Trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản đói vốn, khó khăn, các chuyên gia cho rằng nguồn vốn FDI cũng được xem là một kênh thu hút hữu hiệu vốn đối với thị trường bất động sản Việt Nam.

Thị trường BĐS tắc vốn, doanh nghiệp khó khăn, nguồn vốn FDI được chờ đợi

Hoài Lam | 10/11/2022, 06:00

Trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản đói vốn, khó khăn, các chuyên gia cho rằng nguồn vốn FDI cũng được xem là một kênh thu hút hữu hiệu vốn đối với thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20.9, tổng FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 18,7 tỉ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI với hơn 3,5 tỉ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Các lĩnh vực được giới đầu tư quan tâm là sản xuất, bán lẻ, logistics, văn phòng và nhà ở. Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với dân số trong độ tuổi lao động lớn và nhiều chính sách hấp dẫn. Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp để kinh doanh tiếp tục đầu tư trong thời gian dài với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn.

Trong bối cảnh dòng vốn tín dụng ngân hàng hạn chế chảy vào những lĩnh vực rủi ro cao, thị trường trái phiếu trầm lắng sau nhiều năm bùng nổ, giải ngân đầu tư công chậm… đã khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng vì “đói vốn”.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá thị trường bất động sản hiện nay đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái; một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản.

Điều này được thể hiện qua việc một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn…).

Thêm nữa, do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, một số doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”; hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng) tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có “rủi ro” do là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng nguồn vốn FDI cũng được xem là một kênh thu hút hữu hiệu vốn đối với thị trường bất động sản Việt Nam.

thi-truong-bds-du-bao-kho-khan-doanh-nghiep-phai-tai-cau-truc-de-tu-cuu-minh-2.png
Thị trường BĐS tắc vốn, DN khó khăn, nguồn vốn từ FDI được chờ đợi

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng thị trường bất động sản của Việt Nam vẫn đang là mảnh đất màu mỡ mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Trong nhiều năm qua, thường bất động sản đứng thứ 2, hoặc thứ 3 trong thu hút FDI.

Theo ông Thịnh các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ có lượng vốn dồi dào mà còn có kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý… nên doanh nghiệp trong nước cũng mong muốn có sự hỗ trợ của doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này.

“Thực tế, trong những năm qua, tăng trưởng của Việt Nam cũng tương đối cao, ổn định được kinh tế vĩ mô, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng nên lượng vốn đổ vào Việt Nam khá cao. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, thu nhập của người dân gia tăng đi đôi với đô thị hóa làm cho nhu cầu về nhà ở tăng thêm đáng kể. Việt Nam đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mới và bất động sản các khu công nghiệp… cũng góp phần khiến dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản tăng lên.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng việc giá đất liên tục tăng cao cũng là rào cản trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; nhiều khu vực hiện nay muốn giải phóng mặt bằng cũng khó khăn.

Để khắc phục điều này, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần phải có quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư; có quy hoạch tổng thể của cả nước, của từng địa phương, từng lĩnh vực để đưa ra chính sách ưu tiên phù hợp.

"Quy hoạch này cũng cần có tầm nhìn và có tính ổn định trong khoảng thời gian dài để các doanh nghiệp yên tâm phát triển. Đồng thời tránh tình trạng nay quy hoạch, mai điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch một cách tùy tiện. Ngoài ra, mỗi địa phương cần có chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho việc vốn FDI vào Việt Nam, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn và tin cậy", ông Thịnh nói.

thinh.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Trả lời báo chí, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng để đảm bảo ngành bất động sản duy trì tốc độ phục hồi ổn định cũng như nguồn cung ở các phân khúc để phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác, giải pháp huy động vốn khả thi cho các doanh nghiệp là dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Ông nhận định, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dẫn đầu là nhóm ngành sản xuất - chế tạo và bất động sản. Đây là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh như hiện nay.

Phân tích thêm về giải pháp này, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam việc tìm kiếm nguồn vốn cho ngành bất động sản từ dòng FDI là hoàn toàn khả thi bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam hiện nay là rất lớn.

“Các doanh nghiệp cần linh hoạt và chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế. Với những quỹ đất sạch, cách làm việc minh bạch và năng lực sẵn có của chủ đầu tư, không khó để doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Với những lợi thế về am hiểu thị trường và các thủ tục hành chính của doanh nghiệp trong nước kết hợp với kinh nghiệm cũng như năng lực tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều dự án bất động sản quy mô lớn với chất lượng tốt đã được cung cấp cấp cho thị trường ở mọi phân khúc”, ông nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường BĐS tắc vốn, doanh nghiệp khó khăn, nguồn vốn FDI được chờ đợi