Xác định bản chất, tiêu chí của các trường hợp thu hồi đất; xác định thiệt hại, bồi thường; những trường hợp được áp dụng, hỗ trợ tái định cư; xác định giá đất là những điều mà PGS.TS Phan Trung Hiền – Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ quan tâm, góp ý trong hội thảo "Chính sách đất đai trong nông nghiệp – Góp ý và dự thảo luật đất đai (sửa đổi)".

Nhiều ý kiến đóng góp trong việc thu hồi đất để sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013

Nguyên Việt | 17/10/2022, 16:12

Xác định bản chất, tiêu chí của các trường hợp thu hồi đất; xác định thiệt hại, bồi thường; những trường hợp được áp dụng, hỗ trợ tái định cư; xác định giá đất là những điều mà PGS.TS Phan Trung Hiền – Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ quan tâm, góp ý trong hội thảo "Chính sách đất đai trong nông nghiệp – Góp ý và dự thảo luật đất đai (sửa đổi)".

Hội thảo "Chính sách đất đai trong nông nghiệp – Góp ý và dự thảo luật đất đai (sửa đổi)" tổ chức tại Học viện Chính trị khu vực 4, TP.Cần Thơ vào sáng 17.10.

TS. Phan Công Khanh – Giám đốc Học viện cho biết, hội thảo nhằm tăng cường trao đổi thông tin, tiếp thu những bài học kinh nghiệm và ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Luật đất đai 2013. Các chủ đề đi sâu vào thảo luận gồm: tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; bồi thường, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

PGS.TS Phan Trung Hiền – Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ cho biết, Nghị quyết 18 – NQ/TW đã xác định thực trạng, nguyên nhân trọng tâm về những bất cập trong công tác thu hồi đất và chỉ rõ những điểm cần khắc phục.

Cụ thể, khoản 1, điều 16, Luật Đất đai 2013 quy định 3 nhóm trường hợp thu hồi đất, gồm: Lỗi do người sử dụng đất; người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích chung.

“Trong đó, trường hợp thu hồi đất thứ ba là xảy ra nhiều khiếu nại, khiếu kiện nhất. Vấn đề cần quan tâm là chưa xác định được bản chất, tiêu chí của trường hợp này, xác định giá đất, bồi thường khi thu hồi chưa hoàn toàn khách quan, xác định hỗ trợ nhưng mang tính chất bồi thường...”, ông Hiền nói.

5254886ec8b40fea56a5.jpg
Một dự án ở TP.Cần Thơ thu hồi đất của nhiều hộ dân để thực hiện - Ảnh: Nguyên Việt

Ông Hiền cho rằng, một trong những bất cập của Luật Đất đai 2013 là vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích chung chưa xác định rõ tiêu chí mang tính nguyên tắc. Các thuật ngữ như: “dự án xây dựng khu đô thị mới", "khu dân cư nông thôn mới", "chỉnh trang đô thị", "khu dân cư nông thôn"... còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất dẫn đến một số địa phương thu hồi đất tràn lan, khó kiểm soát. Theo ông Hiền, xác định được “tiêu chí lợi nhuận” là một trong những điều tiên quyết để quyết định ranh giới, phạm vi thu hồi đất bắt buộc.

Các dự án thương mại, dịch vụ - theo ông Hiền - về bản chất không thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội, Nhà nước không nên đứng ra thu hồi đất cho các dự án này, mà cần thực hiện thông qua cơ chế thỏa thuận với người sử dụng đất.

Vấn đề xác định thiệt hại, bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất theo ông Hiền vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. “Chúng ta phải đứng trên quan điểm xác định thiệt hại trước khi giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại”, ông nói và kiến nghị nên quy định vấn đề này ngắn gọn là: bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trả lại thiệt hại về giá trị quyền sử dụng đất do hoạt động thu hồi đất mang lại một cách công bằng, tương xứng với hình thức bằng đất, hoặc bằng tiền”.

0b604a9f6a45ad1bf454.jpg
Một góc TP.Cần Thơ - Ảnh: Nguyên Việt

Vẫn theo ông Hiền, cần bổ sung khái niệm “thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất” và bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất”. Hoạt động thu đất có thể mang tính hành chính nhưng hoạt động bồi thường mang bản chất dân sự, ngang giá. Chính vì vậy, cần xây dựng cơ chế bồi thường dựa trên các quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Ông Hiền cũng cho rằng cần bổ sung quy định để thể chế hóa nguyên tắc bảo đảm người có đất thu hồi sau khi sống ở khu tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Đặc biệt, cần có những quy định ràng buộc về thời điểm bố trí tái định cư. Cụ thể, các quyết định như thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giao nền tái định cư phải được thực hiện cùng một ngày. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất có hiệu lực, UBND cấp tỉnh, huyện phải bố trí giao giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại khu tái định cư. Không được phép ban hành quyết định cưỡng chế đối với các trường hợp chưa được bố trí tái định cư.

Ông Hiền trình bày rằng, theo quy định hiện hành, sau khi nhận quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư người dân có thể lựa chọn một trong hai con đường là khiếu nại hoặc khiếu kiện. Trong khi đó, UBND tỉnh vừa là chủ thể định giá đất bồi thường vừa là nơi xử lý khiếu nại cuối cùng nên khó có được kết quả khách quan.

Về khiếu kiện, ông Hiền dẫn văn bản của Chánh án TAND tối cao cho thấy rằng, tòa sẽ căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mục đích thu hồi, giá đất cụ thể của loại đất tại thời điểm có quyết định thu hồi để giải quyết vụ án, không được tiến hành định giá trị quyền sử dụng đất.

“Như vậy, cả hai con đường khiếu nại và khiếu kiện đều không có gì đảm bảo được sự khách quan”, ông Hiền nói và đề nghị luật cần sửa đổi, bổ sung rằng nếu trong trường hợp khiếu kiện thì tòa án căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mục đích thu hồi, nguyên tác và phương pháp định giá đất để yêu cầu các cơ quan hữu quan tiến hành xác định lại giá trị quyền sử dụng đất, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ý kiến đóng góp trong việc thu hồi đất để sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013