Thống kê từ Bộ Giáo dục và đào tạo, tính đến hết ngày 26.8 có thêm 12 trường ĐH, CĐ công bố xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nâng số trường xét tuyển bổ sung lên 159 trường.

Nhiều trường đại học phải hạ chuẩn vì 'đói' sinh viên đầu vào

Haiyen | 27/08/2016, 11:47

Thống kê từ Bộ Giáo dục và đào tạo, tính đến hết ngày 26.8 có thêm 12 trường ĐH, CĐ công bố xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nâng số trường xét tuyển bổ sung lên 159 trường.

Các trường liên tục hạ điểm: Tại thí sinh ảo hay bài học của Bộ Giáo dục?

Kết thúc đợt xét tuyển đợt 1, lượng hồ sơ ảo nộp vào các trường khá cao nên vừa qua nhiều học viện, các trường đại học, cao đẳngđã phải hạ chỉ tiêu để chiêu sinh. Tính đến hết ngày hôm qua 26.8 đã có thêm 12 trường đại học, cao đẳng công bố tuyển nguyện vọng bổ sung. Có thể thấy, chưa năm nào tình trạng “đói” thí sinh như năm nay và ngay đến cả trường Đại học Y Hà Nội - một trường đại học top đầu cũng phải hạ điểm tới mức "không thể tin nổi" để hy vọng tìm kiếm đủ thí sinh.

Việc các trường thuộc top trên đồng loạt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung lớn như vậy trước nay chưa có tiền lệ, thậm chí các trường top đầu phải nghĩ cách để "vét" nốt lượng thí sinh ngay trong đợt tuyển bổ sung. Chính vì điều đó, các trường top dưới hoặc các trường ở mức trung bình hầu như không còn hy vọng tuyển được các thí sinh theo đúng chỉ tiêu đề ra.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, năm 2015 Bộ Giáo dục và đào tạođã cho thí sinh rút hồ sơ là để có lợi cho thí sinh lẫn nhà trường nhưng năm 2016 Bộ lại yêu cầu các trường không được công khai số liệu đăng ký xét tuyển để tránh tình trạng như năm trước. Việc cho đăng ký tối đa 4 nguyện vọng giúp thí sinh tăng cơ hội chọn trường, chọn ngành mình mong muốn. Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận tỷ lệ ảo.Chính vì điều này, hầu hết các trường đành huy động toàn bộ nhân lực của nhà trường để "mời gọi" thí sinh nhiều nhất có thể.

Ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Tài chính cho biết: Với số lượng thí sinh không đến nhập học nhiều như vậy, chúng tôi phải gọi điện chứ nhắn tin thì không kịp. Chúng tôi chỉ đạo các cán bộ tư vấn cần định hướng cho thí sinh chứ không chỉ xác nhận việc có nhập học hay không.

Tuy nhiên, hầu hết phản hồi mà Học viện ghi nhận lại là thí sinh đã nhập học trường khác, một số khác thì đang phân vân chưa biết chọn trường nào, chính vì vậy đến tận giờ nhà trường vẫn chưa tuyển đủ thí sinh vì có tới hơn 1.300 thí sinh không làm thủ tục nhập học sau khi đã đăng ký (thí sinh ảo).

Các thí sinh đến tư vấn đa số là đã lựa chọn được trường cho mình

Có những trường tạo các phòng tư vấn, tuyển sinh bật nhạc sẵn, điều hòa mát rượi, các cán bộ tư vấn nhập trường nhưng thí sinh vẫn... vắng hoe, các thí sinh nhà trường gửi phiếu báo trúng tuyển thì không đến vì đa số là lượng thí sinh ảo, tỷ lệ thí sinh ảo lại chủ yếu rơi vào những thí sinh có khả năng đỗ, là những học sinh giỏi khiến các trường không khỏi bẽ bàng với sự thật: "Người giỏi thì không vào trường mình".

Tiếp tục tuyển thí sinh bằng mọi cách hay giữ vững thí sinh để đảm bảo chất lượng?

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội khẳng định: "Thà trường thiếu thí sinh chứ không thể hạ thêm điểm được nữa vì hạ điểm thì cũng đã hạ rồi, thấp hết mức có thể (điểm vào Đại học Y đã hạ tới 20,5 điểm) còn thiếu thí sinh thì vẫn phải chấp nhận để không ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học".

Khác với trường Đại học Y Hà Nội, rất nhiều trường vẫn tiếp tục "tung chiêu" để vơ vét hết lượng thí sinh còn thiếu, nhưng càng "vét" bao nhiêu thì nhà trường lại phải đối mặt với lượng thí sinh ảo bấy nhiêu. Bởi trong đợt tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 21.8.2016 đến hết ngày 31.8.2016 thì thí sinh sẽ được đăng ký tối đa3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo. Trong đợt này, thí sinh cũng không được phép rút hồ sơ sau khi đã nộp.

Với lượng thí sinh ảo lớn các trường không kịp trở tay, hạ điểm và mời mọc các thí sinh cũng không hề "chú ý". Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT lý giải: Trước khi tuyển sinh, Bộ Giáo dục và đào tạocũng đã tổ chức họp với một số trường để bàn những biện pháp chống ảo như lập nhóm xét tuyển.

Trong các cuộc họp, hầu hết các trường chấp nhận khó khăn về “ảo” để các thí sinh được thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển. Khi thí sinh mới là người quyết định nơi học thì việc vừa phải tuyển đủ chỉ tiêu, vừa không được tuyển vượt, quả là bài toán khó cho các trường. Thay vì tăng quy mô, các trường nên tập trung nâng cao chất lượng đào tạo để hút thí sinh.

Theo lý giải của bà Phụng, việc xác định chỉ tiêu của các trường chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định.

Nói như bà Phụng thì "trách nhiệm" của Bộ Giáo dục và đào tạo là gần như vô can, nhưng chúng ta cũng nên nhìn lại hệ quả của việc các trường dù có cố gắng tuyển cũng không đủ thí sinh là do Bộ Giáo dụcđã cho các trường mở các ngành học, trường học một cách tràn lan.

Vài năm trở lại đây, quy mô sinh viên giảm nhưng số các trường đại học, cao đẳng tiếp tục tăng. Rất nhiều trường được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học. Đào tạo đại học tràn lan dẫn đến hàng loạt cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đến hết tháng 6.2016, cả nước có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp. Trong đó 191.300 người trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người trung cấp chuyên nghiệp.

Về vấn đề thí sinh ảo, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạocho rằng: “Để giảm thiểu số thí sinh ảo, Bộ GD&ĐT nên khống chế nguyện vọng 1 tuyển sinh, mỗi thí sinh chỉ được chọn một trường. Còn về phía các trường, Bộ GD&ĐT cũng nên khống chế chỉ tiêu tuyển sinh. Và cũng đã đến lúc các trường nên hạn chế việc tăng quy mô đào đạo, thay vào đó là nỗ lực để tăng chất lượng giáo dục đào tạo.

Cũng như ý kiến của GS Phạm Minh Hạc, Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội đánh giá, hiện Việt Nam thừa lao động ở những nhóm ngành mà thị trường không cần, như Quản trị kinh doanh, Kinh tế... Trong khi đó lại thiếu số lượng lớn kỹ sư công nghệ.

"Điều đó cho thấy có độ vênh lớn giữa việc đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động, thừa thầy, thiếu thợ. Hệ quả của chính việc này là các trường mở các ngành học một cách tràn lan, quá nhiều trường đại học, cao đẳng mà lại thiếu đi các trường dạy nghề”, ông Vinh cho hay.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều trường đại học phải hạ chuẩn vì 'đói' sinh viên đầu vào