Nhiều địa phương đã tạm dừng hoặc thu gọn phần tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán 2022 do tình hình dịch bệnh COVID-19.

Nhiều nơi hạn chế lễ hội dịp Tết Nguyên đán để phòng dịch

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 13/01/2022, 17:28

Nhiều địa phương đã tạm dừng hoặc thu gọn phần tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán 2022 do tình hình dịch bệnh COVID-19.

Do tình hình dịch bệnh căng thẳng, và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 an toàn, hầu hết tỉnh thành đã thống nhất thu gọn quy mô tổ chức lễ hội trong dịp tết nhằm đảo bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết đã có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn có lễ hội đầu xuân thực hiện thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về việc không đón khách và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Tăng cường vận động, tuyên truyền người dân không tổ chức tiệc tất niên, việc cưới chỉ nên báo hỉ hoặc hoãn tổ chức tiệc, việc tang không tổ chức đoàn viếng đông người, rút ngắn thời gian, bảo đảm nghiêm ngặt các quy định phòng dịch COVID-19.

Tại tỉnh Bắc Ninh ngày 12.1 cũng đã có văn bản yêu cầu tạm dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động trước, trong và sau Tết Nhâm Dần 2022. Như vậy, các lễ hội nổi tiếng như hội Lim (huyện Tiên Du), hội chùa Phật Tích (huyện Tiên Du), hội làng Diềm (TP.Bắc Ninh), hội đền Bà Chúa Kho (TP.Bắc Ninh), hội đền Đô (TP.Từ Sơn)… có thể sẽ không đón nhiều khách thập phương như mọi năm.

le-hoi.jpg
Tết Nguyên đán là dịp có rất nhiều lễ hội truyền thống

Tại tỉnh Hà Nam, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lễ hội Tịch điền năm 2022 sẽ được tổ chức gọn hơn song vẫn đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức truyền thống. Năm 2022 là kỷ niệm 1.035 năm ngày vua Lê Đại Hành về tịch điền trên cánh đồng dưới chân núi Đọi (nay ở xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên). Đây cũng là năm thứ 13 lễ hội được chính quyền địa phương tổ chức.

Tại Hà Tĩnh, lễ hội chùa Hương Tích đầu năm 2022 cũng đã được thu gọn, không tổ chức phần khai hội. Tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra 2 phương án, thứ nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát tốt và được UBND tỉnh cho phép, huyện sẽ tổ chức lễ khai hội du lịch chùa Hương Tích năm 2022 ở quy mô cấp huyện. Phương án 2 là trong điều kiện dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, huyện sẽ không tổ chức phần hội, thay vào đó chỉ tổ chức phần lễ; cụ thể có 2 phần lễ chính: Lễ cúng Tam bảo đầu năm cầu quốc thái dân an, năm du lịch 2022 an toàn, hiệu quả vào ngày 6.2.2022 (tức mùng 6 tết); lễ Khánh đản Quán Thế Âm bồ tát vào ngày 20.3.2022 (18.2 âm lịch).

Tại tỉnh Quảng Nam, UBND TP.Hội An đã ban hành thông báo về việc dừng tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại sự kiện Hội An - Chào năm mới 2022 (TP.Hội An đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động chào năm mới 2022). TP.Hội An cũng đã dừng sự kiện "Kết nối du lịch địa phương và đón đoàn khách đầu tiên tham quan phố cổ Hội An năm 2022" vào sáng 1.1.2022. Được biết đây là 2 sự kiện chính trong nhiều hoạt động lớn đón chào năm mới 2022 của Hội An.

Trước đó, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS gửi các sở VH-TT-DL các tỉnh thành đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Các địa phương tổ chức lễ hội cần hướng dẫn các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm du khách được đón Tết an toàn, lành mạnh. Chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch trong việc cưới, việc tang, tảo mộ, mừng thọ; tổ chức ngày lễ, ngày kỷ niệm; các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí thuộc trách nhiệm quản lý của ngành VH-TT-DL nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của ngành y tế tại địa bàn theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân nhằm thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân vui xuân, đón Tết trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động VH-TT-DL, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các địa phương bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương.

Bài liên quan
Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều nơi hạn chế lễ hội dịp Tết Nguyên đán để phòng dịch