách chọn các kháng thể thích hợp, công nghệ này cũng có thể được điều chỉnh để phát hiện các loại vi rút khác như vi rút cúm, hoặc thậm chí vi sinh vật trong nước, chẳng hạn Legionella và E-coli".

Sự khác biệt về chủng tộc trong đợt dịch Omicron

Dữ liệu mới minh họa thiệt hại nặng nề hơn mà biến thể Omicron gây ra với các nhóm thiểu số ở Mỹ trong ví dụ mới nhất về sự khác biệt về chủng tộc thời đại dịch.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, cứ 2.000 người ở Mỹ thì khoảng 1 người mỗi ngày nhiễm SARS-CoV-2 lần đầu khi biến thể Delta chiếm ưu thế, so với khoảng 8 đến 10 người mỗi ngày vào tháng 1.2022 sau khi Omicron thống trị.

Trong đợt dịch Delta, tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 ở người da đen cao hơn da trắng từ 1,3 đến 1,4 lần. Với Omicron, con số này đã tăng lên gấp 3 đến 4 lần.

Trong đợt dịch Delta, tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn 1,6 đến 1,8 lần ở người gốc Tây Ban Nha so với người không phải gốc Tây Ban Nha. Con số này tăng lên gấp 3 lần ở đợt dịch Omicron.

Trẻ em cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Omicron, đặc biệt là nhóm dưới 5 tuổi. 22 bé nhiễm SARS-CoV-2 mỗi ngày trên 2.000 trẻ em dưới 5 tuổi trong tháng 1.2022.

Các phát hiện được rút ra từ 733.509 ca nhiễm Delta và 147.964 ca nhiễm Omicron.

Omicron có liên quan đến tỷ lệ thấp hơn đáng kể các lần khám tại khoa cấp cứu, nhập viện, vào khu chăm sóc đặc biệt và cần thở máy. Tuy nhiên, người da đen và người gốc Tây Ban Nha đến khám tại khoa cấp cứu và có nhu cầu chăm sóc đặc biệt cao hơn.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các đối tượng nghiên cứu có thể không đại diện cho tất cả bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ.

Bài liên quan
Nguy cơ bị bệnh tiểu đường sau khi mắc COVID-19
Theo nghiên cứu mới đang được các nhà khoa học theo đuổi, vi rút SARS-CoV-2 có thể gây hại cho các tế bào quan trọng trong tuyến tụy và khiến người bệnh mắc tiểu đường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều người mắc COVID-19 nặng phát bệnh tiểu đường: Có thể chỉ tạm thời